Chuyện về đội khuyển tinh nhuệ

08:03, 17/03/2018

Từ khi thành lập, lực lượng "cảnh khuyển - chó nghiệp vụ" (Đội huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ) thuộc phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động (Công an tỉnh An Giang) trở thành lực lượng quan trọng, tham gia tích cực đấu tranh giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Từ khi thành lập, lực lượng “cảnh khuyển - chó nghiệp vụ” (Đội huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ) thuộc phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động (Công an tỉnh An Giang) trở thành lực lượng quan trọng, tham gia tích cực đấu tranh giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Những chiến công

Trung úy Nguyễn Lê Chung (Đội huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ) cho biết: Mỗi người phụ trách HL trực tiếp một chó nghiệp vụ nên thân thiết như “anh em”, hiểu từng thói quen, tính nết. Bản thân tôi trực tiếp HL chó nghiệp vụ “BEN” chuyên khoa bảo vệ truy vết.

Tôi cũng như các đồng nghiệp, thường xuyên HL giúp “cảnh khuyển” thích nghi từng địa hình, địa vật cũng như nắm được những thủ đoạn của các đối tượng để tác chiến hiệu quả.

CBCS cùng Đội “cảnh khuyển” tinh thông nghiệp vụ trước giờ luyện tập
CBCS cùng Đội “cảnh khuyển” tinh thông nghiệp vụ trước giờ luyện tập

Nhớ lại chuyên án 124L, thiếu úy Trần Vũ Linh cho biết: vào lúc 13 giờ 50 phút ngày 16-7-2015, tôi cùng 2 đồng chí trong đội (trong đó có trung úy Nguyễn Lê Chung và thượng sĩ Lê Long Hải) và 3 chó nghiệp vụ (1 chó nghiệp vụ chuyên khoa lùng sục phát hiện ma túy và 2 bảo vệ truy vết) tiến hành khám xét nhà của các đối tượng tại khu vực xã Mỹ Đức (Châu Phú), phường A và dưới chân cầu Cồn Tiên (TP. Châu Đốc).

Qua đấu tranh với các đối tượng phát hiện dấu vết, phát hiện mùi tài tình của các “cảnh khuyển”, kết quả bắt được 7 đối tượng cùng một số tang vật gồm: 102 bọc ny-lon có chứa chất rắn màu trắng (qua giám định đó là ma túy đá), 5 xe môtô, 21 điện thoại di động và số tiền 120 triệu đồng…

Đây là một trong những chiến công lớn của đội có sự đóng góp rất quan trọng của các “cảnh khuyển”.

Không dừng lại đó, lực lượng huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ và các “cảnh khuyển” còn có nhiều đóng góp trong công tác cứu hộ cứu nạn, thực hiện nhiều lượt tuần tra trên địa bàn… góp sức bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội, gây rối trật tự công cộng.

Ngoài ra, còn tham gia cưỡng chế, giải tán đám đông, kiểm soát an ninh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Gian nan huấn luyện   

“Để có được những “cảnh khuyển” tinh thông nghiệp vụ đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ (CBCS) phải yêu nghề và kiên nhẫn cao.

Mỗi chú chó nghiệp vụ được tuyển chọn kỹ lưỡng và phải trải qua quá trình huấn luyện gắt gao trước khi tham gia phá án”- thượng úy Lê Văn Phương (Đội huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ) chia sẻ với chúng tôi.

Theo đó, các CBCS phải trải qua khóa HL 6 tháng tại Cục Quản lý, HL và sử dụng chó nghiệp vụ (TP. Hồ Chí Minh). Khi vào học, mỗi người được giao 2-3 con chó (hơn 1 năm tuổi) để “làm quen”, sau đó chọn 1 con hiểu ý nhất để HL.

Lúc này, mỗi người sẽ được dạy cách HL cho chó 15 động tác cơ bản, thực hiện các nhiệm vụ đặc thù theo chuyên khoa, như: chó chiến đấu, chó bảo vệ, chó truy lùng dấu vết, chó phát hiện ma túy… mỗi ngày các HL viên và những “cảnh khuyển” phải dành tới 4 tiếng đồng hồ cho việc luyện tập.

“Cảnh khuyển” hăng say luyện tập trên thao trường.
“Cảnh khuyển” hăng say luyện tập trên thao trường.

“HL “cảnh khuyển” gian khó lắm. Mình phải tập “làm quen” dần rồi dụ dỗ chúng bằng thức ăn, đồ chơi… từ từ chúng mới chịu thân hòa. Khi chó biết nghe, hiểu mình thì mới luyện tập được” - một CS cho biết.

Vì thế, tất cả “cảnh khuyển” đưa vào HL đều được kiểm tra rất kỹ lưỡng nguồn gốc, xuất xứ, kiểm tra hệ thần kinh ổn định rồi mới bố trí cho từng người làm quen (2-3 con mới chọn được 1 con hiểu ý).

Mỗi chú chó được biên chế theo từng nghiệp vụ riêng biệt sẽ cấp cho mỗi học viên để HL. Hầu hết các “cảnh khuyển” này có xuất xứ nước ngoài, như: Bec-gie (một trong tứ khuyển của Đức), Rottweiler…

Việc tập luyện được thực hiện theo giáo trình, giờ giấc rất nghiêm ngặt. Buổi HL bắt đầu bằng màn khởi động cho chó nghiệp vụ những động tác cơ bản như: chào, nằm, đứng, ngồi, bò, đi...

Tiếp đó là bài huấn luyện chạy, vượt chướng ngại vật, đánh hơi đồ vật và nguy hiểm nhất là bài HL cắn đối tượng, tấn công địch. Mỗi “cảnh khuyển” sẽ phụ trách chuyên khoa khác nhau nên các bài HL, phương án tác chiến cũng sẽ khác nhau, như: chiến đấu, bảo vệ, truy vết, phát hiện ma túy…

Khi tốt nghiệp, CBCS và “cảnh khuyển” của mình phải thi đầy đủ các lệnh và động tác đã học, đạt yêu cầu thì hội đồng mới công nhận “ra trường”.

Thượng úy Lê Văn Phương cho biết thêm: “Khả năng ứng chiến của chúng rất nhanh nhạy và linh hoạt. Khi nhận hiệu lệnh, chúng sẽ khống chế mục tiêu ngay lập tức.

Đặc biệt là tốc độ chạy rất cao, khoảng 40-50 km/giờ và nguy hiểm nhất là “cú đớp” rất khủng khiếp. Với hàm răng sắc nhọn, “cảnh khuyển” sẽ đớp và ghì chặt đối tượng, chỉ thả ra khi có hiệu lệnh của người HL”.

Sau giờ tập luyện căng thẳng hoặc sau mỗi chuyến công tác, mỗi CBCS và “cảnh khuyển” trở về đơn vị. Họ lại tiếp tục gắn bó như “anh em” trong nhà.

Mỗi CBCS tiếp tục chăm sóc, HL cho từng “cảnh khuyển” của mình. Hiện, đội có gần chục “cảnh khuyển” được biên chế cho các CBCS quản lý.

Mỗi người đều hiểu hết tính nết của từng “cảnh khuyển” của mình nên biết cách vỗ về yêu thương, chăm sóc tỉ mỉ từng miếng ăn, giấc ngủ… để “cảnh khuyển” đảm bảo sức khỏe thực hiện thành công những nhiệm vụ đặc biệt.

Trong những ngày nắng gắt, thời gian huấn luyện phải rút ngắn lại vì “cảnh khuyển”cần giải tỏa thân nhiệt. Những ngày mưa to, ẩm ướt cũng phải nghỉ.

Đặc biệt, “cảnh khuyển” được chăm sóc y tế rất nghiêm ngặt để đảm bảo sức khỏe, cân nặng nhằm phục vụ công tác. Với mỗi “cảnh khuyển”, thời gian phục vụ công tác từ 5-7 năm.

Theo TTMT

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh