ĐBSCL: Bao giờ "điểm danh" được sạt lở trên bản đồ?

05:05, 28/05/2018

Mới đầu mùa mưa, tình trạng sạt lở đã lan rộng ở nhiều địa phương ĐBSCL. Chỉ trong 2 tuần qua, khoảng 10 vụ sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ.

Mới đầu mùa mưa, tình trạng sạt lở đã lan rộng ở nhiều địa phương ĐBSCL. Chỉ trong 2 tuần qua, khoảng 10 vụ sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ.

Một vụ sạt lở cuốn phăng nhiều nhà dân ở Cần Thơ
Một vụ sạt lở cuốn phăng nhiều nhà dân ở Cần Thơ

Hàng trăm hộ dân được cảnh báo phải khẩn cấp di dời. Nhiều hộ vẫn phải “đánh liều” ngủ lại ở những ngồi nhà mà sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào vì chưa có nơi để đến. Câu chuyện sạt lở ở ĐBSCL giờ không chỉ là “sạt lở đến đâu chạy đến đó”!

Lở đâu chạy đó!

“Sạt lở ở ĐBSCL không còn theo qui luật: dòng sông bên lở bên bồi!? Đây là điều chúng ta cần cảnh báo đến người dân để không chủ quan” – Tiến sĩ  Dương Văn Ni (Trường ĐH Cần Thơ) cảnh báo.

Đầu tháng 5-2018, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc, lãnh đạo 13 tỉnh thành ĐBSCL đã nghe báo cáo những diễn biến phức tạp của sạt lở đe dọa đến hàng trăm ngàn người dân ĐBSCL sống ven sông, ven biển. Bộ NN-PTNT đã phác họa tổng thể:

Tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại ĐBSCL đã và đang diễn biến rất phức tạp và có xu hướng gia tăng cả về phạm vi và quy mô.

Hiện có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786km. Trong đó có 42 vị trí sạt lở nguy hiểm với tổng chiều dài 149km cần phải xử lý cấp bách để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Chỉ thống kê sơ bộ cần phải đầu tư khoảng 6.990 tỷ đồng để xây dựng các công trình kè, đê và di dời dân khỏi vùng sạt lở. Có thể nói nguồn vốn để đầu tư “chung sống với lũ”, với hạn – mặn và mới đây là “chung sống với sạt lở” ở vựa lúa, vựa thủy sản, trái cây của cả nước là rất lớn.

Không chỉ nhà cửa mà một số tuyến đường, cầu giao thông ở ĐBSCL cũng bị sạt lở nghiêm trọng
Không chỉ nhà cửa mà một số tuyến đường, cầu giao thông ở ĐBSCL cũng bị sạt lở nghiêm trọng

Sau hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 cho vùng ĐBSCL xử lý các khu vực sạt lở cấp bách ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, công trình hạ tầng thiết yếu.

Thủ tướng nhấn mạnh: Tất cả các bộ, đặc biệt là các địa phương trong vùng, triển khai đồng bộ, kịp thời hơn các giải pháp để thực hiện Nghị quyết số 120/NQ - CP của Chính phủ (Về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu) trên tinh thần bảo đảm an toàn tính mạng, giữ đất, giữ người, không để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, không để sạt lở gần hết rồi mới chạy đi tìm nguồn lực giải quyết…

Đặc biệt người dân và cả chính quyền trong vùng cần có cái nhìn thận trọng hơn khi xây dựng nhà, đường giao thông cặp theo kinh, mương, sông… 

Vì lâu nay, tình trạng sạt lở tràn lan nhưng người ta cứ đổ xô lấn đất ven sông cất nhà? Đây là do tâm lý chuộng ở hai mặt tiền “tiền lộ, hậu giang”!

Có người nói đây là thói quen cố hữu của người dân Nam bộ: ở đâu có sông, thì ven sông có nhà. Các chợ, khu đô thị sầm uất của miền Tây đều nằm ven sông: Cần Thơ, Long Xuyên, Vĩnh Long, thị xã Ngã Bảy, Vị Thanh (Hậu Giang)…

Đằng sau việc lựa chọn xây dựng “hai mặt tiền” này là sự trả giá rất đắt: Hàng trăm thậm chí hàng ngàn tỷ đồng (tài sản nhà cửa, sinh mạng con người) cuốn vào miệng “hà bá”.

Hậu quả nhãn tiền là thị xã tỉnh lỵ Sa Đéc (Đồng Tháp) trước đây phải dời về Cao Lãnh để tránh những hàm ếch ở lòng sông Sa Đéc, hàng ngàn ngôi nhà ven biển ven các con sông lớn biến mất trong 10 năm qua.

Người ta ví von: Giờ đây cư dân sinh sống cặp lộ, ven sông như sống chung với cảnh “tiền lộ, hậu lở” không phải quá đáng.

Khảo sát từ thượng nguồn sông Mekong

Vụ sạt lở ở Ô Môn – Cần Thơ tuần rồi (ngày 21-5), đã cuốn hoàn toàn 7 căn nhà xuống sông, 14 căn sụp đổ một phần, 20 căn phải di dời khẩn cấp...

Tổng thiệt hại ước tính khoảng 30 tỉ đồng. Cần Thơ cũng kiến nghị xem xét, hỗ trợ bố trí vốn để đầu tư xây dựng một số công trình kè chống sạt lở tại các điểm nguy hiểm trong giai đoạn 2018-2020.

Chỉ tính Dự án kè chống sạt lở sông Ô Môn (khu vực Thới Lợi, phường Thới An), dài 1,8 km, với kinh phí thực hiện khoảng 200 tỉ đồng; dự án kè chống sạt lở sông Ô Môn (từ cầu Ô Môn đến vàm Ba Rích), dài 1,9 km, với kinh phí thực hiện khoảng 250 tỉ đồng... Chỉ làm kè chưa đến 4 km đã cần đến 450 tỷ đồng!?

Chỉ điểm sơ bộ Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau đã có khoảng 8.000 hộ dân trong vùng sạt lở nguy hiểm cần di dời gấp. Có thể nói tình trạng sạt lở ở ĐBSCL giờ diễn ra cả hai mùa mưa nắng trong năm.

“Sạt lở không còn tuân theo một qui luật thiên nhiên. Nguyên nhân sạt lở ở ĐBSCL nổi lên là do mất cân bằng.

Trước tiên là thiều phù sa do các đập thủy điện trên dòng Mekong chắn lại, thiếu cát là do khai thác cát quá tải” - Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL chỉ ra.

Đê kè Gành Hào - Bạc Liêu bị sóng biển đánh sạt lở nghiêm trọng
Đê kè Gành Hào - Bạc Liêu bị sóng biển đánh sạt lở nghiêm trọng

Các chuyên gia nhận định: Giải pháp bờ kè chống sạt lở tốn nhiều chi phí nhưng không mang tính bền vững.

Cần thực hiện ngay các giải pháp đối phó khả thi, hạn chế được những tác động từ con người như: Ngăn chặn việc khai thác cát tràn lan làm thay đổi dòng chảy, hạn chế các tàu bè gây sóng lớn trên các sông rạch…

Câu hỏi đặt ra là bao giờ chính quyền cảnh báo tương đối đúng thời điểm khu vực sẽ ra sạt lở? Để trả lời câu hỏi này, các chuyên gia cho rằng: Chuyện cấp bách trước mắt, cần sớm có bản đồ cảnh báo về các khu vực sạt lở ở ĐBSCL.

“Cần nhanh chóng khảo sát xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ có sạt lở cao để có phương án thích nghi trước mắt và lâu dài. Nếu chúng ta chỉ tập trung khảo sát bờ sông tại ĐBSCL thì chỉ dừng lại mô tả hiện tại. Việc dự báo cho tương lai vô cùng khó khăn..

Chính vì vậy, cần thông qua kênh ngoại giao để khảo sát sông Mekong từ thượng nguồn đến ĐBSCL” – Tiến sĩ Dương Văn Ni (Trường ĐH Cần Thơ) đề xuất. 

Theo SGGPO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh