Những ngày này, trên tuyến sông Vàm Nao, sông Tiền và sông Hậu chảy qua các địa bàn như: Phú Tân, Tân Châu (An Giang), Thanh Bình, Lấp Vò (Đồng Tháp) khá náo nhiệt vì đang cao điểm của mùa săn cá bông lau.
Những ngày này, trên tuyến sông Vàm Nao, sông Tiền và sông Hậu chảy qua các địa bàn như: Phú Tân, Tân Châu (An Giang), Thanh Bình, Lấp Vò (Đồng Tháp) khá náo nhiệt vì đang cao điểm của mùa săn cá bông lau.
Bãi cá ở cù lao 5 xã huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) dài khoảng 2 cây số, quy tụ khoảng 40-50 xuồng của các ngư dân săn bông lau chuyên nghiệp, bủa lưới từ chạng vạng đến tận sáng hôm sau. Về đêm, những chiếc đèn báo hiệu nổi từng hàng giăng kín cả khúc sông.
Hơn 5 giờ chiều, chúng tôi theo ghe của nhóm ngư dân tại xã Tân Huề (huyện Thanh Bình, Đồng Tháp), lách qua các con rạch xuôi ra sông Tiền.
Anh Phạm Thanh Hùng (41 tuổi, một người dân địa phương) cho biết, bước qua tháng 10 (âm lịch) là ngư dân vào vụ thả lưới bắt cá bông lau và kéo dài đến hết tháng 4.
Phương tiện đánh cá bông lau chỉ cần một xuồng máy và tay lưới dài 500m có thể hành nghề. Để có khu vực bủa lưới, vào đầu vụ anh cùng với nhiều ngư dân hùn tiền thuê thợ lặn mò lấy gốc cây dưới sông để vướng lưới.
“Đa số cá bắt được tầm 5-6kg, còn cá hơn 10kg, giờ rất hiếm. Có khi cả mùa chỉ bắt được 2-3 con”, anh Trần Văn Khởi (41 tuổi) - ngư dân đánh bắt cá bông lau chung với anh Hùng kể. Hai vợ chồng anh Khởi chọn đoạn nước sâu, tắt chiếc máy đuôi tôm.
Người vợ nhanh tay nắm cán chèo chầm chậm đẩy nước và bủa tay lưới. Cứ một đoạn hơn 10m, anh Khởi đặt chiếc đèn nổi thả trên mặt nước.
Đèn màu trắng để thông báo tàu ghe là khu vực ngư dân bủa lưới, còn đường đèn đỏ (cách đèn trắng khoảng 10m), hướng dẫn tàu ghe qua lại. Anh Khởi đội trên đầu chiếc đèn ngư dân để quan sát, còn xuồng thì gắn đèn báo hiệu màu xanh.
Sau nửa giờ đồng hồ, tay lưới dài 500m được vợ chồng anh bủa xong và ngồi canh tàu ghe đợi đến giờ thu lưới. Vào thời điểm nước lớn, cứ khoảng 1 giờ đồng hồ thì ngư dân cuốn lưới 1 lần. Con nước chảy chậm, thời gian này sẽ kéo dài lâu hơn khoảng nửa tiếng.
Anh Khởi tâm sự nối nghiệp cha gần 20 năm nay. Vợ chồng anh nếm trải được nỗi gian truân, vất vả trên khúc sông Tiền.
“Nghề săn cá bông lau thăng trầm như con nước lớn, ròng. Ngày nào giăng lưới dính nhiều cá thì vui lắm! Hôm trước, tôi dính 4 con cá bông, bán hơn 5 triệu đồng. Còn suốt nửa tháng nay thì thua”, anh Khởi nói.
Nhóm ngư dân săn cá bông lau trên sông Tiền. |
Cách đó không xa là xuồng của vợ chồng anh Trần Văn Gấu (42 tuổi). Sau một giờ đồng hồ thả lưới, vợ chồng này bắt đầu thu lưới, kéo được nửa tay, gương mặt của anh Gấu mừng rỡ, vì có cá dính. Anh cùng vợ kéo lên xuồng thì ánh mắt vui mừng hiện lên vì con cá bông lau nặng chừng 6 kg mắc lưới.
Gần đó, vợ chồng anh Nguyễn Văn Lem cũng đang thu lưới. Khoảng 5 phút sau, anh Lem phát hiện một con cá to gần 7kg mắc lưới nổi trên mặt nước nên hai vợ chồng cùng gỡ, cho cá vào khoang xuồng.
“Đầu vụ đến nay, vợ chồng tui đã bắt được 20 con cá bông lau, con lớn nhất có trọng lượng lên đến 12kg”, anh Lem hớn hở.
Nghề chài lưới được các ngư dân xem là nghề “hạ bạc”, nhưng lại có sức cuốn hút lạ lùng. Cũng là một tay “sát cá” nhưng gần 10 năm trước, ông Phạm Văn Hoa (50 tuổi) đã bỏ nghề chuyển sang lái xe tải. Tuy nhiên, cứ đến mùa, ông lại xin chủ cho nghỉ ba tháng để về quê hội ngộ với các ngư dân.
“Cứ đến mùa cá là ham lắm. Từ đầu vụ đến nay, tôi cũng bắt được gần chục con từ 5-8 kg/con. Cá bông lau đang được giá cao.
Hễ dính cá, alô một cái là bạn hàng chạy xuồng ra tận nơi cân. Mỗi đêm chỉ cần dính 1 con là cũng có bạc triệu nên ai cũng tranh thủ đem lưới ra bủa”, ông Hoa nói.
Phần lớn, nhiều ngư dân sống bằng nghề chài lưới ở sông Tiền, sông Hậu hay sông Vàm Nao đều không đất đai sản xuất và có điểm chung là nghèo.
Ông Nguyễn Ngọc Võ (54 tuổi) kể, nhiều năm dành dụm, vợ chồng ông mới mua được nền nhà cặp mé sông Hậu để lên bờ sinh sống. Hơn 20 năm qua, vợ chồng ông trông chờ mùa săn cá bông lau, mang nguồn thu nhập chính của gia đình.
“Hồi trước cá nhiều, mỗi ngày đánh lưới dính cả chục con. Còn nguồn cá bây giờ có năm trúng, năm thất. Đêm nào may mắn được 1-2 con cũng coi như trúng mánh”, ông Võ nói.
Những ai theo nghề này đều chấp nhận: hôm nào trúng luồng cá thì may mắn, có khi bủa lưới cả đêm đến sáng cũng về tay không.
Bà Trần Thị Tuyền (50 tuổi) cho biết, gia đình bà theo nghề đến nay đã 3 thế hệ. Nghề săn cá bông lau dẫu cực, nhưng biết bao gia đình, những hộ nghèo hay cận nghèo cặp bờ sông họ vẫn sống được từ bao đời nay.
Theo VĂN VĨNH (Công an nhân dân)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin