Cảnh sắc thiên nhiên đậm nét hoang sơ, nguồn hải sản dồi dào, người dân thân thiện, đã khiến nhiều du khách một lần đến Hòn Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) lưu luyến mãi…
Cảnh sắc thiên nhiên đậm nét hoang sơ, nguồn hải sản dồi dào, người dân thân thiện, đã khiến nhiều du khách một lần đến Hòn Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) lưu luyến mãi…
Cảnh sắc Hòn Đá Bạc. |
Hòn Đá Bạc nằm sát bờ biển Tây, là một trong những điểm đến không thể bỏ qua với du khách về Cà Mau, vùng đất cuối của dải đất hình chữ S.
Kỳ bí, hoang sơ cùng với những tuyệt tác kỳ lạ của thiên nhiên, nơi đây hiện nổi lên như điểm “check in” mới của những người yêu xê dịch.
Hòn Đá Bạc có diện tích khoảng 6,43ha, là một cụm đảo còn giữ nguyên vẻ đẹp thiên nhiên bao gồm ba hòn lớn- nhỏ nằm gần nhau: Hòn Ông Ngộ, hòn Đá Lẻ và hòn Đá Bạc.
Trong cụm ba hòn này, nơi cao nhất phải đến 50m so với mực nước biển. Theo nhiều tài liệu ghi lại, Hòn Đá Bạc có niên đại khoảng 180 triệu năm (thuộc kỷ Jura giữa- Trung sinh).
Hòn Đá Bạc (hòn chính) gồm hai cụm đảo. Cụm thứ nhất khiến du khách lạc vào khung cảnh đẹp tuyệt của những khu rừng nguyên sinh, núi đá sừng sững và bờ biển tung bọt trắng xóa, đua nhau xô bờ. Bạn có thể hòa mình vào làn nước mát nơi đây.
Cụm thứ hai lại sở hữu vẻ đẹp của chốn thần tiên với Sân Tiên, Giếng Tiên, Bàn Chân Tiên, Bàn Tay Tiên.
Du khách còn ví hòn như viên ngọc nổi lên giữa biển vì được nối với đất liền bởi cây cầu dài hơn 400m. Từ đất liền du khách có thể đi bộ ra hòn.
Cảm giác đi bộ trên biển, vừa ngắm cảnh biển và tàu thuyền của ngư dân, hít thở khí trời rất dễ chịu. Nếu không, du khách dùng dịch vụ xe điện.
Từ trên xe, có thể nhìn thấy vô số những viên đá xếp chồng lên nhau, tạo thành những hình thù hết sức độc đáo.
Bên cạnh đó, Hòn Đá Bạc còn có cả một hệ sinh thái rừng vô cùng phong phú, đa dạng với các mảng rừng và thảm thực vật nguyên sinh quý hiếm. Đây chính là nét chấm phá kỳ diệu mà thiên nhiên ban tặng cho tỉnh Cà Mau.
Bộ xương Ông dài 12m. |
Nơi đây còn hội tụ nhiều giá trị tâm linh của người dân miền biển như: Lăng Ông Hải Nam- nơi trưng bày bộ xương cá voi khổng lồ dài khoảng 12m.
Du khách viếng Lăng được nghe người giữ đền kể câu chuyện huyền bí về Ông cứu người bị nạn trên biển. Khi Ông lụy, dạt vào bờ, ngư dân chôn cất.
Sau đó, xương được mang lên đỉnh Hòn Đá Bạc thờ cúng để Ông luôn phù hộ cho ngư dân trong những chuyến ra khơi.
Điểm đến này còn in đậm những dấu tích lịch sử, là địa điểm diễn ra chuyên án CM12- đánh bại cuộc phá hoại, âm mưu lật đổ chế độ do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu.
Năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Hòn Đá Bạc- Trung tâm chỉ huy kế hoạch phản gián CM12 là di tích lịch sử Quốc gia. Bộ Công an và tỉnh Cà Mau đã xây dựng tượng đài chiến thắng, nhà truyền thống tại khu di tích này.
Hòn Đá Bạc còn là nơi sinh sản, trú ngụ của loài hàu. Từ năm này sang năm khác, loài hàu ấy cứ bám mình vào các tảng đá ngầm để sinh sôi, nẩy nở.
Khi thủy triều xuống, du khách có thể tự tay đục hàu. Hòn còn được thiên nhiên ưu đãi nhiều loại cá ngon như cá ngát, cá hang, cá mú...
Còn gì hứng thú hơn khi ngồi ngắm biển, buông cần câu cá, mực... Giá thuê cần câu ở đây 20.000 đồng/cần kèm mồi câu.
Việc di chuyển quanh “hòn ngọc biển Tây” này vô cùng thuận tiện, mát mẻ bởi đường đi được thiết kế hài hòa với thiên nhiên, không phá vỡ cảnh quan thơ mộng và hùng vĩ nơi đây.
Theo Báo Cần Thơ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin