Khám phá Phú Lộc cổ đình

12:09, 06/09/2018

Hàng năm, mỗi khi đến lễ Kỳ yên, bà con trong vùng lại nô nức đến Phú Lộc cổ đình tại Ấp 3, thị trấn Phú Lộc (Thạnh Trị) để thắp nén hương nhớ cội nguồn, về những bậc tiền hiền đã khai sinh và bảo vệ vùng đất này và tin vào một tương lai xán lạn.

Hàng năm, mỗi khi đến lễ Kỳ yên, bà con trong vùng lại nô nức đến Phú Lộc cổ đình tại Ấp 3, thị trấn Phú Lộc (Thạnh Trị) để thắp nén hương nhớ cội nguồn, về những bậc tiền hiền đã khai sinh và bảo vệ vùng đất này và tin vào một tương lai xán lạn.

Theo các tài liệu còn lưu lại, đình được lập cách đây đã lâu để thờ linh thần Chánh Soái Đại Càn Quốc Vương Nam Hải và các bậc tiền hiền đã có công khai làng lập ấp cùng những chiến sĩ thời trước đã có công bảo vệ làng xã. Không ai biết chính xác đình được xây dựng vào thời gian nào.

Theo lời truyền tụng đình được khởi dựng vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 theo kiến trúc cổ, giống với kiến trúc của các ngôi đình thần ở Nam bộ tọa lạc tại Ấp 2, thị trấn Phú Lộc (ngày nay)…

Năm 1946, đình bị cháy rụi do tai nạn. Các di vật phần bị cháy, phần thất lạc gần hết, sau đó, có người tìm lại được chiếc lư hương và bức hoành phi còn nguyên vẹn và gởi tại một ngôi chùa trên địa bàn.

Các vị cao niên trong Ban hội đình thường xuyên chăm nom ngôi đình.
Các vị cao niên trong Ban hội đình thường xuyên chăm nom ngôi đình.

Đến năm 1958, đình được dựng lại tại Ấp 3, thị trấn Phú Lộc (ngày nay) với sự đóng góp của bà con ở địa phương.

Sau nhiều lần trùng tu, sửa chữa, đến nay ngôi đình được khang trang và kiên cố, xây dựng theo lối kiến trúc cũ với 3 gian, 2 chái;

có sân đình, cổng đình; chính điện có 4 cây long trụ chạm trổ hình rồng uốn lượn trong mây cùng các cây cột khác, mỗi cây cột được khắc một câu đối, đặc biệt bức hoành phi tên đình được làm từ gỗ sao trên trăm năm tuổi mà đã có thời gian bị thất lạc ngự ngay chính điện,

cùng với các hoành phi khác được làm từ gỗ căm xe có tuổi thọ vài chục năm; tất cả đều tựu trung cầu chúc địa phương mưa thuận gió hòa, bá tánh an ninh.

Từ đó, thêm mang ý nghĩa lớn trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. “Đình có ý nghĩa lớn về mặt tín ngưỡng tâm linh của người dân tại địa phương.

Đặc biệt vào lễ Kỳ yên hàng năm được tổ chức rất trang nghiêm, là dịp để trả ơn Thần, các bậc tiền hiền, hậu hiền đã phù hộ trong công việc làm ăn và cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an” - ông Thái Trường Định - Chánh hội trưởng Phú Lộc Cổ Đình cho hay.

Theo đó, lễ Kỳ yên Phú Lộc cổ đình được tổ chức theo thông lệ hàng năm, lễ cúng diễn ra từ ngày 15 đến 17 tháng 2 âm lịch. Đây là hoạt động mang tính truyền thống được tổ chức long trọng với các lễ thức của cúng đình người Việt.

Về nghi thức cúng đình gồm: lễ thỉnh Thần lúc 9 giờ 15 phút, cúng Thần nông lúc 16 giờ, ngày 15 như là sự nhớ ơn đất đai - ông thổ địa đã giúp họ làm ăn thuận lợi, mùa màng tươi tốt.

Cúng tiền hiền, hậu hiền ngày 16. Đáng chú ý là lễ xây chầu diễn ra lúc 20 giờ 30 phút đêm 15 đúng theo các lễ: lễ khai nhật - nguyệt, lễ điền hương - điền hoa, lễ tam hiền: Phước - Lộc - Thọ; lễ tứ tướng Thiên vương: Đông - Tây - Nam - Bắc;

địa giao hoan, tôn vương. Kết thúc lễ xây chầu là nghi thức đại bội - cúng bốn mùa: Xuân - Hạ - Thu - Đông với ước mơ bốn mùa hoa nở để nhân dân trong vùng no ấm, làm ăn tấn tới và vụ mùa bội thu. Sau phần thực hiện các nghi lễ cúng đình là phần biểu diễn nghệ thuật tuồng cổ.

Trong mùa Kỳ yên có đến vài nghìn lượt bà con trong và ngoài thị trấn tập trung tại đây vào các tối. Khi lễ hội bắt đầu, các vị cao niên đến với lễ Kỳ yên để được thưởng thức bộ môn nghệ thuật tuồng cổ. Còn những người trẻ hơn đây là dịp để gặp gỡ bạn bè, nam thanh nữ tú có dịp để hẹn hò, vui chơi.

Tất cả tạo nên không khí náo nức, nhộn nhịp của ngày hội. Quan trọng hơn đó chính là một loại hình sinh hoạt văn hóa lành mạnh.

Chị Nguyễn Thu Loan, ngụ thị trấn Phú Lộc (Thạnh Trị) bộc bạch: “Vào mỗi dịp cúng Đình Phú Lộc hầu hết bà con ở đây đều đến đông lắm, nhất là vào buổi tối, trước là để thắp nén hương để tỏ lòng thành kính với bậc bề trên, sau là xem hát”.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Phú Lộc Tô Ngọc Đấu cho biết: “Đình Phú Lộc có nhiều giá trị tiêu biểu, hiện nay vẫn còn lưu giữ được một số di vật xưa, là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân địa phương. 

Đây còn là nơi giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, đặc biệt đình còn tham gia tốt trong công tác xã hội từ thiện của địa phương”. 

Theo Báo Sóc Trăng

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh