Cậu chủ bán sạp hải sản trên đường đến biển Ba Động (Trà Vinh) nói xong, vội nhìn sang căn nhà bên kia đường, đế thêm: "Con chằm dằm đang luộc chù ụ cho mấy cô chú ăn đó".
Cậu chủ bán sạp hải sản trên đường đến biển Ba Động (Trà Vinh) nói xong, vội nhìn sang căn nhà bên kia đường, đế thêm: "Con chằm dằm đang luộc chù ụ cho mấy cô chú ăn đó".
Cơ duyên khiến chúng tôi đến Trà Vinh, vì một lẻ thiệt đơn giản: Đi khắp Việt Nam, khắp châu Âu, qua tận 2 bờ Đông Tây nước Mỹ nhưng điểm lại thấy thiếu… Trà Vinh! Bạn bè can: "Xứ đó cũng như Sóc Trăng ấy mà, cũng đầy chùa Khmer, người Khmer, người Hoa…Không khác gì đâu".
Hoa văn trên mai chù ụ rất đẹp, lạ lẫm |
Ôi, nếu chúng tôi siêu lòng bởi lời can ngăn đó, chắc là đã bỏ qua một vùng đất… hay biết chừng nào. Và một trong những cái hay đó chính là con… chù ụ!
Nói rằng hay bởi vì khi vào chợ Trà Vinh hỏi mua con chù ụ, 3 người trả lời, không biết! Chưng hửng ghê. Đến người thứ 4, sau một hồi ngẫm nghĩ, cô ấy đoán chừng: "Chắc ở biển chị ơi".
Vì quá tò mò, tụi tôi đi luôn ra biển Ba Động xem sao.
Xe gần đến biển, thấy dải sạp bán hải sản bên đường, tụi tôi dán mắt vào cửa kính xe tìm con Chù Ụ. Kia rồi, cái con nhìn xa xa tưởng ba khía đang bò lổn nhổn trong thau nhôm.
Khác khu trung tâm Trà Vinh, tôi vừa chỉ tay vào cái thau chưa kịp hỏi, cô chủ sạp đã nhanh nhẩu: "Chù ụ hả cô, đây nè, con này làm kiểu gì cũng ngon".
Đúng y "ông Google" miêu tả, con chù ụ có hình dáng như cua đồng, ba khía nhưng thân hình cục mịch và chậm chạp hơn con ba khía.
Đặc biệt, chúng có hai càng to khỏe màu đỏ tươi, to và kềnh càng, nhiều thịt. Các ngoeo của chù ụ không dẹp như ba khía mà dầy như nghoe cua.
Trên mai có những vết hằn sần sùi giống hoa văn... Ấn tượng nhất là mặt nó cứ sù sụ, buồn thiu, khó chịu. Cái tên chù ụ chắc cũng từ cái mặt khó coi này.
Đề phòng con chù ụ không ngon như lời đồn, tụi tôi mua thêm cua và nhờ cô chủ luộc dùm để đem ra biển nhấm nháp.
Trong lúc chờ đợi, chồng cô chủ vừa trông sạp, vừa tiếp chuyện tụi tôi: "Em có ăn con chù ụ chưa? Nó ngon không? Thịt giống cua hay toàn vỏ như ba khía, cua đồng"… Cậu chủ cười lém lỉnh: "Ở nhà có con chằm dằm bự chảng rồi, em không ăn chù ụ nữa".
Nói xong, cậu ấy vội nhìn sang căn nhà bên kia đường, đế thêm: "Con chằm dằm đang luộc chù ụ cho mấy cô chú đó".
Chù ụ đã luộc chín, bốc mai ra gạch đỏ tươi, ăn thiệt ngon |
Đợi mọi người cười thoải mái vì câu nói đùa quá đã, cậu chủ nhỏ nói tiếp: "Em giỡn thôi chứ con chù ụ này ăn ngon à. Nhìn 2 cái càng thấy đã chưa, thịt nhiều lắm.
Không giống ba khía, cua đồng, chù ụ có thịt ngọt như cua ghẹ, đến mùa nó có gạch đỏ au, ăn rất ngon. Đặc biệt vỏ con này rất giòn, có thể nhai luôn vỏ. Mấy cô đem luộc, hấp, nướng hay rang me đều ngon bá cháy!".
Sau khi được cô chủ tặng thêm món nước chấm màu trắng đục điểm xuyết lấm chấm ớt đỏ trông thật đẹp mắt, tụi tôi phóng thẳng ra biển.
Đúng như lời người bán, gỡ cái mai ra thịt chù ụ vung đầy, may mắn bốc được con có gạch nên mở đỏ au, ăn ghiền luôn, có thể nhai cả vỏ. Vỏ giòn thế này chắc khi nướng hay rang me chắc không chừa cái ngoe nào.
Tiếc rằng tụi tôi không có thời gian để thưởng thức, thôi để hẹn khi khác. Vừa nhai chù ụ, nhấm nháp ly bia vừa hóng mát gió biển Ba Động dưới ánh chiều tà quả là không có gì hạnh phúc bằng.
Chù ụ thường sống ở các bãi bồi nước lợ, rừng ven biển vì vậy các huyện duyên hải tỉnh Trà Vinh là nơi có nhiều chù ụ sinh sống nhất. Để bắt được con chù ụ, người dân phải lội sâu vào cánh rừng đước ven biển để tìm hang của nó. Con chù ụ khi bắt được cũng chỉ sống được một vài ngày nên bảo quản cũng rất khó. Mỗi ký chù ụ giá 40 ngàn đồng, đếm được hơn 20 con. |
Theo NLĐO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin