ĐBSCL được đánh giá là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm của cả nước. Song song với hoạt động sản xuất này, nhiều sản phẩm đặc trưng vùng cũng được đưa ra thị trường.
ĐBSCL được đánh giá là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm của cả nước. Song song với hoạt động sản xuất này, nhiều sản phẩm đặc trưng vùng cũng được đưa ra thị trường.
Tuy nhiên, để các sản phẩm này nâng cao chất lượng, đến với người tiêu dùng trong cả nước, quốc tế cần sự kết nối của trung tâm chuyển giao công nghệ và dịch vụ trong vùng.
Kết nối...
Tháo gỡ trở ngại để đưa sản phẩm đặc sản từ làng quê đi xa khắp vùng miền trong cả nước không chỉ đòi hỏi sản phẩm sản xuất an toàn, thời gian bảo quản lâu hơn mà điều kiện cần có chính là hình thành hệ thống phân phối hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở các địa phương.
Trong 2 năm qua, Trường Đại học (ĐH) Cần Thơ với lợi thế là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu của quốc gia tại khu vực ĐBSCL đã thực hiện chương trình liên kết với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tại các địa phương trong khu vực.
Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Dịch vụ (CGCN&DV) của trường đóng vai trò chính trong việc thiết lập, kết nối các địa phương hình thành hệ thống cửa hàng giới thiệu và phân phối hàng đặc sản ĐBSCL, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Các sản phẩm là đặc sản vùng ĐBSCL được trưng bày, giới thiệu ở Cửa hàng Giới thiệu và Phân phối Đặc sản ĐBSCL tại Khu 2, Trường ĐH Cần Thơ. Ảnh: HÀ VĂN |
Thông qua các chương trình kết nối, tư vấn, định hướng các sản phẩm sản xuất phải đảm bảo theo tiêu chuẩn an toàn; đóng gói bao bì sản phẩm có nhãn mác trước khi đưa vào hệ thống cửa hàng.
Theo dõi doanh thu và lượng hàng bán ra mỗi tháng, các DNVVN, chủ cơ sở sản xuất sẽ tiếp nhận những thông tin phản hồi từ người tiêu dùng về giá cả, chất lượng, mẫu mã, bao bì và những đặc điểm khác của sản phẩm. Từ đó DNVVN cải thiện và tiếp tục hoàn thiện sản phẩm.
Bên cạnh đó, hoạt động của hệ thống cửa hàng đặc sản ĐBSCL còn là cầu nối giữa những nhà khoa học của Trường ĐH Cần Thơ với các DNVVN trong việc tư vấn và chuyển giao công nghệ để hoàn thiện sản phẩm, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DNVVN trên thị trường nội địa.
Kết quả sau 2 năm hoạt động số lượng sản phẩm và các doanh nghiệp tham gia đưa sản phẩm vào phân phối, theo kênh bán hàng không ngừng gia tăng.
Vào thời điểm khởi đầu cửa hàng chính thức hoạt động, có 30 DNVVN tham gia chương trình liên kết với 150 sản phẩm được trưng bày và giới thiệu. Đến nay có hơn 60 DNVVN tham gia, đưa vào hệ thống cửa hàng hơn 300 sản phẩm.
Tất cả sản phẩm được quảng bá thông qua hoạt động liên kết của nhà trường với địa phương. Từ trong phạm vi nội ô nhà trường sản phẩm có nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm khi khách đến tham quan trường; đồng thời thông qua các kênh thông tin truyền thông, hội chợ.
Năm 2017 hệ thống cửa hàng đặc sản đạt doanh số bán hàng 3,2 tỉ đồng, tăng 2,46 lần so với năm đầu tiên (2016).
Với xu hướng tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm đặc sản địa phương ngon lành, an toàn, bảo quản không hóa chất độc hại đang ngày càng thu hút khách hàng. Doanh số bán hàng có xu hướng đang tăng lên.
PGS.TS Nguyễn Phú Son, Giám đốc Trung tâm CGCC&DV - Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Sau 2 năm hoạt động, Cửa hàng Giới thiệu và Phân phối Đặc sản ĐBSCL đã liên kết với nhiều cửa hàng ở các địa phương khác nhau tạo nên hệ thống Cửa hàng Đặc sản ĐBSCL.
Hệ thống Cửa hàng Đặc sản ĐBSCL ngày càng được mở rộng và phát triển vững mạnh, góp phần tiêu thụ đặc sản ĐBSCL cho nhà sản xuất trong vùng”.
Mở rộng kết nối
Thăm dò ý kiến khách hàng, kết quả doanh thu bán hàng từng loại sản phẩm cho thấy một số sản phẩm được tín nhiệm, tiêu thụ mạnh như các loại gạo thơm ST 24, ST 20, gạo tím than, gạo đỏ của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang;
mắm cá linh, mắm cá sặc, khô cá tra phồng của Công ty Bà Giáo Khỏe 55555; cơm sấy gạo lứt 150g, 70g, cơm cháy chà bông 200g, 110g của Cơ sở Nhật Khánh;
chả nhồi Pate trứng muối 350g, chả hoa 500g, pate cuộn trứng 500g của Công ty Chế biến Thực phẩm Năm Thụy; tôm khô, khô cá dứa, khô cá khoai của cơ sở sản xuất Tiến Hải... được khách hàng ưa chuộng.
Hiện nay, Hệ thống Cửa hàng Giới thiệu và Phân phối Đặc sản ĐBSCL được phân phối qua 29 điểm bán lẻ và 4 cửa hàng. Trong đó, tại TP Cần Thơ có 15 điểm bán hàng, Vĩnh Long có 3 điểm bán hàng;
An Giang có 7 điểm bán hàng; Bến Tre có 3 điểm bán hàng; Trà Vinh 1 điểm bán hàng; Kiên Giang 1 điểm bán hàng; TP HCM có 2 điểm bán hàng và Gia Lai có 1 điểm bán hàng.
PGS.TS Nguyễn Phú Son cho biết thêm: “Song hành cùng các hoạt động giới thiệu, phân phối sản phẩm đặc sản ĐBSCL, trong 2 năm qua Trường ĐH Cần Thơ còn thực hiện các hợp đồng chuyển giao công nghệ (CGCN) cho doanh nghiệp, như: Tư vấn thiết kế bao bì, nhãn mác; CGCN bảo quản sản phẩm; CGCN sản xuất nước ép trái cây;
CGCN sản xuất rau màu, cây ăn trái theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng từ việc tận dụng những phụ, phế phẩm trong nông nghiệp và công nghiệp chế biến.
Năm 2018, Trung tâm CGCN&DV sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống cửa hàng và phân phối sản phẩm đặc sản ĐBSCL.
Trong đó Trung tâm CGCN&DV đang đàm phán với các đối tác tại TP Hồ Chí Minh, như Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (gồm 4 trung tâm mua sắm và hơn 150 cửa hàng bán lẻ) và 1 đối tác tại Bạc Liêu cùng với kế hoạch mở rộng thị trường của DNVVN tại 2 tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau.
GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Trong bối cảnh hội nhập kinh tế mở cửa thị trường, sản phẩm hàng đặc sản địa phương cần gia tăng hàm lượng công nghệ.
Với điều kiện thuận lợi từ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, Trường ĐH Cần Thơ hỗ trợ công nghệ chế biến tạo sản phẩm có chất lượng, đạt tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, trên tinh thần ươm tạo DN, kết nối khởi nghiệp, nối kết giữa các nhà sản xuất nhỏ lẻ, mở kênh phân phối thị trường qua hệ thống cửa hàng, siêu thị… nhằm đưa sản phẩm đặc sản ở ĐBSCL đến tay người tiêu dùng.
Hiện nay trong vùng ĐBSCL, nông dân chiếm trên 60% trong tổng số 20 triệu dân còn lưu truyền, gìn giữ và sáng tạo rất nhiều sản phẩm đặc sản độc đáo của vùng. Vì vậy cần có sự hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn, giúp tăng thu nhập cho nhà nông...
Bên cạnh đó, ĐH Cần Thơ phấn đấu đến năm 2022 thành lập Trung tâm kiểm định chất lượng sản phẩm khu vực ĐBSCL, nhằm khẳng định chất lượng sản phẩm vùng ĐBSCL, đưa ra thị trường lớn”.
Theo Báo Cần Thơ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin