Trợ lực cho sản phẩm đặc trưng vùng ĐBSCL

03:04, 05/04/2018

Sau 3 năm hoạt động, Câu lạc bộ Sản phẩm đặc trưng ĐBSCL (MekongSP) đã hỗ trợ xây dựng, quảng bá cho nhiều sản phẩm của vùng ĐBSCL.

Sau 3 năm hoạt động, Câu lạc bộ Sản phẩm đặc trưng ĐBSCL (MekongSP) đã hỗ trợ xây dựng, quảng bá cho nhiều sản phẩm của vùng ĐBSCL.

Tuy nhiên, theo Ban Chủ nhiệm MekongSP, sự phát triển này vẫn chưa đạt kỳ vọng. Làm gì để sản phẩm của vùng ĐBSCL đi xa hơn, hiện diện trong các hệ thống mua sắm hiện đại... là những tâm tư mà Ban Chủ nhiệm cũng như các thành viên Câu lạc bộ trăn trở ...

Khách hàng tham quan các sản phẩm đặc trưng vùng ĐBSCL.
Khách hàng tham quan các sản phẩm đặc trưng vùng ĐBSCL.

MekongSP thành lập nhằm tập hợp các sản phẩm đặc trưng và liên kết các doanh nghiệp giao lưu, học hỏi, cập nhật kiến thức thông tin mới, chia sẻ kinh nghiệm, liên kết hoạt động kinh doanh để cùng phát triển, quảng bá hình ảnh và thương hiệu đặc sản vùng ĐBSCL.

Từ đó, tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Định hướng phát triển của MekongSP là liên kết doanh nghiệp, hoàn thiện và phát triển sản  phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, quảng bá và tạo chuỗi sản xuất và phân phối…

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc Phụ trách Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, Chủ nhiệm MekongSP, nhận định: Ba năm qua, thông qua các hoạt động và phương tiện truyền thông, nhiều mặt hàng đặc sản của vùng ĐBSCL đã tiếp cận được các kênh phân phối.

Các mặt hàng sản phẩm đặc trưng của vùng chất lượng ngày càng  cao, bao bì đẹp mắt nên hàng hóa ngày càng được người tiêu dùng chấp nhận, không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn xuất ra nước ngoài.

Nhưng, đó vẫn chỉ là con số nhỏ, nhiều sản phẩm đặc trưng của các doanh nghiệp trong Câu lạc bộ vẫn chưa tiếp cận được các kênh bán hàng lớn và xuất khẩu...

Theo Ban Chủ nhiệm MekongSP, thuận lợi của Câu lạc bộ là doanh nghiệp hội viên nhiệt tình, năng động và tích cực tham gia vào các hoạt động của Câu lạc bộ như tham gia triển lãm, đào tạo, hội thảo, hội chợ; được sự hỗ trợ tích cực từ các trung tâm xúc tiến, sở, ngành địa phương.

Tuy nhiên, thực tế là số doanh nghiệp tích cực tham gia không nhiều, chưa có sự liên kết giữa các thành viên Câu lạc bộ.

Đa phần doanh nghiệp của MekongSP là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực và quy mô sản xuất còn yếu, chưa đủ điều kiện để đáp ứng các đơn hàng lớn, ít tham gia quảng bá thương hiệu.

Chưa kể khi tham gia các hợp đồng cung ứng nhiều doanh nghiệp chỉ thích tham gia các hợp đồng ngắn hạn, tức chỉ muốn làm hàng ngay thời điểm đó mà ít quan tâm đến sự phát triển đường dài...

Để trợ lực cho các sản phẩm đặc trưng, bà Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Chủ Trạm dừng chân Thần Tài, tỉnh An Giang, cho biết: "Trạm dừng chân Thần Tài mỗi ngày tiếp đón lưu lượng xe dừng chân rất đông, vào ngày cuối tuần lượng xe có thể lên đến 500 lượt.

Bên cạnh sử dụng dịch vụ ăn uống, rất nhiều khách còn mua sản phẩm đặc sản về làm quà nên hàng hóa tại trạm tiêu thụ rất tốt.

Tôi nghĩ, trạm dừng chân sẽ là điểm tiêu thụ tốt cho các sản phẩm của MekongSP. Tuy nhiên, để thu hút khách hàng cần phải lưu ý, đó là do đặc thù của trạm dừng chân là thời gian dừng nghỉ từ 15-20 phút, khách hàng thường mua theo tâm lý đám đông, tức là sản phẩm nào ngon, được lựa chọn nhiều sẽ tiếp tục thu hút người mua.

Bên cạnh đó, đơn vị sản xuất cần đa dạng mẫu mã, kích cỡ đóng gói để phù hợp với mọi nhu cầu khách hàng. Giá sản phẩm cũng cần phải được tính toán sao cho đừng quá chênh lệch với mặt bằng chung của sản phẩm cùng loại trên thị trường...".

Bà Trần Ngọc Diệu, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh An Giang, cho biết:

Để các sản phẩm đặc trưng của vùng ĐBSCL vươn đến thị trường ngoại vùng thì sản phẩm cần phải đạt chất lượng, trong đó tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm cần được đặt lên hàng đầu.

Để phát triển thế mạnh, các địa phương cần tích cực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc sản của mình.

Tỉnh An Giang đang nỗ lực xây dựng cho thương hiệu cho sản phẩm nếp Phú Tân, từ đó phát triển các sản phẩm từ nếp (chẳng hạn các loại bánh).

Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Hợp tác xã thêu may Kim Chi, Ban Chủ nhiệm MekongSP, cho rằng: Các trung tâm khuyến công tại các địa phương cần hợp tác tốt hơn nữa với MekongSP, cung cấp cho Ban Chủ nhiệm những sản phẩm đặc trưng nhất của địa phương để có cơ sở quảng bá, các sản phẩm sẽ được chú trọng phát triển về chất.

Cùng đó, các nhóm ngành hàng cần phải có sự iên kết để có được sản phẩm đủ mạnh để cạnh tranh trên thị trường.

Để sản phẩm đặc trưng phát triển bền vững, bên cạnh các kênh phân phối truyền thống thì cần phải tiếp cận được các kênh bán lẻ hiện đại và hướng xa hơn là thị trường xuất khẩu. Để làm được điều này, ông Nguyễn Văn Hiểu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư tỉnh Kiên Giang, cho rằng:

Trong những buổi họp mặt MekongSP, cùng với các đơn vị  như: cơ quan xúc tiến thương mại-đầu tư, trung tâm khuyến công, nông, ngư cần mời thêm các doanh nghiệp tại địa phương tham dự để những buổi họp mặt không chỉ là giao lưu mà còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp học hỏi và kết nối.

Theo Báo Cần Thơ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh