Xưa nay, trái bần chỉ được biết đến với các món ăn vui, dân dã. Gần đây, có một người, qua nhiều năm nghiên cứu, thực nghiệm, đã biết nấu trái bần, cô đặc; chế biến ra nhiều món ăn lạ: nấu lẩu chua, làm nước chấm, nước xốt, nước giải khát...
Xưa nay, trái bần chỉ được biết đến với các món ăn vui, dân dã. Gần đây, có một người, qua nhiều năm nghiên cứu, thực nghiệm, đã biết nấu trái bần, cô đặc; chế biến ra nhiều món ăn lạ: nấu lẩu chua, làm nước chấm, nước xốt, nước giải khát...
Trái bần, loài cây mọc ven sông, ven biển ở miền Tây Nam bộ Ảnh: HIỀN TRANG |
Món lạ miền Tây
Ở nhà hàng Hưng Lộc Phát (TP Sóc Trăng) có những món ăn chế biến từ nước cốt bần: Lẩu chua, nước xốt, nước chấm cho nhiều loại thịt, cá. Không ít du khách đến đây rất thích món ăn này.
Ông Lê Văn Vượng, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Cà Mau trong một lần đến thăm Sóc Trăng đã mua 20 keo nước cốt bần (mỗi keo 450g).
Ông giải thích: Ở Cà Mau thiếu gì bần nhưng không ai biết chế biến thành nước cốt để sử dụng tiện lợi như Sóc Trăng. Tôi rất thích hương vị của nước cốt bần.
Tôi mua sản phẩm này về tặng bạn bè, người thân và để dành dùng trong nhà… Nhiều Việt kiều quê gốc Sóc Trăng và ĐBSCL mỗi lần về nước cũng đã đến các điểm bán nước cốt bần mua, mang đi sử dụng.
Huyện Cù Lao Dung, ước lượng có tới 2.100ha bần. Nông trường 30-4 (cũ), thuộc xã An Thạnh Nam, án ngữ ngay cửa biển Trần Đề bần mọc thành rừng, nhiều cây bự cả nửa vòng tay ôm, cao đến gần chục mét.
Những năm qua, bần ở đây chống chọi với sóng gió, triều cường, xói lở nên giữ được phù sa bồi lắng. Nhờ rừng bần, mỗi năm nơi đầu sóng ngọn gió này bồi ra biển khoảng 200ha.
Tháng 5, tháng 6 là mùa bần chín. Đó cũng là thời điểm nông nhàn của người dân Cù Lao Dung. Nhiều người lội sông, vô rừng thu lượm bần chín về bán cho cơ sở thu mua của ông Nguyễn Văn Hòa.
Nông dân Trương Kim Em, 37 tuổi, ở xã An Thạnh Nam, cho biết: Mỗi ngày em lượm được từ 13-15kg, bán cho cơ sở thu mua với giá 8.000đồng/kg, thu nhập trên 100.000 đồng. Có thêm thu nhập lúc nông nhàn như vậy ở vùng cù lao này là rất hiếm!
Cơ sở chế biến nước cốt bần Ngọc Hồng của ông Nguyễn Văn Hòa nằm trên con đường khá nhộn nhịp của thị trấn Cù Lao Dung. Căn nhà trên 100m2 dùng để chứa mấy cái máy li tâm, máy sấy, máy hút chân không, muối và thành phẩm.
Anh Huỳnh Văn Vững, 42 tuổi, thợ chính nấu nước cốt bần của cơ sở Ngọc Hồng, kể: “Tôi làm việc từ ngày thành lập cơ sở năm 2012.
Công việc ban đầu có khó khăn vì quá mới. Được chỉ dẫn tận tình, bây giờ thì lành nghề rồi. Nấu nước cốt bần cũng đơn giản vì chỉ có bần và muối, không phụ gia, hóa chất nên sản phẩm sạch.
Nhờ muối và máy hút chân không, nên sản phẩm bảo quản được lâu, nhất là để trong tủ lạnh. Vào hai tháng 5 và 6, chúng tôi nấu khoảng 120kg bần chín mỗi ngày, cho ra thành phẩm 80 keo (mỗi keo 450g).
Mấy năm đầu tiêu thụ có hơi khó khăn, nhưng 2 năm nay, sản phẩm làm ra không đủ bán. Khách hàng tiêu thụ mạnh là các nhà hàng bán món ăn mang hương vị đồng quê Nam bộ”.
Của bỏ đi thành đặc sản
Anh Nguyễn Văn Hòa sinh năm 1966, quê ở xã An Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, tới Cù Lao Dung làm việc, sinh sống đã 12 năm. Quê anh cũng gần bờ sông Hậu (cách huyện Cù Lao Dung chừng 15 cây số) nên bần mọc nhiều.
Tuổi trẻ đi học phổ thông, anh Hòa đã mê món canh chua bần và mắm sống ăn với bần xanh, thuộc lòng câu hát: “Anh có con mắm sống, anh có trái bần, hai đứa dùng chung”.
Ở Cù Lao Dung, bần mọc thành rừng. Mùa hoa bần, người Cù Lao Dung thường làm gỏi với thịt heo, gà, cua, mực, tôm khô…
Đây là món ăn đặc sản vô nhị ở xứ này. Mùa bần chín, trái rụng nổi dầy trên mặt nước, rồi trôi theo sóng gió, tràn ra sông, ra biển. Anh Hòa thấy tiếc hùi hụi.
Những năm mới về Cù Lao Dung, anh lượm bần chín, nấu cô đặc, bỏ tủ lạnh ăn dần. Khách đến nhà anh, rất thích món lẩu chua, nước chấm, nước sốt từ nước cốt bần.
Anh nghĩ: Người Nam bộ, nhất là ở nông thôn thường say mê những món ăn dân dã, tại sao mình không cô đặc nước cốt bần để cung cấp cho thị trường?
Từ suy nghĩ rồi thành hành động, anh Hòa tự “vẽ” ra những công cụ để làm nước cốt bần và đặt thợ cơ khí sản xuất máy li tâm, máy sấy và máy hút chân không.
Năm 2012, anh Hòa mở cơ sở sản xuất, mướn người thu mua nguyên liệu và thuê nhân công sản xuất. Anh huy động vợ, con, anh em trong nhà tìm thị trường ở TPHCM, các tỉnh miền Đông và ĐBSCL; bỏ mối và quảng bá thương hiệu…
Hơn 5 năm qua, thời gian không dài đối với một sản phẩm mới được chế biến từ món ăn dân dã, đã đem lại thành công cho anh Hòa.
Mỗi năm cơ sở Ngọc Hồng bán ra thị trường khoảng 5.000 keo nước cốt bần. Mỗi keo mang về lợi nhuận từ 5.000 - 6.000 đồng.
Anh Hòa lạc quan: Tiềm năng về các sản phẩm chế biến từ cây bần rất lớn nhưng thị trường còn hạn hẹp. Chúng tôi đang nỗ lực hết mình để quảng bá rộng rãi tới người tiêu dùng.
Bằng đại học đầu tiên của anh Nguyễn Văn Hòa là kỹ sư cơ khí, sau đó anh học thêm bằng 2, Đại học Kinh tế TPHCM, bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ kinh tế với đề tài: “Hiệu quả kinh tế từ sản phẩm nước cốt bần”.
Anh đang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ vào đầu năm 2018 với đề tài “Giá trị kinh tế của sản phẩm cây bần”. Anh Hòa cho biết, tác dụng của cây bần vô cùng lớn.
Quả bần có vị chua của pho mát, tác dụng tiêu viêm, giảm đau cầm máu. Trái bần non hỗ trợ chữa ung thư vòm họng.
Lá bần có vị chát chữa bí tiểu, giã nát đắp vết thương, cầm máu. Cây bần chặt ra, phơi khô nấu nước uống trị sỏi thận, giải độc, mát gan…
Rừng bần đã, đang và sẽ là tương lai du lịch sinh thái của nhiều địa phương như Cù Lao Dung và các vùng ven biển của Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau…
Anh Nguyễn Văn Hòa là người khởi xướng, tạo ra thương hiệu cho các sản phẩm chế biến từ cây bần. Anh có tầm nhìn xa, dám nghĩ, dám làm, mở ra tương lai tươi sáng cho cây bần - một loại thân cứng, mọc tự nhiên, tưởng chừng bỏ đi, trở thành có giá trị.
Theo SGGPO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin