Về thăm "Căn cứ B3"

03:04, 30/04/2018

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tỉnh chọn Vạt Lài, xã Khánh Bình, An Phú (An Giang) xây dựng căn cứ kháng chiến với tên gọi "Căn cứ B3". Là dấu son cách mạng hào hùng trong kháng chiến, hôm nay Đảng bộ và Nhân dân Khánh Bình không ngừng xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tỉnh chọn Vạt Lài, xã Khánh Bình, An Phú (An Giang) xây dựng căn cứ kháng chiến với tên gọi “Căn cứ B3”. Là dấu son cách mạng hào hùng trong kháng chiến, hôm nay Đảng bộ và Nhân dân Khánh Bình không ngừng xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.

Căn cứ cách mạng

Vạt Lài - “Căn cứ B3” anh hùng, thuộc xã biên giới Khánh Bình, là cái nôi cách mạng của huyện An Phú nói riêng, An Giang nói chung, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cũng như trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Con sông Bình Di và tuyến biên giới nối liền Vương quốc Campuchia cùng búng Lớn, búng Nhỏ rộng hàng trăm ha và hàng ngàn hộ dân sinh sống, bám trụ là bức tường thành vững chắc để ngăn chặn giặc càn quét xâm chiếm khu căn cứ và bảo vệ an toàn các cơ quan, đơn vị đóng ở căn cứ.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, dựa vào địa thế quan trọng ở Vạt Lài, có nhiều cơ quan, đơn vị đóng quân, trong đó có 14 cơ quan, đơn vị cấp xã, huyện và 14 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh.

Đây là căn cứ chiến lược quan trọng của tỉnh, là cửa ngõ nối liền với "căn cứ B1" của tỉnh, huyện; là nơi trú đóng để cán bộ tỉnh, huyện, xã tiến công mở rộng ra nhiều nơi khác.

Chính vì thế, giặc từ nhiều phía dùng nhiều thủ đoạn, phương tiện, vũ khí tấn công nhằm tiêu diệt căn cứ cách mạng. Nhưng với quyết tâm bảo vệ căn cứ, quân và dân An Giang không lùi bước trước kẻ thù…

Đặc biệt cuối năm 1969, Tỉnh ủy dời căn cứ về Vạt Lài, và đầu năm 1970, Đoàn 61, 69 (Sư đoàn 1) cũng có mặt tại căn cứ biên giới để về miền Tây. Nhân dân Khánh Bình tích cực đóng góp lương thực để nuôi giấu cách mạng, cung cấp tin tức và hết lòng tham gia cuộc kháng chiến.

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc (1945-1975), nhất là đấu tranh chống Mỹ, người dân Khánh Bình mặc dù sống trong sự đàn áp của giặc nhưng luôn hướng về Đảng, chấp nhận hy sinh để bảo vệ "Căn cứ B3" - Vạt Lài.

Với nhiều thành tích trong chiến đấu, xây dựng, Đảng bộ và Nhân dân Khánh Bình vinh dự được phong tặng: 2 Huân chương giải phóng hạng Nhì, 2 Huy chương giải phóng hạng Nhất, 149 Huân - Huy chương kháng chiến…

Đặc biệt, được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân” với những thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Khánh Bình ngày mới

Ngày nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Khánh Bình chung sức đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng thay da, đổi thịt.

Đặc biệt, ấp Vạt Lài hôm nay là một trong những địa chủ du lịch của huyện An Phú, với những mái nhà cổ kính dưới những rặng cây xanh rợp bóng.

Là xã biên giới còn nhiều khó khăn, nên Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Khánh Bình không ngừng ra sức xây dựng và phát triển.

Xã vận động người dân cải tạo vườn tạp chuyển sang trồng rau màu và cây ăn trái. Tập trung chỉ đạo kịp thời trong sản xuất nông nghiệp như: đúng lịch thời vụ, chủ động quản lý tốt tình hình sâu bệnh gây hại trên cây trồng, từ đó đảm bảo năng suất và chất lượng nông sản.

Xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi như: nuôi rắn hổ hèo, nuôi cá lăng nha, nuôi cá chạch lấu thương phẩm… giúp nông dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

các lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển đồng bộ và nâng chất, các phong trào được thực hiện có chiều sâu; chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng.

Công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo và giải quyết việc làm thực hiện đạt hiệu quả.

Năm qua, toàn xã có 655 lao động được giải quyết việc làm góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. 97% hộ dân được sử dụng điện, trên 70% hộ sử dụng nước sạch…

An ninh trật tự trên địa bàn xã được đảm bảo, tình hình biên giới ổn định, giữ vững tốt mối quan hệ với chính quyền và Nhân dân nước bạn Campuchia.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Huỳnh Thanh Vũ cho biết: Địa phương tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững thông qua ổn định năng suất, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế và tăng sản lượng nông sản, gắn với thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả.

Cầu Long Bình - Chrey Thom đưa vào lưu thông đã mở ra cơ hội phát triển của địa phương. Theo đó, xã tập trung phát triển kinh tế biên giới, trong đó kết hợp định vị mở ra nhiều kho, bãi tập kết hàng hóa nông sản khu vực ấp Bình Di và ấp Vạt Lài.

Cùng với đó, tăng cường phối hợp giữa 3 lực lượng công an - xã đội - biên phòng; thường xuyên đẩy mạnh công tác tuần tra đường biên, cột mốc, tăng cường củng cố mối quan hệ hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia để Nhân dân ổn định làm ăn, sản xuất.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, quân và dân xã Khánh Bình đã đóng góp nhiều công lao, xương máu để giải phóng quê hương.

Có 77 liệt sĩ hy sinh trên các chiến trường, trong đó 51 dân quân hy sinh tại địa phương. Xã có 37 thương binh, 2 mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 200 gia đình có công với cách mạng… Khánh Bình vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”.

 Theo TTMT

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh