Khác với lần trước về chơi biển Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) phải xuôi theo quốc lộ 57 rộng thênh thang từ TP Bến Tre hướng về phía biển, lần này đến địa phận xã Hòa Lợi, chúng tôi về hướng biển bằng con đường mới Quới Điền – Thạnh Hải vừa mới hoàn thành đi qua các xã Hòa Lợi – Mỹ An – An Điền – Thạnh Hải.
Khác với lần trước về chơi biển Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) phải xuôi theo quốc lộ 57 rộng thênh thang từ TP Bến Tre hướng về phía biển, lần này đến địa phận xã Hòa Lợi, chúng tôi về hướng biển bằng con đường mới Quới Điền – Thạnh Hải vừa mới hoàn thành đi qua các xã Hòa Lợi – Mỹ An – An Điền – Thạnh Hải.
Dọc theo hai bên đường là những trụ điện cao sừng sững, những “vuông” tôm trải dài; những cây cầu kiên cố; những chiếc xe tải chở đầy thủy sản, hàng hóa, vật tư nông nghiệp, xây dựng tất bật ngược xuôi.
Vì là ngày thứ bảy nên chúng tôi bắt gặp rất nhiều đoàn khách du lịch trên các xe lớn với nhiều biển số 51, 60, 61, 62, 69, 84, 65, 68 minh chứng cho sức hút của biển Thạnh Hải đối với du khách gần xa từ các địa phương xa xôi.
Nhà cổ Đại Điền. |
Trước đó khi ngang qua xã Đại Điền, anh Trần Hùng, trưởng đoàn chúng tôi đã cho đoàn ghé thăm di tích lịch sử cấp quốc gia “Nhà cổ Đại Điền” (còn gọi là nhà cổ Huỳnh Liêm), một nhà cổ được xem là “cổ” nhất miền Tây.
Cạnh đó, chúng tôi còn thưởng thức bánh lá dừa Đại Điền (còn gọi là bánh dừa Giồng Luông), đặc sản rất nổi tiếng của huyện biển Thạnh Phú.
Anh Hùng kể thêm: “Trước khi đến chơi biển Thạnh Hải thì phải ghé đây để tham quan cảnh đẹp và ăn bánh lá dừa mới đủ “tua”, mình là dân Cần Thơ qua đây phải biết tận tường xứ cù lao Minh này.
Ở vùng biển này có rất nhiều cái tên ngộ nghĩnh như: Cồn Bửng, Cồn Rừng, Cồn Tra...”.
Xe vào địa phận ngã ba Mũi Tàu (ranh giới của 3 xã Giao Thạnh – Thạnh Phong – Thạnh Hải), chúng tôi dừng lại để thắp hương tại khu di tích đầu cầu tàu không số đã làm nên huyền thoại anh hùng qua hàng chục lần vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam dưới sự lãnh đạo của nữ tướng Nguyễn Thị Định, AHLLVTND, nguyên Phó tư lệnh Quân giải phóng miền Nam.
Trước đây chỉ có xã Thạnh Phong nên mới có câu hát “Ai về Thạnh Phú, Thạnh Phong. Gặp anh chiến sĩ biên phòng nhớ thương”.
Xã Thạnh Hải mới thành lập sau này và được tách ra từ xã Thạnh Phong. Đây có rất nhiều điều kiện thiên nhiên để hình thành bãi tắm rất đẹp, hoang sơ rất lý tưởng.
Khu di tích cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam. |
Đường từ trung tâm xã Thạnh Hải ra đến bãi biển Cồn Bửng khoảng 8 km, hai bên đường có rất nhiều “vuông” tôm theo kiểu công nghiệp với những giàn máy bơm rất hiện đại.
Cạnh đó là những cánh rừng bần, rừng đước nguyên sơ, hùng vĩ. Nhiều cánh đồng trồng mới xoài tứ quý đã hiện ra trước mắt trên những đồi cát trắng nóng hôi hổi.
Thấy vẻ ngạc nhiên của đoàn, ông Nguyễn Văn Thu, “thổ địa” tại đây kể: “Hồi đó người dân xứ biển này chỉ toàn trồng củ sắn, khoai mì, khoai lang bởi rất “hạp” với đất cát biển, nhưng nhiều năm bị trúng mùa, rớt giá hoài nên chính quyền khuyến khích trồng xoài tứ quý, thấy “êm” lắm”.
Khu du lịch cồn Bửng đã hiện ra trước mắt với rất nhiều du khách đang chuẩn bị xuống tắm biển và trải nghiệm các trò chơi như: chạy mô tô trên nước, lướt ván, dạo biển bằng ca nô…
Điều khiến chúng tôi rất an tâm là xung quanh hai khu vực tắm Cồn Bửng và Hàng Dương có khá nhiều nhân viên bảo vệ và sơ cấp cứu khi có người đuối nước.
Rất nhiều thủy sản tươi rói được thương lái bày bán với giá rất rẻ và “khuyến mãi” luôn khâu nấu nướng với nụ cười rất tươi. Người bán ở đây khá chân chất và trổ tài rất điêu luyện với những món ăn ngon, lạ.
Biển Thạnh Hải hôm nay. |
Chi Võ Thu Anh, ngụ xã Thạnh Phong cho biết: “Tôi bán ở biển này đã 10 năm rồi, hồi đầu ế lắm. Chỉ bán được vào hai ngày thứ bảy, chủ nhật nhưng chủ yếu là học sinh và dân Thạnh Phú.
Từ khi cầu Cổ Chiên, Rạch Miễu, Hàm Luông thông xe, lượng khách tới đây tăng cả mấy mươi lần, ngày nào cũng có khách.
Hồi đó bán cua, tôm như tui kiếm vài chục ngàn là “trần thân”, bây giờ kiếm mỗi ngày 200 đến 300.000 đồng dễ ợt”.
Biển Thạnh Hải rất dài, cát trắng rất mịn và nhiều sóng nên du khách rất ưa thích. Cạnh đó giá bán các loại thủy sản khá “mềm”, chất lượng đảm bảo và luôn được cân đúng.
Đây là điểm rất đặc biệt mà không phải khu di lịch biển nào cũng làm được. Đó là chưa kể giá thuê phòng trọ cạnh bãi biển cũng rất phù hợp túi tiền du khách bình dân.
Bình quân một phòng 2 đến 3 người chỉ dao động từ 250.000 đến 300.000 đồng với đầy đủ các tiện nghi cần thiết.
Chúng tôi quyết định ở lại biển Thạnh Hải để hiểu thế nào là cảm giác biển đêm xứ Bến Tre. Ông Trần Văn Trắc (80 tuổi, ngụ ấp 8, xã Thạnh Hải) vui vẻ thiết đãi chúng tôi một chầu nhậu rượu Phú Lễ - Ba Tri ăn với các món cháo nghêu ngọt lịm; món ba khía rang me và món mắm còng Châu Bình (huyện Giồng Trôm).
Trong men say ngà ngà, trong gió biển ầm ập kéo về khu du lịch, ông Trắc kể: “Hồi những năm 60, bà “ba Định” có về đây chỉ đạo mở bến tiếp nhận súng đạn và đóng tàu cây vượt biển ra Bắc, từ đó mới có tên đường Hồ Chí Minh trên biển. Lúc này gay go quá, hy sinh nhiều lắm…”.
Chúng tôi tiến dần ra Khu tưởng niệm “Đường Hồ Chí Minh trên biển” với quy mô hàng chục tỷ đồng đang hối hả thi công.
Từ đây nhìn ra biển lớn thật uy thiêng và ẩn chứa biết bao câu chuyện bi hùng về những con tàu không số đã trở thành huyền thoại ngàn năm.
Đây Miễu Bà chùa Xứ ung dung trông về biển cả; đó Lăng Ông - nơi thờ cúng 2 “ông” cá voi nặng gần 80 tấn sa vào biển Thạnh Hải năm 2004.
Có lẽ đây là những ông cá voi to lớn nhất của đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy có rất rất nhiều du khách đến đây để “mục sở thị” những bộ xương khổng lồ mang bao câu chuyện tâm linh huyền bí lạ thường.
Lăng ông này cũng đang được xây mới với kinh phí hàng chục tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân ven biển đồng thời phục vụ cho thế mạnh du lịch biển tại đây.
Theo ANH THƯ (Thương hiệu và pháp luật)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin