Sởn gai ốc theo chân những cao thủ săn cá mập

01:05, 25/05/2018

Từng có bạn ghe của tôi bị con cá mập đang nằm ngáp ngáp trên ghe táp đứt lìa cánh tay. Anh ta còn trẻ, chưa có kinh nghiệm, thấy nó nằm im, nghĩ nó đã chết. Ai dè vừa đụng đầu nó, nó quay lại, táp một nhát, đứt luôn cánh tay. May là sau đó, cánh tay

Từng có bạn ghe của tôi bị con cá mập đang nằm ngáp ngáp trên ghe táp đứt lìa cánh tay. Anh ta còn trẻ, chưa có kinh nghiệm, thấy nó nằm im, nghĩ nó đã chết. Ai dè vừa đụng đầu nó, nó quay lại, táp một nhát, đứt luôn cánh tay. May là sau đó, cánh tay

Đi biển vốn đã là nghề phải đối mặt với những hiểm nguy khó lường, với những người chuyên làm nghề săn cá mập, rủi ro, nguy hiểm cao gấp vạn lần.

Họ phải đi ra vùng biển rất xa, phải đối mặt với nhiều rủi ro, nguy hiểm hơn. Không phải ai cũng có lá gan… cá mập, lỳ lợm, để đối mặt với loài “quái thú” của đại dương này.

Tôi vốn thích trải nghiệm những chuyến đi mạo hiểm và chưa biết trước hồi kết. Săn cá mập là một những điều tôi mong muốn được một lần trải nghiệm.

Cho nên, ngay khi đặt chân lên Phú Quốc, Kiên Giang, anh bạn đi cùng đã hỏi thăm đường đến nhà anh Lư Minh Duyên, một tay thợ săn mập dù chưa phải “lão làng”, nhưng được coi là tay “sát cá” ở làng chài Hàm Ninh, “năn nỉ” anh cho theo một chuyến ra khơi.  

Biển đen mênh mông

Anh Hai Duyên vốn là một cư dân ở lang chài Khánh Hội, U Minh, Cà Mau, anh lưu lạc ra đây khi cơn bão Linda năm 1997 càn quét quê anh trở thành một đống hoang tàn.

“Sát thủ” cá mập Sáu Kén ở Phú Quốc
“Sát thủ” cá mập Sáu Kén ở Phú Quốc

“Lúc đó, tôi mới 19 tuổi, phần vì buồn, phần vì hoang mang, biển lấy đi của gia đình tôi nhiều quá. Nên tôi theo anh em bạn ra đây chơi cho khuây khoả.

Lúc ở quê, tôi cũng từng theo cha đi săn mập, ai dè, ra đây gặp ba của anh bạn, cũng là một thợ săn cá mập chuyên nghiệp.

Tôi nói chuyện với chú, chú hỏi theo chú một chuyến cho “dzui” không? Tôi gật đầu. Tôi theo chuyến đó, rồi theo luôn. Giờ chú mất rồi, tôi vẫn đi bạn với con chú là anh Sáu Kén. Nhưng cũng lâu rồi, tụi tui không đi săn lớn (săn cá mập - PV) nữa”, anh Duyên tâm sự.

Khi tôi ngỏ lời rất muốn có một lần trải nghiệm săn cá mập, anh Duyên bảo: “Bây giờ, phong trào săn cá mập không còn rầm rộ như xưa, bởi loài sát thủ đại dương này không còn nhiều, muốn săn chúng, phải đầu tư tàu ghe lớn để đi xa, dài ngày. Mà chưa chắc hiệu quả, trong khi hiểm nguy luôn rình rập.

Cho nên, giờ không còn nhiều người mặn mà với nghề săn cọp biển nữa”. Tuy nhiên, sau một hồi lâu suy nghĩ, gọi vài cuộc điện thoại, cuối cùng, anh bảo: “Sẽ thiết kế một chuyến câu lớn”.

Sau cuộc gặp ấy, 2 ngày sau anh mới gọi cho tôi, nói chuẩn bị tối mai đi câu lớn, và không quên dặn: “Đi rất xa, ra biển chưa biết sóng gió thế nào, tốt nhất anh không mang máy móc theo nhiều, cần hình ảnh tôi sẽ hỗ trợ”.

Hôm sau, khi mặt trời vừa chìm xuống biển, chúng tôi ra tàu câu mập của anh Duyên, cũng là lúc chiếc tàu chuẩn bị ra khơi. Thấy tôi có vẻ căng thẳng, anh cười trấn an:

“Anh yên tâm, tàu này tới 500CV lận, chịu được bão cấp 8 luôn. Mấy con mập cỡ trăm ký trở lên không nhằm nhò gì đâu”.

Nói về những bí kíp trong nghề săn “cọp biển”, anh Duyên cho biết: “Tôi theo cha lênh đênh trên biển câu mập từ khi còn thiếu niên lận. Ngày ấy mập nhiều, có hôm nhìn xuống nước, thấy chúng bơi như những chiếc ngư lôi lừng lững dưới biển.

Thỉnh thoảng vây chúng trồi lên mặt nước như lưỡi dao. Nhìn thấy cảnh tượng đó, tôi run sợ đến nỗi phải chạy vào trong khoang nấp”.

Anh Duyên bảo, ở vùng biển này, cá mập có nhiều loại như nhám tai, nhám cát, nhám mập. Nhám tai là loại hai bên tai bành ra như cái búa. Nhám mập là loại nguy hiểm nhất.

Bởi chúng dữ tợn, hăng máu và hay nhảy lên khỏi mặt nước khi đớp mồi. Nếu ai bất cẩn, khi đối mặt với nhám mập rất có thể bị nó nhảy lên vồ rồi kéo xuống biển.

Khi đã xuống nước - lãnh địa của "cọp", thợ săn chỉ có một phần sống còn chín phần còn lại là sẽ bỏ mạng ở trùng khơi.

“Mỗi thuyền có một đường câu làm bằng cước to bằng ngón tay út người lớn, độ dài khoảng 2 - 3 cây số. Cứ 15m, chúng tôi lại buộc một lưỡi câu làm bằng sắt hoặc i-nox, thân to bằng que diêm, cao 5cm, rộng 2cm. Gần lưỡi câu buộc một chiếc phao nhỏ.

Khi thả câu, phao chìm xuống dưới mặt nước khoảng 2,5m, khi tàu thuyền đi qua sẽ không bị vướng. Mồi được cắt nhỏ khoảng 2cm.

Nếu để mồi to sẽ rất tốn kém, còn quá nhỏ mập sẽ không nhìn thấy. Khi thả câu, thợ săn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu với thủy quái bất cứ lúc nào”, anh Duyên cho hay.  

Cuộc chiến một mất một còn

Khoảng 5 tiếng lênh đênh trên biển, tôi nhìn bốn phía, không có bất cứ thứ gì để xác định mình đang ở đâu. Ngay lúc đó, anh Duyên bỗng nhiên đứng dậy, vểnh tai nghe rồi giơ tay ra hiệu cho lái tàu dừng lại.

Ngay sau đó, anh Duyên chạy vào khoang, bê thùng máu nhệch (thuộc họ lươn, máu có mùi rất tanh, dễ thu hút cá mập) đổ xuống biển để gửi thông điệp khiêu chiến với những con “cọp biển”, đèn pha trên tàu tắt lịm, những người khác chạy vào khoang bắt mồi cắt ra để tra vào lưỡi câu.

 

Con mập mà ghe anh Kén săn được
Con mập mà ghe anh Kén săn được

Sau khi số lưỡi câu thả được chừng 30 phút, các ngư dân vừa thả được một nửa số lưỡi câu thì trục quay rung lắc dữ dội.

Anh Duyên vội vàng chạy ra nhìn. Chốc lát, anh bảo: “Con này không lớn, 4 - 5 người là đủ”. Rồi anh ra lệnh bốn ngư dân cùng chiếc máy tời hợp sức kéo.

Một lúc sau, vùng nước gần thân tàu bắt đầu nổi sóng, lưng con cá mập bắt đầu hiện ra, lừng lững. Lúc này, 2 thanh niên đứng trên tàu, tay cầm cây giáo nhọn, lao xuống lưng cá, màu bắt đầu loang lổ trên tấm lưng trắng của con cá, nước văng tung tóe, chiếc ghe lắc lư.

“Thả dây!”, anh Duyên ra lệnh. Sợi dây chùng xuống. “Thu dây!”, nghe tiếng hô, mọi người lại tiếp tục kéo.

Cứ như thế, cá mập bị vùi xuống sâu, rồi lại trồi lên khỏi mặt nước làm khuấy động cả một vùng biển. Cả đoàn người phải chao mình lượn sóng theo những đợt quẫy của loài cá dữ.

Sau khoảng hơn 1 tiếng, con cá mập to gấp đôi người lớn đã bị khuất phục, nằm sõng soài trên khoang. “Loài này to xác thế nhưng khi bị thương mất máu thì rất yếu.

Người nhận nhiệm vụ đâm cá phải bình tĩnh, phải biết “huyệt” mới hạ nó được. Cho nên, đi săn loài này, ngoài tính gan lỳ, còn phải có kinh nghiệm.

Như khi dính câu, cá mập trắng hay cá mập gù gì cũng quậy rất dữ. Người đi biển lâu năm mới nắm được đặc tính dính câu của từng loại.

Cá mập gù khi dính câu thường chui dưới mạn tàu, còn mập trắng thì quậy tưng và xoắn dây kéo rất mạnh, nếu không cẩn thận là bị nó kéo nhào xuống biển liền”, anh Duyên nói trong tiếng thở hổn hển.

Ngừng giây lát, anh nói tiếp: "Nhiều con mập dữ tợn hơn bình thường, cách xa tàu chừng 15 thước, chúng ngửi thấy mùi người là lồng lộn lên.

Chưa kể tình huống con mập bị tuột triêng, anh em dù đông đến cỡ nào cũng khó có thể thắng nổi sức mạnh của chúng. Những chiếc lưỡi câu cũng giãn ra mà lao theo vun vút xuống mặt biển. Khi đó, chỉ biết nhìn theo bóng chúng mà thôi”.

“Lần đầu tiên nhìn thấy hàm răng trắng ởn, dựng đứng, cái nào cái nấy nhọn hoắt như dao của con cá mập nặng mấy tạ, tôi run bắn, sởn cả gai ốc, không dám nhìn.

Nó quẫy mà muốn lật ghe luôn. Miệng nó ngoác to, rồi táp mạnh đến mức thấy gió tạt ra. Sau gần chục lần đi săn như vậy, tôi mới dám lại gần.

Từng có bạn ghe của tôi bị con cá mập đang nằm ngáp ngáp trên ghe táp đứt lìa cánh tay. Anh ta còn trẻ, chưa có kinh nghiệm, thấy nó nằm im, nghĩ nó đã chết.

Ai dè vừa đụng đầu nó, nó quay lại, táp một nhát, đứt luôn cánh tay. May là sau đó, cánh tay nối lại được. Nhưng, anh chàng “cạch” luôn những chuyến săn cọp biển”, sát thủ cá mập Lư Minh Duyên.

Theo NNVN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh