Nhộn nhịp làng nghề đóng xuồng, ghe mùa nước nổi

02:10, 25/10/2017

Làng nghề đóng xuồng, ghe Mỹ Hiệp (Chợ Mới) hình thành hơn 100 năm, tập trung từ tổ 5 đến tổ 13 của ấp Tây Thượng. Nơi đây đóng đủ các loại xuồng, ghe, từ ghe cà dom đến ghe hàng trăm tấn, vỏ lãi, xuồng lườn, xuồng cui... được tiêu thụ khắp vùng ĐBSCL và sang tận Campuchia.

Làng nghề đóng xuồng, ghe Mỹ Hiệp (Chợ Mới) hình thành hơn 100 năm, tập trung từ tổ 5 đến tổ 13 của ấp Tây Thượng. Nơi đây đóng đủ các loại xuồng, ghe, từ ghe cà dom đến ghe hàng trăm tấn, vỏ lãi, xuồng lườn, xuồng cui... được tiêu thụ khắp vùng ĐBSCL và sang tận Campuchia.

Sản phẩm tăng gấp đôi

Thời điểm này, thăm các hộ làm nghề, ai cũng tất bật bào, đục, trét chai, hoàn thành từng chiếc xuồng để kịp giao cho thương lái. Làng nghề hiện còn hơn 20 hộ hoạt động, bình quân 3 lao động/hộ. Ngoài ra, còn có đội quân đi đốn cây ở các vườn, thu nhập khoảng 120.000 đồng/người.

Riêng phụ nữ và trẻ em làm những công đoạn đơn giản như trét chay, đóng sạp... thu nhập cũng được 100 ngàn đồng/người/ngày.

Đại diện làng nghề xuồng, ghe Mỹ Hiệp Nguyễn Công Danh cho biết: “Năm nay, lũ cao hơn năm ngoái nên sản phẩm tăng gấp đôi.

Các hộ làng nghề được Nhà nước hỗ trợ vay vốn mua nguyên liệu. Năm 2016, có 20 hộ được vay vốn, mỗi hộ 15-20 triệu đồng, từ nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.

Năm 2017, theo nhu cầu của hộ làng nghề, huyện đã nâng mức cho vay lên 50 triệu đồng/hộ, người dân rất phấn khởi”.

Nhiều năm theo nghề đóng xuồng, ghe, vợ chồng chị Trần Thị Bích thuê lán trại đóng xuồng từ đầu mùa nước tới nay.

Chị Bích cho biết: “Tôi thuê 6 lao động, đóng bình quân 6 xuồng/ngày, loại xuồng 5m, bán giá 1 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 100.000 đồng/chiếc. Xuồng lớn hơn bán giá 1,5 -1,7 triệu đồng thì lời nhiều hơn”.

Cách đó khá xa, cha con anh Nguyễn Văn Hổ đóng được gần 80 chiếc xuồng. Anh Hổ phấn khởi: “Hơn 20 năm theo nghề đóng xuồng, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm.

Năm ngoái nước ít, nghỉ làm. Năm nay nước lớn, có thương lái đặt nên làm nhưng chỉ làm duy nhất loại xuồng 5m.

Trước đây, mỗi mùa làm 400-500 chiếc, nay cao lắm chừng 200 chiếc, nguyên liệu khan hiếm mà giá không tăng”.

Quanh làng nghề, nhiều người từ ông chủ, mấy chục năm gắn bó với nghề nay do thiếu vốn, xuồng tiêu thụ chậm, không làm chủ nữa mà cho thuê lán trại rồi làm thuê lại để tiếp tục theo nghề.

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Đón con nước lũ thượng nguồn, không khí làng nghề nhộn nhịp. Mừng, song cái khó của dân làng nghề ở đây rất cần nguồn vốn để mua nguyên liệu dự trữ.

Chính vì không có vốn, nên nhiều hộ đóng xong đợt xuồng phải đem đi tiêu thụ hết mới mua cây đóng đợt mới, nên chi phí đầu vào tăng, lợi nhuận thấp. Anh Danh cho biết: “Làng nghề được công nhận tháng 12-2006, tập trung trên 111 hộ, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 1.000 lao động, với mức thu nhập từ 180-200 ngàn đồng/người/ngày.

Từ năm 2008 đến nay còn 46 hộ và hiện chỉ còn khoảng 20 hộ hoạt động. Thị trường ngày càng eo hẹp do đơn hàng ở các huyện giáp biên như: Tịnh Biên, An Phú, Tri Tôn, TX. Tân Châu, Hồng Ngự (Đồng Tháp) đặt loại xuồng lườn.

Các tỉnh: Kiên Giang, Cần Thơ, Cà Mau trước đây tiêu thụ tốt, nay dân đã chuyển sang sử dụng các loại xuồng Composite.

Còn ghe lớn bây giờ người ta xài ghe sắt, không sử dụng ghe gỗ nữa”.

Anh Danh chia sẻ: “Tháng 5-2017, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết sẽ hỗ trợ 70 triệu đồng cho làng nghề mua trang thiết bị (5 triệu đồng/hộ), các hộ dân mừng lắm, nhưng quá trình làm thủ tục quá nhiêu khê, hướng dẫn nhiều lần từ tháng 5 đến tháng 9-2017 tôi đã hoàn tất, nhưng sau đó yêu cầu làm lại, nên tới nay vẫn chưa được hỗ trợ nguồn này”.

Các hộ làng nghề mong muốn được đầu tư về vốn, ứng dụng kỹ thuật, máy móc hiện đại, nâng cao tay nghề, hỗ trợ phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu và thị trường tiêu thụ ổn định, đào tạo đội ngũ thợ giỏi, lực lượng kế thừa, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tỉnh đang có hướng quy hoạch phát triển du lịch 3 xã Cù lao Giêng, nên cần nghiên cứu đa dạng sản phẩm làng nghề, như làm những chiếc xuồng, ghe nhỏ để trưng bày, nhằm quảng bá sản phẩm thông qua khách du lịch để ngày càng được nhiều người biết đến làng nghề đóng xuồng, ghe.

Đó cũng là cơ hội để thu hút đầu tư, tạo lực cho làng nghề trụ vững và phát triển.

Theo Báo An Giang

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh