ĐBSCL phập phồng lúa thu đông

04:08, 01/08/2017

Nông dân các tỉnh ĐBSCL đang triển khai SX vụ lúa thu đông 2017 trong tâm trạng phập phồng do lo ngại dịch bệnh, lũ lớn xuất hiện sớm...

Nông dân các tỉnh ĐBSCL đang triển khai SX vụ lúa thu đông 2017 trong tâm trạng phập phồng do lo ngại dịch bệnh, lũ lớn xuất hiện sớm...

Nông dân An Giang SX lúa TĐ trong đê bao an toàn
Nông dân An Giang SX lúa TĐ trong đê bao an toàn

Nông dân các tỉnh ĐBSCL đang triển khai SX vụ lúa thu đông 2017 trong tâm trạng phập phồng do lo ngại dịch bệnh, lũ lớn xuất hiện sớm và mưa bão liên tiếp vào thời điểm gieo sạ gây thiệt hại về giống, đê bao… đồng thời còn ảnh hưởng đến năng suất khi thu hoạch.  

Ứng phó với mưa, lũ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong cuối tháng 7 mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu dao động khoảng 2,85m; trên sông Hậu tại Châu Đốc dao động khoảng 2,45m, cao hơn cùng kỳ khoảng 0,4m.

Nước lũ đang lên cũng là lúc các ngành chức năng ở ĐBSCL và người dân khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó.

Vụ lúa TĐ 2017, ngành nông nghiệp Kiên Giang có kế hoạch xuống giống 90.000ha, tập trung ở các huyện trọng điểm về SX lúa như Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, Châu Thành, Hòn Đất…

Ông Trần Quang Giàu, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Kiên Giang cho biết, đến nay nông dân trong huyện đã xuống giống được hơn 80.000ha, lúa đang trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng những cơn mưa lớn liên tiếp của 2 cơn bão số 3 và 4, đã làm khoảng 1.600ha lúa mới gieo sạ bị thiệt hại, do ngập úng cục bộ, gây chết giống phải sạ lại.

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Hiệp Nguyễn Văn Mạnh cho biết, vụ lúa TĐ năm nay huyện có kế hoạch xuống giống 32.000ha nhưng chỉ tiêu trên giao là 33.000ha, nhằm bù đắp sản lượng lúa chung của tỉnh bị sụt giảm do thiên tai và dịch bệnh ở các vụ lúa trước trong năm.

Đến nay, nông dân đã gieo sạ được 32.200ha nhưng do ảnh hưởng mưa bão cục bộ, gây ngập úng làm thiệt hại khoảng 1.030ha.

Trong đó, gây mất giống từ 20 - 30% là 500ha, nông dân đã nỗ lực cấy dậm lại, đảm bảo mật độ gieo sạ. Còn lại mức độ thiệt hại trên 50%, một số diện tích nông dân phải gieo sạ lại, làm tăng chi phí SX.

Về ảnh hưởng tình hình lũ sớm, theo ông Mạnh, do huyện đã chủ động được hệ thống đê bao nên không đáng lo ngại. Tuy nhiên, trong trường hợp mưa lớn kéo dài, diện tích canh tác lúa sẽ bị ảnh hưởng do ngập úng cục bộ, gây đỗ ngả, ảnh hưởng năng suất.

Vụ lúa TĐ 2017 An Giang có hơn 400 tiểu vùng đê bao an toàn cho phép xuống giống lúa khoảng 179.729ha và 16.000ha rau màu, nuôi trồng thủy sản mùa lũ.

Bên cạnh đó những diện tích đê bao không an toàn hoặc ngoài đê bao An Giang khuyến cáo không cho người dân xuống giống mà thực hiện xả lũ cho 26 tiểu vùng này với diện tích 21.190ha tập trung các huyện Tri Tôn, Châu Phú, Tịnh Biên, Phú Tân… nhằm lấy phù sa vào đồng ruộng, diệt các mầm bệnh và sâu hại trong đất.  

Đảm bảo ăn chắc

Ông Trần Anh Thư, GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Năm nay mưa và lũ xuất hiện sớm và cao hơn trung bình nhiều năm, là vấn đề lo ngại. Ngành nông nghiệp hỗ trợ nông dân áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” để hạ giá thành, tăng lợi nhuận.

Đồng thời tổ chức kiểm tra hiện trạng các công trình thủy lợi, trạm bơm điện trên địa bàn tỉnh để có kế hoạch duy tu sửa chữa nhằm đảm bảo ăn chắc diện tích SX vụ TĐ. Bên cạnh đó đẩy mạnh liên kết SX theo mô hình cánh đồng lớn, chuỗi liên kết SX và tiêu thụ rau màu...

Để đảm bảo vụ TĐ ăn chắc, các địa phương gia cố đê bao
Để đảm bảo vụ TĐ ăn chắc, các địa phương gia cố đê bao

Tại Vĩnh Long, vùng hạ lưu vụ TĐ 2017 toàn tỉnh đã xuống giống được 36.451ha lúa, hoa màu (đạt 65,7%), còn gần 19.000ha chưa xuống giống và khoảng 3.500ha lúa HT chưa thu hoạch.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Vĩnh Long, tại trạm Mỹ Thuận mực nước tháng 8, tháng 9 sẽ đạt xấp xỉ mức báo động 2, tháng 10, tháng 11 mực nước có thể cao hơn, ở mức 1,9 - 2m cao hơn báo động 3.

Nếu kịch bản lũ năm nay ở mức cao, lớn như năm 2011 thì khoảng 16.300ha đất lúa, hoa màu trong vụ TĐ này sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị lũ ảnh hưởng gây thiệt hại lớn. Còn nếu như dự báo chỉ ở mức báo động 3 thì vẫn còn 2.400ha đất lúa, hoa màu bị ảnh nguy cơ lũ đe dọa.

Ông Hà Thành Thặng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Vĩnh Long cho biết: “Bà con nông dân cần thường xuyên theo dõi các chương trình thời tiết của báo đài để kịp thời nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của mưa, bão, lũ lụt và có kế hoạch ứng phó;

đẩy nhanh tiến độ thu hoạch vụ lúa HT trễ vụ, cũng như chằng chống nhà cửa đề phòng gió lớn và lốc xoáy. Những khu vực nào không thực hiện gieo sạ vụ TĐ này, với điều điện đê bao đảm bảo nên thực hiện xả lũ để rửa độc, rửa phèn, tái tạo phù sa độ màu mỡ cho đất”...

Theo Bộ NN-PTNT, tính đến cuối tháng 7, các tỉnh ĐBSCL đã xuống giống đạt 355.400ha lúa TĐ, thấp hơn 34.000ha, tương ứng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Diện tích lúa TĐ năm nay tập trung nhiều ở các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang, Hậu Giang và Long An. Để SX đạt hiệu quả, một số địa phương khuyến cáo nông dân chỉ xuống giống trong vùng đê bao vượt lũ an toàn, đảm bảo thời gian cách ly giữa các vụ. Hiện lúa TĐ đang ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh đến làm đòng, sinh trưởng và phát triển khá tốt.

Theo HOÀNG VŨ - ĐÀO CHÁNH - MINH ĐẢM (Nông Nghiệp)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh