Mùa nước nổi ở ĐBSCL: Nỗi lo đan xen niềm vui

02:08, 05/08/2017

Sau nhiều năm vắng bóng, một mùa nước nổi tất bật với nhiều kế mưu sinh đang mở ra cho cư dân đất Chín Rồng.

 

Sau nhiều năm vắng bóng, một mùa nước nổi tất bật với nhiều kế mưu sinh đang mở ra cho cư dân đất Chín Rồng.

Nhiều nông dân đã có thu nhập từ vài trăm ngàn đồng đến cả triệu đồng trong ngày nhờ đánh bắt và bán cá linh.
Nhiều nông dân đã có thu nhập từ vài trăm ngàn đồng đến cả triệu đồng trong ngày nhờ đánh bắt và bán cá linh.

Không nên chủ quan

Nước lũ đang đổ về mạnh ở 3 tỉnh đầu nguồn Long An, An Giang và Đồng Tháp. Những ngày đầu tháng 8, hàng ngàn người dân ở vùng đầu nguồn phải cật lực thu hoạch lúa chạy lũ.

Trong khi đó, nhiều người dân ở Đồng Tháp bỏ làm một vụ lúa, xả lũ để đón phù sa và nguồn cá đồng. Tại Long An, An Giang đã có hàng ngàn héc-ta lúa bị nước lũ chụp đồng gây thiệt hại nặng cho nông dân.

Nước lên từng ngày, có khi trong ngày lên cả tấc nước. Đây là điều mà anh Bảy Tấn, ở xã Bình Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang không lường trước. Hiện anh đang huy động cả gia đình để lấy đất vô bao kê kích gia cố bờ bao bảo vệ lúa.

“Giữ được ngày nào hay ngày đó, nếu nước lên nhanh nữa, chắc gia đình phải thu hoạch sớm, có thiệt hại chút ít còn hơn mất trắng khi nước lũ chụp đồng” - đây không chỉ là nỗi lo của anh Bảy Tấn mà hàng trăm người dân ở xã Bình Phú, huyện Châu Phú lo lắng.

Chính quyền địa phương cũng đang vận động người dân thuê xáng múc đất, gia cố đê bao bảo vệ lúa. Vụ lúa Hè thu này, tỉnh An Giang đã xuống giống trên 230.000ha và đã thu hoạch gần 40% diện tích. Hiện có hàng ngàn héc-ta lúa thuộc vùng đê bao lửng, thấp và yếu bị nước lũ uy hiếp.

Trong khi đó, ở Đồng Tháp Mười - tỉnh Long An mực nước diễn biến nhanh gây khó khăn và nhiều thiệt hại cho người dân. Tại xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, nông dân bấm bụng thu hoạch gần 120ha lúa non (lúa chưa đến kỳ thu hoạch) trong số 1.200ha vừa thu hoạch.

Theo lãnh đạo địa phương, nếu mực nước tiếp tục dâng trong những ngày tới thì có 1.500ha lúa của xã bị thiệt hại, thậm chí có nguy cơ mất trắng. Toàn tỉnh Long An, có khoảng 30.000ha lúa Hè thu rơi vào diện bị nước lũ uy hiếp nghiêm trọng.

Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn các tỉnh trong vùng thì lũ năm nay sẽ khá lớn. Ở các vùng trũng thấp, người dân nên nhanh chóng thu hoạch lúa, hoa màu trước khi nước lên cao.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Long An, trước mắt tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí cho các địa phương nhằm chủ động gia cố cấp bách các tuyến đê bao để ngăn lũ sớm. Mặt khác, cho triển khai thi công tích cực các công trình chống lũ.

Cùng lúc này, 3 địa phương đang chịu sự uy hiếp của nước lũ đổ về ở đầu nguồn là Long An, Đồng Tháp, An Giang đang khẩn trương triển khai các giải pháp để ngăn lũ, cứu lúa.

Chủ yếu là tập trung lực lượng, tổ chức các phương tiện cơ giới gia cố các tuyến đê bao, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Đồng thời huy động lực lượng quân sự, dân quân, đoàn viên, thanh niên… xuống xã thu hoạch lúa giúp dân.

Sau nhiều năm vắng nước lũ, đã xuất hiện tình trạng một số địa phương chủ quan trong việc điều hành phương án sản xuất để người dân chủ động sống chung với lũ.

Cụ thể, khi lúa Hè thu bị nước lũ đe dọa đã có cán bộ lãnh đạo giải thích kiểu: Diện tích lúa bị ngập lũ sớm phần lớn thuộc những vùng trũng, dân không đồng tình hiến đất để làm đê bao.

Hay kiểu lúa bị lũ chụp đồng là do nông dân trồng lúa ngoài vùng đê bao… Đây là cách giải thích thiếu trách nhiệm của địa phương, vì chưa chủ động có giải pháp hữu hiệu để bảo vệ sinh kế cho người dân.

Nước nhảy bờ

Nhiều năm vắng lũ, nông dân ĐBSCL rất mong chờ con nước sẽ về để bồi bổ phù sa cho đồng bằng.

Phần lớn người dân trong vùng đã chuẩn bị tâm thế đón mùa nước. Những hình ảnh hàng đoàn cứu trợ cho dân nghèo, những mái nhà bị nước lũ chòm qua, những lều tạm của người dân chạy lũ đã lùi xa vào ký ức của hơn 10 năm trước. Thay vào đó là những hình ảnh sống động của người dân như gửi gắm tâm sự “chung sống với lũ”.

Mùa khô đã đi qua. Những cư dân ở vùng ven biển các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang… năm nay thở phào khi không phải đối diện với hạn - mặn khốc liệt như mùa khô năm 2016. Những cơn mưa liên tục, lượng nước từ sông Mekong đổ về cao hơn những năm trước đã đẩy lùi nỗi lo hạn - mặn của cư dân đất Chín Rồng.

Mấy ngày nay, ông Phạm Út, ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, theo dõi sát sao mực nước trên sông. Thường Phước 1 là một trong những xã nằm tiếp giáp biên giới với Campuchia.

Năm nay đã 70 tuổi, ông Phạm Út cũng nhận ra đất sản xuất lúa 3 vụ/năm cũng bạc màu.

Chính vì vậy, ông cũng rất thoải mái bỏ đất trống không làm lúa Hè thu để chuẩn bị xả lũ đón con nước vào khu vực đê bao khép kín theo chủ trương của huyện Hồng Ngự. Còn lão nông Ba Nô (Trần Văn Nô), 65 tuổi ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, đang háo hức với nghề đặt xà di bắt cá rô và trúm bắt lươn.

Ngoài tự tạo các món ăn cho gia đình, nghề này còn giúp ông Ba Nô kiếm từ 100.000-200.000 đồng/ngày. Hàng xóm của Ba Nô là lão nông Ba Dũng đang khẩn trương tu sửa lại chiếc chẹt để sẵn sàng đánh bắt cá tôm khi mùa nước nổi về.  

Một thời, nông dân miền Tây phải cật lực tìm cách để “chung sống với lũ”, trong đó lo nhất là chỗ định cư.

Chính phủ đã có nhiều chính sách như cho vay tôn nền nhà vượt lũ, rồi nhà trên cọc và hiện nay là các cụm, tuyến dân cư gắn với các đề án kinh tế khai thác mùa nước nổi dần ổn định cuộc sống người dân. Các đê bao khép kín cũng lần lượt được xây dựng để giúp nông dân bảo vệ lúa khi lũ về.

Thế nhưng, nước từ sông Mekong cứ giảm dần, nhiều năm ĐBSCL không còn mùa nước nổi. Kéo theo nguồn thủy sản giảm mạnh, nghề đánh bắt thủy sản cũng thất thu; các nghề truyền thống như đan lưới, làm ghe xuồng… cũng thưa dần.

Mấy ngày nay, ông Phạm Út cứ ra mé sông để xem con nước. Chắc ông cũng như nhiều người dân ĐBSCL luôn lo lắng về tình trạng các nước trên sông Mekong liên tiếp đua nhau xây dựng các đập thủy điện gây ra những tác động khó lường cho vùng hạ lưu ĐBSCL.

Những thông tin đầu tiên về mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ cao hơn trung bình nhiều năm 0,5m đã tạo ra tín hiệu “mùa nước nổi sẽ đẹp hơn”.

Các địa phương tận dụng xả lũ, rửa trôi các chất tồn dư bảo vệ thực vật, nguồn lợi thủy sản sẽ gia tăng, nhiều người sẽ có kế mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá. Khi mùa nước nổi về cũng là cơ hội để các địa phương tích trữ nước ngọt cân bằng cung cấp lại cho mùa hạn - mặn trong vùng.

Những ngày qua, người dân đã bắt đầu đánh bắt các mẻ cá linh đầu mùa. Cùng lúc này điên điển trổ bông đã tạo ra món đặc sản, khoái khẩu mùa nước nổi cá linh kho lạc, kèm bông điên điển.

Nhìn con nước ông Phạm Bảy bảo: “Năm nay nước sẽ nhảy bờ”! Đây là cách nói của người sống cố cựu ở Nam bộ để nhận định về mùa nước nổi phong phú. Câu chuyện ngóng mùa nước nổi của ông Phạm Út ở Thường Phước - Hồng Ngự không chỉ mở ra sinh kế đánh bắt cá mà còn tạo ra không gian du lịch lý tưởng cho mùa nước nổi.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong những ngày đầu tháng 8/2017, mực nước trên sông tiếp tục lên: tại Tân Châu đạt 3m, tại Châu Đốc ở mức 2,41m, cao hơn cùng kỳ trung bình nhiều năm từ 0,5-0,6m. Dự báo trong tháng 8/2017, nước lũ sẽ đạt mức báo động I, tại Tân Châu và Châu Đốc.


Theo Hậu Giang Online

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh