Gần như bất cứ người dân nào sinh ở miệt sông nước Cửu Long đều nằm lòng câu hát: 'Bạc Liêu là xứ cơ cầu/ Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu'.
Gần như bất cứ người dân nào sinh ở miệt sông nước Cửu Long đều nằm lòng câu hát: 'Bạc Liêu là xứ cơ cầu/ Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu'.
Ngoài ca từ, giai điệu mượt mà trong bài hát, cố nhạc sĩ Thanh Sơn còn vẽ nên bức tranh sống động về vùng đất Bạc Liêu giàu có.
Đặc biệt, trong lời bài hát Hoài cổ này còn nhắc đến một loại đặc sản độc đáo ở xứ sở 'cơ cầu', đó là con cá chốt Bạc Liêu.
Cá chốt kho tiêu- một đặc sản của xứ sở Bạc Liêu |
Cá chốt có mặt trên khắp các vùng miền, còn được gọi là cá gai hay cá ngạnh. Ở miền Tây nhắc đến cá chốt, người ta nghĩ ngay đến xứ sở Bạc Liêu, vùng đất được mệnh danh là xứ “cơ cầu” cũng là nơi cá chốt tập trung đông nhất.
Cùng với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, cá chốt ở đây nhiều vô số kể. Cá chốt đông nhất là vào mùa mưa, cá từ những con sông lớn tràn lên đồng đẻ trứng duy trì nòi giống.
Người dân bắt tay vào mùa bắt cá chốt vừa để ăn vừa để bán gia tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Cá chốt làm khô để dự trữ dùng dần |
Tầm tháng 10 Âm lịch, nước ngập lênh láng đồng bưng, cá chốt con nổi đầu, hớp bọt trắng đồng. Khi nước rút, cá chốt rút xuống kênh rạch ẩn mình.
Dân quê vác miệng chài lội dọc theo mé sông tiến hành chài cá chốt. Ngoài ra, đặt lọp, cắm câu, giăng lưới cũng có thể bắt được loài cá đặc sản này.
Ở quê, gần như nhà nào cũng có một vài cái mương nhỏ thông ra sông. Nước lớn, dùng tấm lưới chặn ngang mương, khi nước cạn thì be một cái bờ ngang, cá chốt rút sâu vào trong mương ẩn náu.
Chỉ chờ có vậy, bà con đắp đập bắt cá chốt thấy mà ham. Đặc điểm dễ nhận biết của loại cá này là có 3 ngạnh rất bén, sơ ý bị đâm trúng ắt sẽ rất đau.
Trước khi làm cá cần bỏ vào rổ cá ít tro để một hồi cá vùng vẫy sạch nhớt rồi tiến hành chặt ngạnh, mổ bụng và rửa cá cho thật sạch.
Câu cá chốt trên sông |
Thịt cá chốt chắc nịch, béo ngậy có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Những buổi chiều mưa có tô canh chua cá chốt nấu với bần bên mâm cơm dung dị miền quê thiệt ngon khó cưỡng.
Đặc biệt, cá chốt còn có thể kho nghệ, kho tiêu từ lâu đã trở thành đặc sản độc đáo của xứ sở “cơ cầu”.
Trước đây, cá chốt Bạc Liêu nhiều lắm, khi tát mương có thể đựng bằng thùng, bằng thúng. Hiện tại, loài cá đặc sản này cũng đã giảm dần do nhu cầu thị trường đòi hỏi quá lớn.
Cá chốt không thể có đủ để đáp ứng cho người dân trên khắp các vùng miền, cũng là nỗi buồn thời thế khi con người “ham ăn” mà làm mai một lượng cá đặc sản.
Đĩa khô cá chốt dùng để thiết đãi bè bạn gần xa |
Cá chốt ăn không hết có thể phơi khô để dự trữ trong nhà hoặc làm quà biếu cho khách phương xa.
Mặc khác, dân quê còn đem cá chốt làm mắm nâng giá trị con cá lên một tầm cao trong ẩm thực vùng miền. Mắm cá chốt ngon nhất là được xé trộn với tỏi ớt ăn kèm với cơm nguội.
Bên cạnh đĩa rau đồng, trái chuối chát xắt lát kẹp với con mắm cá chốt thơm ngon, vừa ăn vừa cắn trái ớt hiểm xanh cay xé lưỡi thì còn thú vị nào bằng.
Món ăn tuy dân dã, mộc mạc nhưng dư vị để lại của nó thật đậm đà, khó cưỡng, ăn một lần rồi sẽ nhớ mãi không thôi.
Cá chốt kho ăn kèm với cơm trắng miền quê thì ngon khó cưỡng |
Cũng vì cái mùi vị đặc trưng độc đáo của con cá chốt mà loại cá đặc sản này nghiễm nhiên được nhắc đến trong lời bài hát Hoài cổ của cố nhạc sĩ Thanh Sơn.
Bạc Liêu không chỉ nổi danh với bài vọng cổ hay sự tích cậu Ba họ Trần mà trong ẩm thực, con cá chốt cũng là một niềm tự hào của người dân nơi đây dành cho thực khách gần xa.
Theo HOÀNG LÊ (Sống mới)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin