ĐBSCL: Cần chủ động "chọn kịch bản" để thích ứng với nhiều thách thức khắc nghiệt

10:06, 05/06/2017

Hết hạn, mặn nghiêm trọng đến sạt lở, sụp lún tràn lan. Chưa bao giờ ĐBSCL trở thành "nạn nhân" nghiêm trọng ở hạ lưu do toan tính sai lầm ở thượng nguồn mà chủ yếu do việc phát triển thủy điện trên dòng Mê Công. 

Hết hạn, mặn nghiêm trọng đến sạt lở, sụp lún tràn lan. Chưa bao giờ ĐBSCL trở thành “nạn nhân” nghiêm trọng ở hạ lưu do toan tính sai lầm ở thượng nguồn mà chủ yếu do việc phát triển thủy điện trên dòng Mê Công.

Nước là nguồn tài nguyên vô giá nhưng không phải vô tận. Các nhà khoa học, các nhà báo trong khu vực đã đồng lên tiếng kêu gọi sự chia sẻ nguồn nước có trách nhiệm, giảm thiểu những tác động đến sinh kế của hàng chục triệu người dân sống nhờ nguồn nước sông Mê Công.

ĐBSCL ngày càng đối diện nhiều thách thức do tác động khai thác quá mức từ sông Mê Công.
ĐBSCL ngày càng đối diện nhiều thách thức do tác động khai thác quá mức từ sông Mê Công.

Đồng bằng sông Cửu Long sẽ không còn “lũ đẹp” !

“Chúng tôi, những người ở hạ nguồn chia sẻ những lo lắng về sự phát triển của hệ thống đập trên dòng Mê Công đến các nước thượng nguồn. Đặc biệt là Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Chúng tôi hy vọng, những lo lắng của cư dân vùng hạ nguồn sẽ được các phương tiện truyền thông truyền tải thông điệp đến các quốc gia trong vùng thượng nguồn”, PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, chia sẻ lo lắng.

Thách thức an ninh nguồn nước sông Mê Công và câu chuyện ĐBSCL đối diện nhiều thách thức là vấn đề mà các nhà khoa học đang lo lắng.

Trong khi chờ tổng hợp với các đánh giá khác (thủy điện, chuyển nước ra ngoài lưu vực,...), việc các nước thượng lưu xây dựng các dự án lấy/chuyển nước trong lưu vực Mê Công là đáng quan ngại cho ĐBSCL.

Nếu các dự án này chỉ lấy nước mùa mưa, thì cùng với điều tiết của các đập thủy điện (cả dòng chính và dòng nhánh), còn đâu “lũ đẹp” cho đồng bằng”.

Tiến sĩ Dương Văn Ni (Trường Đại học Cần Thơ) đã kể một câu chuyện khá “nhẹ nhàng” nhưng đáng giật mình: Ở Campuchia, những đứa trẻ mất cả ngày bắt cá ở ao.

“Năm ngoái bọn cháu bắt được 10kg ở ao, còn giờ không được nổi 2kg”. Chúng không biết rằng: Nước không còn chảy tràn qua bờ sông nên cá không vào được, hoặc do tác động nào khác nữa?

Còn ở Việt Nam, trong năm 2015-2016, khô hạn và xâm nhập mặn đã gây hại cho 500.000ha lúa nước, thiệt hại 200.000 tấn lúa và khoảng 50 triệu USD.

Ngoài ra còn hàng triệu người dân thiếu nước ngọt trong mùa khô hạn. Và hiện nay ĐBSCL đang chịu những tổn thương khủng khiếp đó là sạt lở, sụt lún tràn lan, làm mất ít nhất 500ha đất/năm!

Đáng lo ngại hơn, chỉ tính đến thời điểm hiện nay, lượng phù sa từ 160 triệu tấn đã giảm xuống còn 75 triệu tấn (giảm hơn 1/2) do các đập thủy điện từ Trung Quốc.

Trong tương lai gần, sẽ có thêm nhiều đập thủy điện trên dòng Mê Công, ĐBSCL không chỉ lo ngại về an ninh nguồn nước mà còn lo thiếu phù sa bồi bổ cho các vùng đất.

Sạt lở, hạn hán đã tác động mạnh đến sinh kế của người dân. Không chỉ là chạy sạt lở mà nhiều người dân ở các vùng đất khó do thời tiết cực đoan gây ra đã bắt đầu làn sóng di dân.

Các nhà khoa học cảnh báo, sự thay đổi về nơi sản xuất, nơi cư  trú sẽ tạo ra xáo trộn mà chúng ta chưa hình dung hết.

Tự thích nghi để đảm bảo an ninh nguồn nước !

Câu chuyện ĐBSCL với gần 20 triệu dân, hàng năm sản xuất ra trên 25 triệu tấn gạo; cung cấp 1/5 lượng gạo xuất khẩu trên toàn thế giới lâu nay được xem như là vựa lúa của khu vực.

Giờ đứng trước những tác động khó lường từ nguồn nước sông Mê Công. Ngoài các đập thủy điện đã và đang xây dựng, việc các nước như Thái Lan, Lào, Campuchia đều gia tăng diện tích đất sản xuất và có kế hoạch lấy thêm nguồn nước từ dòng chính Mê Công để chuyển phục vụ tưới tiêu đang gây thêm áp lực cho ĐBSCL.

Gần như ĐBSCL không nhận được lợi ích nào từ việc phát triển các đập thủy điện nhưng vùng đất hạ lưu này ngày càng phải đối diện với muôn trùng thách thức: biến đổi khí hậu, suy giảm chất lượng nước, đất, sạt lở, khô hạn, mặn gia tăng xâm nhập sâu, nông nghiệp và thủy sản ngày càng chịu nhiều rủi ro, di dân…

Trước những tác động đã và đang diễn ra ở ĐBSCL, các nhà khoa học khuyến nghị: ĐBSCL nên xem xét lại bài toán “đánh đổi” nào phù hợp nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước.

Điều này có nghĩa là phải xem xét lại diện tích và cơ cấu mùa vụ sản xuất lúa. Theo đó, giảm diện tích lúa 3 vụ chuyển sang nuôi, trồng tiết kiệm nước.

Thay một phần diện tích lúa vụ 3 trong năm để tăng diện tích trữ nước trong mùa mưa để cung cấp cho mùa khô.

Đồng thời, thực hiện đô thị hóa thông minh và phát triển các thành phố thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; dừng việc khai thác cát và khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát.

“Bất kỳ sự phát triển nào ở lưu vực Mê Công đều nên quan tâm tới sự thay đổi nguồn nước (về số lượng, chất lượng, sự biến đổi, sự kết nối) hơn là chỉ quan tâm đến số lượng! Tác động của đập thủy điện với trầm tích (chất lượng) quan trọng hơn lượng nước (số lượng).

Lâu nay, thế giới đánh giá rất cao vai trò của ĐBSCL trong cung cấp lúa gạo, thủy sản, trái cây… cho thế giới.

Chính vì vậy, các nước trong khu vực cũng cần cân nhắc đến vai trò của ĐBSCL để hạn chế các tác động tiêu cực từ các công trình có liên quan trong khu vực”, tiến sĩ Dương Văn Ni (Trường Đại học Cần Thơ) nhận định.

Chuyên gia quản lý lưu vực sông Nguyễn Nhân Quảng cho rằng: “Cần tiếp tục thu thập thông tin qua các nguồn khác nhau để có thể phân tích các tác động của việc khai thác tài nguyên nước Mê Công, kiến nghị với các cơ quan hữu quan có các giải pháp kịp thời.

Các bên liên quan trong câu chuyện hợp tác Mê Công, một mặt cần nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết sẵn có, đồng thời tiếp tục tìm kiếm các giải pháp thay thế, bao gồm cả việc thiết lập các cơ chế chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm trong vấn đề tài nguyên nước Mê Công”.

Theo Báo Hậu Giang

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh