Nghề xưa giữa thời hiện đại

01:11, 30/11/2017

Khi những phong tục truyền thống tốt đẹp của cộng đồng như: lễ hội, tập quán sinh hoạt gắn với lễ giáo còn giữ lại thì những nghề đi kèm phục vụ cho nhu cầu đó vẫn còn "sống được". Đó là niềm tin của những người thợ có thể gọi là nghệ nhân với mong muốn giữ lại cái nghề do cha ông truyền dạy. 

 

Khi những phong tục truyền thống tốt đẹp của cộng đồng như: lễ hội, tập quán sinh hoạt gắn với lễ giáo còn giữ lại thì những nghề đi kèm phục vụ cho nhu cầu đó vẫn còn “sống được”. Đó là niềm tin của những người thợ có thể gọi là nghệ nhân với mong muốn giữ lại cái nghề do cha ông truyền dạy. 

Người Việt vẫn luôn tự hào về bộ quốc phục áo dài khăn đóng - trang phục ngày nay không còn phổ biến, chỉ xuất hiện trong lễ, tết, cưới hỏi.

Vậy mà mấy chục năm qua, bà Nguyễn Thị Phương Hoa, 64 tuổi, doanh nghiệp may áo dài Phương Hoa ở thị trấn Phú Mỹ (Phú Tân, An Giang) vẫn làm ăn khấm khá nhờ nghề may áo dài lễ phục. Khách hàng của bà Hoa ở khắp nơi, mỗi năm đặt may đến hàng trăm bộ.

Bà Hoa cho biết, áo dài có 3 loại: áo dài lễ hội gồm 3 màu đỏ, xanh, vàng mặc trong lễ hội cúng đình; áo dài đen mặc trong lễ đạo của Phật giáo Hòa Hảo và áo dài trạng nguyên may cho học sinh.

Tất cả đều may bằng vải lụa thêu hoa văn chìm, chọn lựa kỹ nguyên liệu, tẩn mẩn trong đường may, thể hiện hoa tay và cái tâm trong nghề.

Ngoài 6 thợ may làm xuyên suốt tại nhà, bà Hoa tự may những chiếc áo đặc biệt khi khách hàng yêu cầu.

Đối với bà, nhiều khách hàng xa gần biết đến cũng không vui bằng nhìn thấy những bộ áo dài khăn đóng được đủ thành phần, lứa tuổi khoác lên người giữa thời hiện đại như bây giờ.

Ở các trường học, mỗi năm thi Trạng Nguyên, tổ chức các chương trình mang tính dân gian, những bộ áo dài nhí lại được các em nhỏ biết đến.

Ai cũng nghĩ những chiếc áo dài mặc trong lễ cúng đình có dáng rộng suôn chắc may đơn giản nhưng thực tế không phải.

“Áo bình thường cần số đo trên cơ thể là may được, còn áo dài lễ phục không có số đo, tôi phải may sẵn và hình dung rồi may “truyền thần” không bộ nào giống bộ nào.

Quan trọng là người đến mua chỉ cần nhìn dáng dấp là tôi chọn cho họ đúng bộ vừa vặn. Bộ áo dài đẹp mặc lên người không chỉ thoải mái mà khớp đến từng chi tiết, từ cổ tay, bâu áo, rộng lưng, ngực…” – bà Hoa chia sẻ.

Chính vì cách may mường tượng rất khó này mà hơn 20 năm qua, bà có hàng trăm học trò nhưng đến nay chỉ 2 người có thể may được.

Một mẫu áo dài Trạng Nguyên do bà Hoa may dành cho khách hàng và khăn đóng do bà Hơn làm thủ công. Ảnh: MỸ HẠNH
Một mẫu áo dài Trạng Nguyên do bà Hoa may dành cho khách hàng và khăn đóng do bà Hơn làm thủ công. Ảnh: MỸ HẠNH

Đi kèm với áo dài lễ phục là chiếc khăn đóng mà dân gian thường gọi bằng cụm từ “khứa cá kho”. Nghề này duy nhất chỉ còn ông Phạm Công Thưởng, ấp Bờ Dâu, xã Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú) làm.

Ông Thưởng năm nay gần 90 tuổi, sức khỏe đã kém nên dạy lại cho con dâu nối nghề. “Danh tiếng” của ông được biết nhiều không chỉ vì ông là người duy nhất còn làm khăn đóng bằng thủ công mà bởi chất lượng, thẩm mỹ trong mỗi sản phẩm.

Chiếc khăn đóng đi kèm với áo dài mặc trong lễ cúng đình, cưới hỏi được xem là trang phục tôn nghiêm, trang trọng, người làm tôn trọng giá trị ấy ngay trong khi thực hiện từng chi tiết.

Từ phụ trợ ông những công đoạn nhỏ, nay bà Võ Thị Hơn, 47 tuổi đã làm rất thuần thục, như lĩnh hội trọn tài hoa ông truyền lại.

Ở những nơi có trưng sản phẩm do bà Hơn làm, ai cũng giới thiệu đây là loại khăn đóng đặc biệt, đẹp và bền nhất.

Ngoài các loại khăn đóng làm bằng giấy cứng dán keo, bà còn làm khăn bằng chất liệu bên ngoài bọc lụa, bên trong là loại mút mềm. Khăn này có thể xếp gọn bỏ vào túi, khi cần lấy ra đội không hề bị biến dạng.

Khéo léo nhất là kết từng lớp của khăn bằng chỉ may tay, không có sẵn khuôn mà chữ “Nhân” giữa khăn phải đều, ngay thẳng, từng lớp của khăn (khăn nữ 9 tầng, khăn nam 7 tầng) phải đều tăm tắp.

Kỹ thuật khó nên mỗi ngày bà chỉ làm được 2 chiếc khăn. Cũng như áo dài, ngoài làm khăn đội kèm áo dài trong lễ hội, bà còn làm khăn đóng cô dâu, chú rể, loại này đặc biệt khó và giá thành cao.

Tuy được xem là những “phụ hiện” không còn thông dụng, hoài cổ nhưng quanh năm bà Hơn làm khăn theo yêu cầu của khách không ngơi tay.

Bà rất vui vì đã tiếp nối thành công cái nghề cho ba chồng truyền cho, giữ được nét đẹp truyền thống không phải ai cũng can đảm theo đuổi.

Tìm một bộ áo dài đủ sắc màu kèm chiếc khăn đóng “hợp gu” ngày nay không khó. Những bộ áo dài cách tân, chiếc khăn đóng biến tấu đa dạng được giới trẻ hồ hởi tranh nhau diện.

Thế nhưng, với những bộ trang phục đúng nghĩa truyền thống, tìm những nghệ nhân còn cần mẩn làm từng món bằng thủ công… bây giờ không còn được mấy ai.

Ngày nào những lễ hội truyền thống ở làng xã còn giữ gìn, chúng ta vẫn phải cảm ơn những người thợ góp phần cho các nghi lễ, nghi thức thêm tôn nghiêm, trang trọng. 

Theo TTMT

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh