ĐBSCL là vựa lúa, trái cây, thủy sản của cả nước. Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Chính vì vậy, biến đổi khí hậu (BĐKH) tác động rất lớn đến ĐBSCL nói chung và nông dân khu vực này nói riêng.
ĐBSCL là vựa lúa, trái cây, thủy sản của cả nước. Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Chính vì vậy, biến đổi khí hậu (BĐKH) tác động rất lớn đến ĐBSCL nói chung và nông dân khu vực này nói riêng.
Hỗ trợ nông dân chủ động điều chỉnh để giảm thiểu tác động tiêu cực của BĐKH gây ra; đồng thời tận dụng được những cơ hội mới nảy sinh là vấn đề cần thiết, cấp bách.
Mới đây, Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật (LHCHKH&KT) TP Cần Thơ đã tổ chức tập huấn “Nâng cao năng lực chuyển đổi nền nông nghiệp để thích ứng BĐKH cho nông dân TP Cần Thơ”.
Nhiều nông dân thành phố đã chủ động phát triển các mô hình sản xuất thích ứng với BĐKH. Trong ảnh: Anh Nguyễn Văn Phong, quận Bình Thủy ứng dụng thành công mô hình trồng rau thủy canh trong nhà kính. Ảnh: THANH THƯ |
Ông Trương Viết Hùng, Phó Chủ tịch LHCHKH&KT thành phố cho rằng, với những diễn biến trong thời gian qua, BĐKH không còn là nguy cơ mà là hiểm họa trước mắt.
Trong đó, sản xuất nông nghiệp và đời sống nông dân chịu ảnh hưởng trước tiên. Do đó, cần có những động thái để thích ứng với BĐKH; đặc biệt là trang bị cho nông dân những kiến thức căn bản, cần thiết.
Tập huấn “Nâng cao năng lực chuyển đổi nền nông nghiệp để thích ứng BĐKH cho nông dân TP Cần Thơ” cung cấp cho cán bộ Hội Nông dân (HND), cán bộ khuyến nông cơ sở, nông dân tiêu biểu, những kiến thức cơ bản, có hệ thống về khí thải nhà kính, hiệu ứng nhà kính, BĐKH và những tác động của nó.
Dự tập huấn, cán bộ HND, khuyến nông cơ sở, nông dân tiêu biểu còn được giới thiệu các dự án, mô hình sản xuất thích ứng với BĐKH.
Cụ thể: mô hình cánh đồng mẫu lớn; dự án sản xuất thanh long bền vững, an toàn dịch bệnh; dự án áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa; mô hình giảm lượng hạt gieo sạ trong sản xuất lúa…
Các mô hình chuyển đổi từ vùng 3 vụ lúa đông xuân- hè thu- thu đông sang cơ cấu lúa đông xuân sớm- màu xuân hè- lúa thu đông cho vùng phù sa ngọt; hoặc lúa đông xuân- màu hè thu- lúa thu đông cho vùng ngập lũ;…
Một số loại cây trồng có khả năng chống chịu mặn, các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao…cũng là những yếu tố thích ứng BĐKH.
Theo ông Lê Thành Phấn, Phó Chủ tịch HND xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, nhằm thích ứng với BĐKH, HND xã vận động hội viên, nông dân bón phân, phun thuốc đúng liều lượng, đúng thời điểm, tiết kiệm giống, nước tưới…
Đồng thời, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất, hướng đến sản xuất theo hình thức hợp tác nhằm tăng giá trị sản xuất, như: thành lập các tổ hợp tác trồng vú sữa, trồng chanh không hạt,…
Ông Lê Văn Đủ, Phó Chủ tịch HND phường Ba Láng, quận Cái Răng, chia sẻ: “Qua tuyên tuyền, nông dân đã hiểu được những tác hại của ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính, BĐKH”.
Theo ông Đủ, nhiều nông dân đã biết sử dụng màng phủ trong trồng màu, giảm lượng nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...
Một số nông dân có điều kiện đầu tư nhà lưới, hệ thống phun tưới tự động… “Sau lớp tập huấn này, HND phường sẽ tiếp tục lồng ghép tuyên truyền giúp nông dân trong phường chủ động chuyển đổi để thích ứng với BĐKH”- ông Lê Văn Đủ nói.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Đức Thanh Bình, Trưởng Phòng Kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông thành phố, Cần Thơ đã triển khai nhiều mô hình sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng từng bước thích ứng với BĐKH.
Cụ thể, năm 2017, Trung tâm hỗ trợ giống rau, màu, cây ăn trái… cho nông dân trị giá hơn 3,5 tỉ đồng; các địa phương đã vận động nông dân cải tạo vườn cây ăn trái, chuyển đổi trên 895ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang vườn cây ăn trái, có khoảng 35ha vườn cây ăn trái áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước;…
Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị đang được hình thành và mở rộng; nhiều mô hình sản xuất thủy canh, nhà lưới đang được hình thành ở Bình Thủy, Cái Răng, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh…
Chủ động ứng phó, thích ứng với BĐKH, nhiệm kỳ 2013-2018, cán bộ hội và hội viên nông dân thành phố đã xây dựng 267 mô hình sản xuất bảo vệ môi trường.
Các cấp HND thành phố tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn hội viên phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan xanh, sạch, đẹp…
Qua đó, hội viên, nông dân thành phố có hành động tích cực, gương mẫu bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do BĐKH gây ra.
Theo THỤY KHUÊ (Báo Cần Thơ)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin