Nhiều năm nay, điệp khúc nông sản "được mùa, mất giá" cứ liên tục lặp đi, lặp lại. Thế nên, việc bà con nông dân (ND) sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, tiêu chuẩn của doanh nghiệp cùng hợp đồng liên kết tiêu thụ là cách làm hiệu quả nhất giúp nâng cao giá trị nông sản.
Nhiều năm nay, điệp khúc nông sản “được mùa, mất giá” cứ liên tục lặp đi, lặp lại. Thế nên, việc bà con nông dân (ND) sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, tiêu chuẩn của doanh nghiệp cùng hợp đồng liên kết tiêu thụ là cách làm hiệu quả nhất giúp nâng cao giá trị nông sản.
Đây là cách làm ăn mà ND xã An Thạnh Trung (Chợ Mới) và Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong (Công ty Thuận Phong, Bến Tre) đang thực hiện, với mô hình xây dựng vùng nguyên liệu xoài cát chu sạch, đủ tiêu chuẩn cung ứng xuất khẩu.
Khi tham gia mô hình, để được bao tiêu đầu ra lâu dài, giá cả ổn định, ND cần tuân thủ quy trình sản xuất sạch: sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, đảm bảo thời gian cách ly an toàn khi nông sản thu hoạch...
Theo anh Trần Hồng Thanh, Chủ tịch Hội ND xã An Thạnh Trung (Chợ Mới), đây là chương trình phối hợp thực hiện giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang với Công ty Thuận Phong.
Trước khi bắt tay vào thực hiện mô hình, nhiều lớp dạy nghề về kỹ thuật, thiết kế vườn đã được mở ra cho ND ở địa phương tham gia, đặc biệt khuyến cáo bà con tuân thủ đúng quy trình canh tác.
“Ngoài ra, ND còn được đến Bến Tre, trực tiếp tham quan công ty, nhà xưởng cùng quy trình chế biến, đóng gói các sản phẩm từ xoài cũng như nhiều loại nông sản khác...
Đây là cơ hội giúp ND thêm tin tưởng, phấn khởi khi nông sản do mình làm ra được đưa ra thị trường thế giới”- anh Thanh thông tin.
Không chỉ được bao tiêu nông sản lâu dài, nông dân còn được tiếp cận quy trình canh tác sạch, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu |
Với thời gian thực hiện hợp tác 20 năm, An Thạnh Trung sẽ hình thành vùng nguyên liệu chuyên canh xoài cát chu với diện tích 175 ha, gồm 4 ấp: An Tịnh, An Quới, An Thi, An Bình (thuộc tiểu vùng An Thạnh Trung 3).
Giai đoạn 1, năm 2018 sẽ tiến hành chuyển đổi 50 ha. Hiện nay, đã có 12 hộ tham gia mô hình, với diện tích 7 ha, chủ yếu là chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng xoài.
Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Chợ Mới (HTX Chợ Mới) sẽ đóng vai trò tập hợp và đại diện ND tham gia ký kết hợp đồng với Công ty Thuận Phong.
Theo ông Trần Văn Bạn, Giám đốc HTX Chợ Mới, HTX sẽ làm việc trực tiếp với công ty về diện tích ND tham gia sản xuất, sản lượng, thu mua, điểm tập kết cũng như hỗ trợ kỹ thuật cho bà con trong suốt quá trình canh tác.
“Ngoài hợp đồng bao tiêu dài hạn trong 20 năm, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ cây giống (sau khi thu hoạch xoài, công ty mới thu hồi dần vốn đầu tư cây giống ban đầu, với tỷ lệ 25%/năm trong 4 năm);
trong thời gian canh tác, ND sẽ dần quen với quy trình canh tác an toàn, phù hợp với yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước”- ông Bạn giải thích.
Cây xoài với đặc thù cho thu hoạch lâu dài nhưng từ thời điểm trồng đến khi cho trái thường mất thời gian khá lâu, ít nhất là 2 năm.
Chính vì thế, nhằm lấy ngắn nuôi dài, trong thời gian chờ xoài cho trái, ND còn trồng xen nhiều loại rau màu.
Chẳng hạn, dưới mương trồng rau dừa, bông súng,... trên bờ trồng xen cóc, chanh, bí hồ lô, ớt, đậu... kèm theo đó là thiết kế hệ thống tưới phun tự động, giúp tiết kiệm nước và nhân công lao động.
Với diện tích 0,6 ha đất lúa kém hiệu quả, anh Nguyễn Văn Ninh (ấp An Quới, xã An Thạnh Trung) đã mạnh dạn tham gia mô hình liên kết cùng Công ty Thuận Phong, chuyển đổi sang trồng xoài cát chu.
Sau gần 1 tháng trồng, xoài đang thích ứng và phát triển tốt. Ngoài kiến thức được học từ các lớp dạy nghề, anh Ninh còn tranh thủ học hỏi thêm kinh nghiệm làm vườn của bà con làm vườn trong và ngoài địa phương.
“Có thể vốn đầu tư ban đầu cao, nhưng khi suy xét kỹ thì tham gia mô hình ND sẽ được nhiều lợi ích, nhất là khâu bao tiêu nông sản lâu dài, giá ổn định.
Trong thời gian chờ xoài cho trái, tôi sẽ tận dụng diện tích đất trống trồng thêm các loại rau, bí rợ để lấy ngắn nuôi dài, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa giữ được độ ẩm cho đất, cho xoài”- anh Ninh phân tích.
“Hiện nay, đa số ND ở tiểu vùng An Thạnh Trung 3 đều mong muốn được tham gia mô hình, tuy nhiên, để thuận lợi cho canh tác lâu dài, bà con rất cần được địa phương hỗ trợ về hệ thống giao thông nội đồng, điện, nước tưới. Đặc biệt là các chính sách ưu đãi về vốn vay vì chi phí ban đầu khi lên vườn trồng xoài khá cao (40 triệu đồng/ha), hệ thống nước tưới (20 triệu đồng/ha)... Nếu được hỗ trợ, tôi tin rằng, ND sẽ không chần chừ mà nhanh chóng chuyển đổi sang trồng xoài theo đúng quy hoạch của địa phương”- ông Bạn nhấn mạnh. |
Theo TTMT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin