Nuôi vịt biển

12:11, 22/11/2017

Thời tiết khí hậu biến đổi trong vài năm qua đã làm cho nhiều tỉnh, thành ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị xâm nhập mặn, ảnh hưởng rất lớn đến việc chăn nuôi thủy cầm. 

Thời tiết khí hậu biến đổi trong vài năm qua đã làm cho nhiều tỉnh, thành ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị xâm nhập mặn, ảnh hưởng rất lớn đến việc chăn nuôi thủy cầm.

Hiện một giống thủy cầm mới là vịt biển có nhiều khả năng trở thành vật nuôi chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân vùng ĐBSCL, nhằm đối phó với thích ứng biến đổi khí hậu.

Mô hình nuôi vịt biển phù hợp với tình trạng biến đổi khí hậu tại ĐBSCL
Mô hình nuôi vịt biển phù hợp với tình trạng biến đổi khí hậu tại ĐBSCL

Chất lượng thịt lẫn trứng đều tốt

Tại hội nghị “Phát triển giống vịt biển phục vụ chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu tại Nam bộ”, các chuyên gia cho biết vịt biển rất dễ nuôi ở tất cả môi trường (nước ngọt, nước lợ, nước mặn) và chất lượng thịt, trứng tương đương với vịt nước ngọt hiện nay.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng đàn vịt cả nước có khoảng 72 triệu con, trong đó vùng ĐBSCL là 26 triệu con (chiếm 37%), giảm 1,2% so với năm 2012.

Tỉnh Trà Vinh giảm mạnh nhất, từ 2,4 triệu con nay chỉ còn 1,4 triệu con, do xâm nhập mặn. Theo Viện Chăn nuôi, tình trạng xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp nên trong tương lai đàn vịt sẽ tiếp tục giảm, không còn trở thành vật nuôi chủ lực của ĐBSCL.

Vùng ĐBSCL có 8/13 tỉnh nằm ven biển đang nhiễm mặn và điều kiện này rất phù hợp nuôi vịt biển. Viện Chăn nuôi đã nghiên cứu đưa giống vịt biển nuôi tại vùng bị nhiễm mặn trong vòng 3 năm và kết quả đã thành công, đặc biệt là vịt biển có thể nuôi nhốt, chăn thả ở điều kiện nước lợ, nước mặn và thích hợp tỉnh ven biển, vùng biển đảo.

Chất lượng thịt vịt biển tương đương với vịt siêu nạc, chất lượng trứng tương đương với vịt thả đồng.

Ông Dương Xuân Tuyển, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi gia cầm VIGOVA thuộc Viện Chăn nuôi, đơn vị đang nghiên cứu giống vịt biển, đánh giá vịt biển có sức sống khỏe, dễ nuôi.

Trung tâm cũng đã chuyển giao mô hình nuôi vịt biển cho 12 tỉnh vùng ĐBSCL thí điểm nuôi thử. Kết quả cho thương phẩm tương đối tốt. Vịt biển nuôi 9 tuần nặng 2,8kg, nuôi trong 70 ngày có thể xuất chuồng bán thịt, một năm đẻ khoảng 240 quả trứng/con.

Tuy nhiên, do giống vịt biển vẫn còn mới nên cần phải tiếp tục nghiên cứu để đưa ra quy trình thích hợp; chọn lọc, nhân giống cho ra vịt biển thuần chuẩn, để trở thành vật nuôi thủy cầm chủ lực cho vùng biển, vùng xâm nhập mặn.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An đã thí điểm nuôi vịt biển được 2 năm. Theo đánh giá của nông dân, vịt biển thích nghi tốt với điều kiện chăn nuôi tự nhiên.

Bên cạnh đó, vịt biển có tỷ lệ sống cao, rất ít bệnh tật và có thể tận dụng được thức ăn địa phương nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả.

Tương tự, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng nhận định, nhờ nuôi nước mặn, nước lợ mà vịt biển có khả năng diệt khuẩn cao, giảm nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, chăn nuôi vịt đứng thứ 4 của ngành nông nghiệp với 2,5 triệu con. Năm 2016, khoảng 50% diện tích toàn tỉnh bị xâm nhập mặn, khiến ngành chăn nuôi vịt thiệt hại rất lớn. Tỉnh đã thí điểm nuôi vịt biển ở các xã bị nhiễm mặn và mang lại hiệu quả cao.

Nếu có giống vịt biển có thể nuôi được tại vùng bị nhiễm phèn, sẽ rất tốt. Nông dân Mai Văn Dương (tỉnh Trà Vinh) đang nuôi thử nghiệm 800 con vịt biển, cho biết chất lượng thịt và trứng rất tốt nhưng vấn đề đầu ra gặp khó khăn, do người tiêu dùng chưa biết chất lượng vịt biển như thế nào.

Chật vật tìm đầu ra

Nhiều trung tâm khuyến nông các tỉnh nhận định, thị trường tiêu thụ đầu ra vịt biển vẫn còn khó khăn, không ổn định, làm ảnh hưởng đến tâm lý người nuôi.

Tuy chất lượng thịt thơm ngon hơn vịt siêu thịt, trứng có lòng đỏ chất lượng cao nhưng vẫn khó bán trên thị trường, bởi người tiêu dùng vẫn chưa biết đến.

Cần phải tuyên truyền rộng rãi về chất lượng thịt và trứng vịt biển để không ảnh hưởng đến tâm lý người nuôi và thu hút người tiêu dùng; đặc biệt cần có quy hoạch vùng để tránh nuôi ồ ạt.

Còn theo các chuyên gia, vịt biển nuôi tốt nhưng độ mặn của nước uống cần phải phù hợp với độ tuổi để cho năng suất tốt nhất.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT, cho biết vịt biển không chỉ mới triển khai nuôi ở ĐBSCL, mà cục đã nuôi thí điểm ở vùng hải đảo, ven biển cách đây vài năm.

Để vịt biển đạt năng suất cao, Cục Chăn nuôi đã hỗ trợ về kỹ thuật, giống, thức ăn và quy trình chăn nuôi cho nông dân.

Nhưng, khi thành công về giống vịt thì lại gặp vướng mắc khác. Đó là hiện nay con giống không đủ và sản phẩm chưa được người tiêu dùng đánh giá cao.

Đối với các tỉnh có tình trạng xâm nhập mặn, cần phải chủ động con giống và quy hoạch chăn nuôi mỗi địa phương cho phù hợp, tránh tình trạng “quá tải” như con heo hiện nay. Quan trọng cần phải có chuỗi liên kết giá trị ngành hàng theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã.

Còn theo bà Hà Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cách đây 4 năm, trung tâm đã thử nghiệm mô hình nuôi vịt biển ở các xã ven biển tỉnh Quảng Ninh, đã cho kết quả tốt. Vịt biển có thể nuôi được ở các dạng môi trường khác nhau.

Chất lượng được đánh giá rất cao, cụ thể trứng vịt biển ở miền Bắc giá cao hơn so với vịt thường và rất nhiều người tìm mua nhưng không đủ nguồn cung.

Vịt biển có tiềm năng rất lớn đối với ĐBSCL. Tuy nhiên, để có chất lượng vịt biển cao, cần phải quan tâm đến phương thức chăn nuôi, bởi mỗi địa phương có độ mặn, nguồn thức ăn tại chỗ khác nhau.

Từng tỉnh cần chú trọng nghiên cứu cụ thể cho từng vùng để có môi trường phù hợp, như nuôi ven biển, vùng nước lợ, nuôi nhốt, chạy đồng… nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nông dân.

Theo THANH HẢI/SGGP

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh