Đến đất sen hồng nhớ ghé thăm đền thờ cụ Phó bảng

11:09, 21/09/2017

Khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tọa lạc trên đường Phạm Hữu Lầu, phường 4, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) là một trong những di tích thiêng liêng mà du khách không thể bỏ lỡ khi đến với đất sen hồng.

Khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tọa lạc trên đường Phạm Hữu Lầu, phường 4, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) là một trong những di tích thiêng liêng mà du khách không thể bỏ lỡ khi đến với đất sen hồng.

Quần thể kiến trúc văn hóa độc đáo này được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích cấp quốc gia ngày 9/4/1992. 

Khu mộ cụ Phó bảng được xây dựng rất bề thế, uy nghiêm.
Khu mộ cụ Phó bảng được xây dựng rất bề thế, uy nghiêm.

Khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được xây dựng trên tổng diện tích 10 ha và chia thành nhiều khu vực: Khu lăng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhà sàn Bác Hồ, tái hiện không gian làng Hòa An,…

Ngôi mộ cụ Phó bảng được ốp bằng đá hoa cương và quay về hướng đông. Trên mộ có một đỉnh trầm bằng đá ngũ hành sơn, ngày đêm khói hương thơm ngát. Phần mái vòm có hình cánh hoa sen màu trắng, có tượng chín con rồng được đắp nổi tượng trưng cho chín nhánh Cửu Long luôn che chở và bảo vệ ngôi mộ người chí sĩ yêu nước.

Xung quanh khuôn viên lăng mộ còn được bao bọc bởi rất nhiều các loại cây cảnh, hoa trái quý hiếm được bà con khắp cả nước mang về trồng lưu niệm. Nổi bật là cây khế gần 300 tuổi và cây sộp hơn 300 tuổi. 

Phía trước mộ có một ao sen hình ngôi sao 5 cánh, chính giữa có đài sen trắng cách điệu mang ngụ ý về cuộc đời thanh bạch của cụ Phó bảng thuở sinh tiền và cũng là biểu tượng cho quê hương Đồng Tháp. 

Khu di tích không chỉ là điểm đến quen thuộc của nhiều bà con bản địa mà còn được rất nhiều du khách quan tâm. Người ta đến đây không chỉ để tham quan mà cái chính yếu là để đốt nén nhang tỏ lòng thành kính, biết ơn vô bờ đối với bậc hiền tài, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Cách đó không xa là nhà truyền thống- nhằm giới thiệu thân thế, sự nghiệp cụ Phó bảng bằng những hình ảnh, tư liệu mang tính khoa học, đặc biệt là căn cứ “Nhất triều đăng khoa lục” xác minh rõ cụ thi đỗ Phó bảng năm Thành Thái thứ 16.

Cụ vào Huế làm Tri huyện từ tháng 10/1909 đến tháng 1/1910. Cụ vào Sài Gòn năm 1911 và đến năm 1920 cụ trở ra Phan Thiết đến năm 1923. 

Sau thời gian này, cụ đến Mỹ Tho, rồi Long Xuyên, Châu Đốc,…và cuối cùng cư trú tại Cao Lãnh rồi mất năm Kỷ Tỵ (26/11/1929).

 Những ngôi nhà bát dần, nhà chữ đinh, nhà nọc ngựa được tái hiện trong không gian làng Hòa An.
Nhà sàn, ao cá được xây dựng theo mô hình nguyên bản của nhà sàn Bác Hồ ở Thủ đô Hà Nội.

Theo những gì được người dân truyền tai nhau cho đến ngày nay, thì trước đây nơi này là khu vực hoang vu, rất ít người lui tới “ lâu lắm mới có một vài người đến cúng vái gọi là Miếu Trời sanh”, tuy nhiên, không lâu sau đó đã được trùng tu lại trông khá đẹp mắt.

 Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, mặc dù giặc theo dõi gắt gao nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân địa phương vẫn thường xuyên chăm sóc mộ cụ. 

Thậm chí chúng còn luân phiên canh gác suốt ngày đêm vào dịp thanh minh hay ngày lễ. Song, khi mặt trời vừa ló dạng là chúng phải giật mình ngạc nhiên vì ngôi mộ đã được quét vôi mới trắng tinh.

Với không gian thoáng đãng, các công trình được bố trí độc lập nhưng có sự liên kết, ngập tràn sen hồng và bóng cây cổ thụ.

Khu vực nhà sàn Bác Hồ và vườn ao cá, với tỷ lệ xây dựng 1/1, đến đây khách tham quan như được tận mắt nhìn thấy không gian làm việc của Bác Hồ lúc sinh thời tại Thủ đô Hà Nội.

Bước qua cây cầu tre, chúng ta lại được sống trong không gian yên ả, thanh bình của làng Hòa An xưa- nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc về để truyền bá chủ nghĩa yêu nước những năm tháng cuối đời.

 Nhà sàn, ao cá được xây dựng theo mô hình nguyên bản của nhà sàn Bác Hồ ở Thủ đô Hà Nội.

Những ngôi nhà bát dần, nhà chữ đinh, nhà nọc ngựa được tái hiện trong không gian làng Hòa An.

Bước qua cầu vào làng, hình ảnh đầu tiên là bức tượng của cụ Nguyễn Sinh Sắc được tạc bằng đá  đặt  trên một bệ cao, với chiếc áo nâu, túi vải về làng trong một dáng vẻ nho nhã, giản dị. Men theo con đường làng, len lỏi qua hàng cây xanh mướt, con rạch nhỏ uốn lượn những ngôi nhà bát dần, nhà chữ đinh, nhà nọc ngựa dần hiện ra rất nên thơ…

“Đến đây đốt nhang cho cụ xong thì đi dạo vòng vòng, chụp hình, cây cối mát mẻ trong lành rất thoải mái. Tôi và bạn bè đến đây thường lắm. Nhiều người bạn của tôi ở tỉnh khác lại cũng rất thích nơi này”- chị Hồ Thanh Phương- ngụ phường 6, TP Cao Lãnh tươi cười nói.

Cô Nguyễn Thị Bích Thủy đến từ tỉnh Nghệ An cho biết, cô cùng đoàn hơn 20 người có chuyến du lịch rất thú vị khi đến với miệt sông nước miền Tây.  “Tôi vô cùng xúc động khi được đến đây thăm mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Ông đã có giấc ngủ rất bình yên, rất đẹp ở nơi đây và được hương khói vô cùng chu đáo”- cô Thủy bộc bạch.

Mỗi năm và các dịp lễ, giỗ ... du khách lại rủ nhau về khu di tích viếng thăm lăng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.  UBND tỉnh Đồng Tháp đã quyết định nâng ngày giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc lên thành lễ hội với nhiều hoạt động trọng thể nhưng không kém phần sinh động, hấp dẫn.

Hằng năm cứ vào 27/10 âm lịch, bà con từ khắp các tỉnh, thành, mang theo những sản vật của địa phương dâng viếng trước anh linh cụ trong không khí trang nghiêm, vui vầy như một ngày hội lớn, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Bài, ảnh: NGỌC LIỄU

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh