Tại hội nghị trực tuyến 6 tháng đầu năm 2018 của BCĐ phòng chống tội phạm quốc gia (138), Thượng tướng Tô Lâm- Bộ trưởng Công an- cảnh báo tình hình tội phạm "tín dụng đen" cho vay nặng lãi diễn biến phức tạp, nhiều vụ tính chất như cướp giữa ban ngày.
Tại hội nghị trực tuyến 6 tháng đầu năm 2018 của BCĐ phòng chống tội phạm quốc gia (138), Thượng tướng Tô Lâm- Bộ trưởng Công an- cảnh báo tình hình tội phạm “tín dụng đen” cho vay nặng lãi diễn biến phức tạp, nhiều vụ tính chất như cướp giữa ban ngày.
Băng nhóm “tín dụng đen” có những người xăm mình rất bặm trợn để đe dọa con nợ. |
Hoạt động “tín dụng đen” tràn lan
Báo cáo của BCĐ Phòng chống tội phạm quốc gia cho thấy, tình trạng “tín dụng đen” tràn lan ở các tỉnh- thành và lan xuống tận vùng nông thôn gây tình hình tội phạm, an ninh trật tự phức tạp.
Chúng hoạt động công khai ở nơi công cộng như bến tàu, bến xe phát tờ rơi hay dán các quảng cáo trên các vách tường, cột điện. Dọc theo các tuyến đường từ QL1 đến các vùng nông thôn, chúng cho người dán quảng cáo trên cây ven đường chào mời vay vốn.
Họ “núp bóng” đại diện ngân hàng, tổ chức tín dụng với phương châm muốn hỗ trợ tài chính cho người đang gặp khó khăn về vốn vay, làm ăn… Với mẫu quảng cáo “bắt mắt”, lời chào mời nhiệt tình khiến nhiều người dễ tin rơi vào “cái bẫy” của “tín dụng đen”.
“Tín dụng đen” thường nhắm đến khu vực đông dân cư và con “mồi” thường là công nhân lao động, học sinh, sinh viên sống xa gia đình, đối tượng có tính ăn chơi lêu lổng, cờ bạc cần tiền tiêu xài, gia đình gặp khó khăn.
Ở Vĩnh Long, Khu công nghiệp Hòa Phú là nơi có hàng chục ngàn công nhân, sinh viên học tập làm việc, là “vùng đất màu mỡ” cho “tín dụng đen” hoạt động. Một công nhân ở đây cho biết, “tín dụng đen” công khai chào mời cho vay vốn tiêu dùng.
Dù biết “tín dụng đen” lãi “cắt cổ” nhưng vì cần tiền tiêu xài nên người lao động chấp nhận vay. Ở đây đa phần công nhân vay thế chấp thẻ ATM, sổ BHXH, còn sinh viên thế thẻ sinh viên, giấy phép lái xe và tuy nhiều người không có gì thế chấp nhưng họ cũng cho vay.
Đến ngày lãnh lương thì những người xăm hình trông rất bặm trợn đứng trước cổng công ty hoặc ở các cây ATM để… “thu hồi vốn”.
Gần đây, “tín dụng đen” còn nhắn tin vào điện thoại di động chào mời cho vay vốn. Mới đây, tôi nhận được tin nhắn có nội dung mời vay vốn: “Em cho vay tiền. Sinh viên cũng cho vay, không có thế chấp bất kỳ gì, nhận vốn nhanh. Em thề đó”.
Để hiểu thêm hoạt động của “tín dụng đen”, tôi liên hệ số điện thoại 09898622xx của người nhắn tin thì bên kia một giọng nói nữ tỏ ra lịch sự, ngọt lịm. Khi tôi nói cần tiền để trả nợ, cô ta bắt chuyện rất nhanh: “Anh cho địa chỉ, bên em có người đến giao tiền, không cần thế chấp gì, lãi suất hợp lý trả theo ngày, tuần, tháng tùy anh chọn”.
“Đưa cổ vào thòng lọng”
Nói đến “tín dụng đen”, nhiều người không còn xa lạ hình thức cho vay lãi suất “cắt cổ”. Dù biết hình thức cho vay nặng lãi nhưng vì hoàn cảnh, không có điều kiện đến ngân hàng vay vốn đành chấp nhận “vay nóng” của các đối tượng này. Và một khi đã vay “tín dụng đen” được ví như “đưa cổ vào thòng lọng” và bị siết chặt khó mà thoát.
Hiện nay, hoạt động “tín dụng đen” rất linh hoạt, có thể thỏa thuận trả theo ngày, tuần, tháng, nhưng với lãi suất không dưới 20%, thậm chí lên đến 60%/tháng khiến người vay dễ mất khả năng trả nợ và chỉ trong thời gian ngắn “lãi mẹ đẻ lãi con”.
“Công cụ” đòi nợ của “tín dụng đen” thường là những đối tượng, thành phần bất hảo. Nếu người vay không trả hoặc chậm trả, họ có thể hành hung đe dọa, khủng bố tinh thần, siết nợ… và nhiều nạn nhân phải bán tài sản để trả nợ hoặc bỏ trốn khỏi địa phương.
Tại Vĩnh Long, hiện công an nhận định hoạt động “tín dụng đen” đang có chiều hướng phức tạp. Thời gian qua, không ít con nợ trở thành nạn nhân bị đe dọa, khủng bố tinh thần, hành hung…
Nhiều vụ việc đau lòng vì trót đã vay “tín dụng đen” để rồi lâm vào cảnh sống ngày ngày nơm nớp lo sợ đối tượng xã hội đến đòi nợ như trường hợp của chị V. (TP Vĩnh Long). Chị V. vay “tín dụng đen” 10 triệu đồng trả góp theo ngày (250.000 đ/ngày). “Khi cho vay thì chúng chặn lấy lãi trước 2 ngày là 500.000đ.
Sau đó, tôi trả lãi tính ra khoảng 20 triệu đồng thì không còn khả năng. Sau gần một năm, họ tính gốc, lãi lên hơn 50 triệu đồng. Họ đến uy hiếp buộc phải trả nợ, gia đình phải bán tài sản, mượn tiền thêm người thân trả mới yên thân”- chị V. kể lại.
Mới đây, nhiều đối tượng “xã hội đen” ngang nhiên xông vào nhà bà Nguyễn Thị B. (Long Hồ) tìm đứa cháu ngoại của bà.
Bà B. cho biết: “Chúng nói cháu tui vay 60 triệu đồng nhưng nhiều tháng nay không trả, đã bỏ trốn. Bọn chúng, người nào người nấy mặt mày trông rất dữ tợn. Tui nói cháu ngoại tui không có nhà nhưng chúng vẫn xông vào lục soát trong phòng và hăm dọa đủ điều làm tui rất lo lắng”.
Công an cảnh cáo hoạt động “tín dụng đen” rất đa dạng. Họ thường dụ dỗ, mang “mác” hỗ trợ vốn nên nhiều người sẽ dễ dàng tin tưởng và khi vướng vào “tín dụng đen” thì nợ càng nợ thêm, thậm chí tan nhà nát cửa, tính mạng bị đe dọa. Công an khuyến cáo mọi người không nên vay “tín dụng đen” với mọi hình thức vì sẽ gây ra nhiều hệ lụy trong cuộc sống.
Tại hội nghị 6 tháng đầu năm 2018, Công an Vĩnh Long cho biết, hoạt động “tín dụng đen” phức tạp. Thời gian qua, công an đã bắt nhiều đối tượng xã hội có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen” cho vay nặng lãi cùng với nhiều tang vật có liên quan. Trên địa bàn, có nhiều nạn nhân của “tín dụng đen” bị đe dọa, khống chế tinh thần. Hiện, ở Vĩnh Long xuất hiện 2 công ty có dấu hiện của hoạt động “tín dụng đen” cho vay nặng lãi. Đối tượng hoạt động “tín dụng đen” đa số là người từ miền Trung vào.
|
Bài, ảnh: HOÀI NAM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin