Có lần, được xem diễn cảnh lễ hội cưới của người Chăm An Giang ở Làng Văn hóa các dân tộc (Ba Vì, Hà Nội), tôi mê liền. Đôi mắt cô gái Chăm to đen huyền bí trong chiếc khăn Matơra màu đỏ ám ảnh hồn tôi. Dải khăn lụa bay cuồn cuộn trước mắt ngỡ như sóng nước Hậu Giang.
Có lần, được xem diễn cảnh lễ hội cưới của người Chăm An Giang ở Làng Văn hóa các dân tộc (Ba Vì, Hà Nội), tôi mê liền. Đôi mắt cô gái Chăm to đen huyền bí trong chiếc khăn Matơra màu đỏ ám ảnh hồn tôi. Dải khăn lụa bay cuồn cuộn trước mắt ngỡ như sóng nước Hậu Giang.
Giờ đây tôi đã về miền sông nước ấy, với câu hò:"Ai về Châu Đốc, An Giang. Theo thuyền vượt sóng tới làng người Chăm...".
Đi mua hàng "nghĩa địa"
Vừa đặt chân đến Châu Đốc, anh Út, bạn tôi rủ ngay lên chợ biên giới Tịnh Biên để mò hàng "nghĩa địa". Bởi đúng phiên, người ta đổ hàng "nghĩa địa" về nhiều lắm tha hồ chọn. Tôi ngơ ngác chưa hiểu anh nói gì. Hàng "nghĩa địa" là sao? Nghe kỳ!.
Thấy tôi trợn tròn mắt, anh Út cười lớn rồi giải thích là "Hàng thùng" đó, rặt đồ cũ nhưng nhiều cái độc lắm.
Thì ra ở cái xứ mắm ngon nhất miền Tây Nam Bộ này gọi đồ hàng thùng là đồ "nghĩa địa". Nghe tưởng hàng nhặt được của người chết bỏ trên bãi tha ma. Hãi!
Tôi phì cười gật đầu rồi nhảy lên xe theo anh. Chợ biên giới cách thành phố Châu Đốc chừng 25 cây số, có nhiều đoạn đi theo con kênh Vĩnh Tế, một con kênh đào lớn nhất dọc biên giới giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.
Gọi là kênh, thực ra nó rộng tới 30 mét, chạy dài 90 cây số tới tận Hà Tiên (Kiên Giang). Dân sinh sống hai bên bờ khá nhộn nhịp. Thuyền tàu chở hàng qua lại suốt ngày đêm.
Theo anh Út kể, cứ tối đến là trai gái hai bên đều đờn ca tài tử say mê lắm. Không hiểu tiếng nhau, nhưng cái hồn của giai điệu và âm thanh như tâm sự, gọi mời trong đêm trăng. Những ánh mắt quyến luyến hẹn hò bịn rịn…
Chúng tôi đang mải nói chuyện thì phố chợ hiện ra trước mắt.
Cô gái Chăm dệt vải. |
Tôi không ngờ Trung tâm Thương mại tại cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (An Giang) lại lớn đến như thế. Nó sát ngay với trục đường 91 của Việt Nam, nối liền với quốc lộ 2 của nước bạn. Đi chừng 300 mét là tới cửa khẩu Phnom Den, thuộc tỉnh Takeo, Campuchia.
Khu trung tâm dường như để dành cho những doanh nghiệp lớn. Họ buôn cả lố đưa về các tỉnh miền đông là chính, nên xe tải vào nhiều và đứng đầy phía ngoài, chờ xếp hàng.
Tôi và Út đi ngược lại vào chợ biên giới Tịnh Biên, một khu kinh doanh khá lớn, không kém phần sầm uất và là chốn hội tụ của dân sinh hai bên ngay giữa thị trấn. Đông vui và tấp nập.
Tôi đang mải mê ngắm hàng thì chợt nghe thấy tiếng cười rúc rích của các cô gái cách đó chừng mươi mét. Họ xuýt xoa và kêu lên hai tiếng: Ghê chết! Ghê chết! Sau đó các cô gái lại cười rộ lên.
Tò mò, tôi kéo anh Út đến chỗ các cô gái, xem vì sao họ lại kêu lên như thế. Anh Út giải thích đó chỉ là chuyện các cô gái ăn con bọ cạp và nhện rang của người Campuchia mang sang bán đó thôi.
Nghe nói thế tôi càng tò mò, vội sán đến xem thử. Thì ra các cô gái đang xúm quanh một mẹt hàng đầy nhện rang và những con mối chúa vàng ửng lên qua chảo mỡ.
Đây có thể là một món hàng kỳ dị và thơm nhất chợ. Anh Út nói, có khi họ ăn cả rắn chiên nữa. Khiếp! Thảo nào các cô gái cứ kêu inh ỏi.
Vậy mà đâu có chuyện bỏ của chạy lấy người. Cô nào cô nấy cứ chóp chép, nhai rau ráu những con côn trùng chiên chấm tương ớt, cay cháy mũi ấy. Chắc cũng phải ngon. Tôi ứa nước miếng, cho dù nghĩ tới cũng thấy ghê.
Lần mò mãi tôi cũng chọn được món hàng mình thích. Đó là một chiếc ấm trà "nghĩa địa". Nó bằng đất sét trắng và được phủ một lớp men bóng màu đen và có khảm vỏ trứng như sơn mài vậy. Ông chủ hàng nói đây là hàng sứ Nhật cũ được chuyển từ Thủ đô Phnom Pênh sang. Đó là hàng gốm sứ được buôn cân từ bên Nhật mang về.
Thế là tôi chọn liền vài ba thứ, nào ấm, nào bình và mấy chiếc chén rồi đặt lên bàn cân. Phải nói tôi chưa bao giờ thấy có hàng bán gốm sứ lại theo cân như thế này.
Tính thử, trung bình chừng 30 ngàn đồng một thứ, cũng rẻ. Tôi hí hửng với túi đồ gốm sứ "nghĩa địa". Khi hai chúng tôi tới cầu Hữu Nghị để định sang Campuchia thì trời bỗng đổ mưa.
Con đường mù mịt trong cơn mưa rừng nghiêng nghiêng gió tạt. Tôi không ngờ lại có màn mưa đẹp đến vậy…
Vào làng Chăm
Khi vượt qua sông Hậu, bằng con phà lớn để sang làng người Chăm ở Châu Giang, tôi đã nghe thấy tiếng trống Pana bập bùng. Chừng nghe có cả tiếng hát cao vút.
Sông nước Hậu Giang mênh mông vào ngày nước lên. Quả nhiên tiếng hát của một chàng trai đang cất lên nghe xôn xao tâm hồn.
Tôi cố nghe cho rõ lời ca vọng từ phía bên kia bờ, và thật bất ngờ khi thấy anh Út cùng hát hòa theo.
Thì ra anh chính là người sống bên kia sông, cùng với người Chăm, và hằng ngày đi sang thành phố làm việc. Giọng anh hơi rè nhưng rất truyền cảm qua lời ca: "Kìa xa thấp thoáng ai trên đường.
Lại đây bóng áo xanh đeo cườm lấp lánh. Đến nơi đây. Hình như dáng em yêu đi nhịp nhàng, nhịp nhàng…".
Những hình ảnh cô gái Chăm thướt tha hiện lên trước mắt tôi như ngày nào. Tôi hồi hộp đi theo anh Út vào một ngôi nhà cổ nhất của xóm Chăm.
Đôi mắt Chăm. |
Đó là một ngôi nhà cổ hiếm hoi còn sót lại, khoảng 150 năm, chủ nhân là bà Ma-ri-yêm. Bà rất nhiệt tình dẫn tôi đi xem ngôi nhà của ông cha để lại rồi nói, hiện ngôi nhà có tới 5 thế hệ sinh sống.
Cha bà có thời là Giáo cả thánh đường Mubarak, ông Mad-toy-dib, đã từng đóng góp nhiều cho cộng đồng người Chăm ở địa bàn này.
Vừa hay, lúc đó con trai bà Ma-ri-yêm là A-ri-phin ở dưới nhà đi lên với nụ cười nhỏ nhẹ trong bộ váy hoa màu đỏ. Anh đội chiếc mũ đen, đúng kiểu một thiếu niên Chăm. Vì người đàn ông đã trưởng thành ra đường đội mũ trắng.
Cùng lúc đó con gái của người em bà Ma-ri-yêm là cô Ma-ri-ah-dah cũng xúng xính trong chiếc khăn màu hồng. Tôi vội chụp mấy kiểu ảnh.
Dường như mấy người trong gia đình bán lụa và thổ cẩm này cũng thích trình bày mặt hàng của mình. Họ còn bày la liệt các loại vải ra khoe, rằng rất đẹp, rất bền và đòi tôi chụp ảnh để đưa lên Facebook.
Ngồi trò chuyện được một lúc, với chủ nhà anh Út cho tôi biết, đã gần đến giờ lễ chiều, theo tục của người Chăm đạo Hồi ở đây. Họ làm lễ 5 lần trong một ngày.
Mỗi lần chỉ mười phút nhưng không bao giờ sai hẹn. Tín đồ nam phải lên Thánh đường nghe đọc kinh, còn nữ lễ tại gia.
Họ luôn luôn chăm chỉ và thể hiện sự thành kính của mình với Thánh Alah. Nhất là vào tháng nhịn đói (còn gọi là lễ Ramada) vào khoảng tháng 9 hằng năm. Họ nhịn ăn ban ngày và đến tối chỉ ăn một bữa cháo, hoặc cơm và bánh để "xả chay".
Lễ nhịn ăn kéo dài trong cả tháng. Đó là lễ quan trọng của người Chăm theo đạo Hồi. Họ quan niệm nhịn để chia sẻ dành dụm cho những người khốn khó.
Đó là tháng lễ, nhằm nhắc nhở ý thức thiện tâm của tín đồ, hướng tới việc thiện. Mỗi lần lên thánh đường trong ngày nhịn ăn, mọi người sẽ được nghe giáo cả đọc kinh Coran, nhằm giáo dục đạo đức cho tín đồ.
Hãy yêu thương con người và luôn luôn che chở cho đồng loại mỗi khi khốn khó.
Người Chăm theo đạo Hồi không được uống rượu bia và ăn thịt lợn. Tháng nhịn ăn được coi là tháng tiết kiệm, thức tỉnh lương tri và làm từ thiện…
Lễ tạ mẹ
Đây là chuyện rất lạ và cũng hết sức cảm động diễn ra trong lễ cưới của người Chăm, mà tôi chưa được thấy ở cuộc trình diễn tại Làng Văn hóa các dân tộc.
Đó là việc chú rể, trước khi về nhà gái (theo chế độ mẫu hệ), sẽ phải hát lời xin lỗi cha mẹ, qua bài ca "Tạ lỗi mẹ".
Anh Út nói đó là sự ăn năn về đạo hiếu với cha mẹ của chàng trai, khi làm lễ thành hôn phải sống ở nhà vợ, không được phụng dưỡng cha mẹ chu đáo.
Nói rồi anh Út khe khẽ hát cho tôi nghe: "A ru hỡi. Ơi mẹ ơi! Mẹ thương lấy mối tình con. Con xin lỗi mẹ tha thứ. Mẹ ơi. Thấu lòng con ngày biệt ly…".
Tôi và anh Út ngược đường, ra tới gần Thánh đường Murabak, nơi cứ thứ sáu hằng tuần là mọi người đến lễ.
Tiếng trống dồn dập theo một tiết tấu rất lạ, uyển chuyển như có tiếng người cười vui trong lễ hội. Đội nhạc đang tập luyện để chuẩn bị cho lễ hội Roya, một lễ tết của người Chăm.
Anh Út nói, đây chính là ngày lễ xin lỗi và hòa giải những mâu thuẫn, hiểu lầm trong họ hàng, bà con làng xóm.
Lại thêm một lần tôi ngạc nhiên về văn hóa người Chăm. Tiếng trống Pana rộn ràng theo con sóng Hậu Giang cuồn cuộn trôi về Biển Đông…
Theo VƯƠNG TÂM (Công An Nhân Dân)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin