ĐBSCL và mối đe dọa từ thượng nguồn sông Mê Công

01:04, 11/04/2018

Theo Tổ chức Sông ngòi Quốc tế, nguồn dinh dưỡng từ sông Mê Công đã giúp tạo nên một vùng sản xuất và xuất khẩu gạo lớn, nguồn cá tự nhiên cao nhất nhì thế giới.

Theo Tổ chức Sông ngòi Quốc tế, nguồn dinh dưỡng từ sông Mê Công đã giúp tạo nên một vùng sản xuất và xuất khẩu gạo lớn, nguồn cá tự nhiên cao nhất nhì thế giới.

Ở hạ lưu sông Mê Công có trên 60 triệu người dân sinh sống, trong đó khoảng 85% là nông dân và ngư dân.

Canh tác lúa nước, đánh bắt, nuôi trồng là nguồn sinh kế quan trọng của người dân từ nhiều năm qua. Hiện nay, ngoài 7 công trình đập dòng chính đã hoàn thành trên phía thượng nguồn của Trung Quốc, thì 11 con đập đang và sẽ xây dựng ở hạ lưu sông Mê Công tại Lào và Campuchia được đánh giá sẽ gây ra những tổn thất nghiêm trọng đối với nguồn phù sa, nguồn thủy sản, chất lượng nước, đa dạng sinh học… của dòng sông.

Sinh kế bị đe dọa

Bà Maureen Harris, Tổ chức Sông ngòi Quốc tế, cho rằng: Việc xây dựng các đập thủy điện trên sông Mê Công đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh kế người dân và các nguy cơ khác như mất cân bằng hệ sinh thái, giảm lượng phù sa…

Tình trạng này có thể còn tồi tệ hơn do tác động của các đập thủy điện đang xây dựng trên dòng chính và khoảng 100 đập dòng phụ chuẩn bị được xây dựng.

Việc xây dựng thêm các đập thủy điện có thể khiến lượng phù sa về ĐBSCL giảm xuống chỉ còn 4%, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sự phát triển nông nghiệp ở khu vực này.

Thiếu hụt phù sa từ thượng nguồn, tình trạng sạt lở tại ĐBSCL ngày càng gia tăng. Trong ảnh: Sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh An Giang. Ảnh: LẠC MẪN
Thiếu hụt phù sa từ thượng nguồn, tình trạng sạt lở tại ĐBSCL ngày càng gia tăng. Trong ảnh: Sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh An Giang. Ảnh: LẠC MẪN

Bên cạnh hệ thống đập thủy điện đã, đang và sẽ xây dựng trên dòng Mê Công, các kế hoạch lấy/chuyển nước sông Mê Công để tưới, mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp của các quốc gia trong khu vực đang đặt ĐBSCL vào những nguy cơ nghiêm trọng trong tương lai.

Theo nhận định của các chuyên gia, nếu các quốc gia trong khu vực lấy/chuyển nước vào trữ trong các hồ chứa, lượng nước lũ về ĐBSCL sẽ giảm, lượng phù sa chắc chắn cũng sẽ suy giảm.

Tính toán sơ bộ, tác động tích lũy của dự án thủy điện trên dòng chính cùng với các bậc thang thủy điện dòng chính sông Mê Công có thể làm giảm từ 6-10% nguồn chất dinh dưỡng (đạm và lân) cho ĐBSCL.

Theo đó, năng suất cây trồng được dự báo sẽ giảm từ 0,6-1 tấn/ha. Tiến sĩ Naruepon Sukumasvin, Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công Quốc tế, nhận định: Lượng cá trên dòng Mê Công giảm, trọng lượng cá cũng giảm và ít cá to. Khoảng 60% thành phần loài di cư bị giảm sút.

Theo đó ngành xuất khẩu cá da trơn có giá trị hàng tỉ đô la của Việt Nam bị đe dọa, do cá da trơn phụ thuộc nguồn thức ăn là cá trắng di cư.

Trong mùa cạn, nước sông Mê Công chỉ chảy theo một chiều từ trên xuống. Trong đó, lượng nước từ Biển Hồ (Campuchia) chiếm đáng kể dòng chảy sông Mê Công vào ĐBSCL.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, các đập khác nhau trong chuỗi 11 đập thủy điện đều có khả năng lưu nước từ 3 ngày đến 3 tuần.

Như vậy, trong những năm khô hạn, các đập này sẽ làm nước chậm về ĐBSCL từ một đến vài tháng, gia tăng khô hạn và xâm nhập mặn trong mùa khô ở ĐBSCL…

Khuyến nghị cho vùng ĐBSCL

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, việc thiếu phù sa ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp, ngay từ bây giờ Việt Nam cần ý thức rằng nguồn phù sa trong tương lai sẽ rất hạn chế và phân bón sẽ không thể thay thế phù sa.

Để duy trì an ninh lương thực trong nước về lâu dài, cần phải giảm canh tác lúa 3 vụ/năm như hiện nay. Bởi việc này đã và đang làm cạn kiệt nguồn dinh dưỡng trong đất do phù sa bồi đắp trước đây.

Về nguồn nước, trong các năm thời tiết bình thường, các đập thủy điện trên dòng Mê Công sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lượng nước và thời gian nước về ĐBSCL, nhưng trong những năm đặc biệt khô hạn thì các đập này sẽ làm tình hình tồi tệ thêm rất nhiều vì các đập có thời gian lưu nước trên 1 tháng.

Vì vậy, trong những năm khô hạn, ĐBSCL cần phải tránh canh tác vào mùa khô và chuẩn bị trữ nước ngọt cho sinh hoạt trong mùa khô.

Cụ thể, cần khôi phục chức năng trữ lũ của hai túi nước tự nhiên ở ĐBSCL là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên.

Tiến sĩ Lê Việt Phú, Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng: Vùng hạ lưu sông Mê Công đang phải đối mặt với những rủi ro chưa từng có. Các nhân tố ảnh hưởng gồm cả nhân tai, thiên tai và biến đổi khí hậu. Do vậy, cần có cơ chế chia sẻ lợi ích đảm bảo phát triển bền vững.

Và phải chấp nhận khai thác ở một mức độ, dần dần và học hỏi qua kinh nghiệm. Đối với ĐBSCL có nhu cầu chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng sử dụng nước hiệu quả hơn, thích ứng được với biến động theo hướng nước ngày càng khan hiếm, ít phù sa, nhập mặn gia tăng.

Đồng thời, cần cẩn trọng không thực hiện xây dựng công trình quy mô lớn làm thay đổi cấu trúc của đồng bằng.

Về vấn đề lấy/chuyển nước trong lưu vực Mê Công, ông Nguyễn Nhân Quảng, Trung tâm Con người và Thiên nhiên, khuyến nghị: Việt Nam cần tiếp tục thu thập và cập nhật thêm thông tin về các dự án chuyển nước trong lưu vực qua các nguồn khác nhau.

Trên cơ sở đó, các thông tin cần được phân tích, xử lý để có các đối sách kịp thời, bảo vệ quyền lợi cho vùng ĐBSCL.

Về mặt kỹ thuật, Việt Nam cần nghiên cứu thêm các giải pháp thích hợp điều tiết/vận hành tối ưu các hồ chứa ở Tây Nguyên để góp phần duy trì ổn định dòng chảy vào ĐBSCL.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp liên kết với các tổ chức hữu quan hoặc nghiên cứu thành lập các thể chế liên kết khác để thúc đẩy hợp tác trong khu vực, tạo sức mạnh tổng hợp…

Ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo thay thế các đập thủy điện

Tại diễn đàn Mê Công với chủ đề “Lưu vực Mê Công trước thách thức bảo vệ người dân và hệ sinh thái trong bối cảnh nhiều biến động” vừa tổ chức tại TP Cần Thơ, Liên minh Cứu sông Mê Công cùng các tổ chức xã hội và cộng đồng từ Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đưa ra bản Tuyên bố nhằm thể hiện mối quan ngại với dòng sông Mê Công và các cộng đồng đang sống dựa vào dòng sông này.

Trong đó, kêu gọi các quốc gia trong khu vực xem xét sử dụng năng lượng tái tạo thay thế các đập thủy điện.

Nội dung như sau: “Chúng tôi đề nghị chính phủ các nước trong khu vực ưu tiên áp dụng các công nghệ tái tạo và năng lượng phi tập trung đang ngày càng khả thi và có giá cả cạnh tranh mà không gây ra các tác động xã hội và môi trường như các đập thủy điện quy mô lớn.

Người dân Mê Công phải được tham gia một cách thực chất trong việc quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia và các đề xuất thương mại năng lượng.

Khu vực Mê Công cần có tư duy lãnh đạo và tầm nhìn giúp đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững trong khi vẫn bảo tồn được nguồn thủy sản giàu có của khu vực và nguồn nước, là những nguồn tài nguyên quan trọng để giảm nghèo và phát triển vì các thế hệ hiện tại và tương lai.

Nếu chính sách của các quốc gia và khu vực đồng thuận khuyến khích năng lượng tái tạo, Mê Công có thể bước vào một kỷ nguyên tăng trưởng bền vững thực sự mà không làm mất đi những lợi ích do dòng sông trù phú mang lại”…

Theo LẠC MẪN (Báo Cần Thơ)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh