Nhiều đại gia ngã giá mua 250-300 triệu đồng nhưng người dân địa phương không bán vì muốn giữ lại hồn cây quý.
Nhiều đại gia ngã giá mua 250-300 triệu đồng nhưng người dân địa phương không bán vì muốn giữ lại hồn cây quý.
Con đường dài gần 1 km thuộc ấp Sơn Phụng, xã Sơn Định (huyện Chợ Lách, Bến Tre) được trải bê tông thẳng tắp, khang trang. Khi đi qua con đường này, nhiều người tỏ vẻ ngạc nhiên bởi sự hiện diện của cây lộc vừng cổ thụ hàng trăm năm tuổi nằm trấn phong giữa ngã ba đường. Chính vì thế lâu nay con lộ Sơn Phụng còn có tên gọi là lộ vừng.
Lộc vừng cổ thụ hơn 100 tuổi
Theo quan sát của PV, thân cây lộc vừng cao khoảng 7 m, đường kính khoảng 50 cm. Dáng cây nằm nghiêng như hình lưng trâu. Ông Phan Chu Long (74 tuổi) ở ấp Sơn Phụng, xã Sơn Định cho biết: “Từ hồi tôi còn trẻ, cây lộc vừng này đã cao lớn lắm rồi. Tôi nghe mẹ tôi hồi còn sống kể lại cây này có tuổi đời trên 100 năm”.
Ông Long cũng cho biết thuở còn trẻ, ông cùng trẻ chăn trâu trong làng thường hay leo lên cây lộc vừng này vui đùa. “Có lẽ do vậy mà thân cây lộc vừng bị oằn và có dáng cong cong hình sống trâu như bây giờ” - ông Long nói.
Người dân còn kể trước đây xung quanh ngã ba này là cánh đồng rộng lớn. Mỗi ngày ra đồng, bà con nông dân thường hay quây quần nghỉ trưa dưới bóng mát cây lộc vừng sum suê này. “Ngày trước, cây lộc vừng chẳng có giá trị kinh tế gì nên chẳng ai để ý đến.
Cây nằm ở giáp ranh đất của ba hộ nên cũng chẳng ai giành cây để làm gì, chỉ để che mát thôi” - một người dân cho hay.
Người dân muốn giữ lại cây lộc vừng 100 tuổi như giữ gìn một kỷ niệm. Ảnh: ĐÔNG HÀ |
Giá cao cỡ nào cũng không bán
Ngày nay, lộc vừng được xem là loài cây quý và được giới cây cảnh săn lùng. Một người dân cho biết mấy năm trước có nhiều người chơi cây tìm đến ngỏ ý muốn mua cây lộc vừng trên với giá từ 250 triệu đến 300 triệu đồng.
Tuy nhiên, không ai đứng ra bán được bởi đây là cây nằm trên phần đất giao nhau của ba hộ dân.
“Hơn nữa, từ xưa tới nay trải qua nhiều đời vẫn không xác định được chủ nhân của cây quý là ai” - người dân này nói.
Người dân cũng cho biết thêm hằng năm cứ vào mùa gió chướng thổi, từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch, là “cụ” lộc vừng lại trổ bông. Bông lộc vừng tuôn dài, xõa từ trên cao xuống thơm phức, đỏ rực ở giữa ngã ba đường.
“Không biết độ linh thiêng của cây lộc vừng này đến đâu nhưng mọi người ở trong ấp này thường hay mang lễ vật đến cúng bái, cầu cho cuộc sống được bình yên, vượt qua bạo bệnh” - ông Chu Long tiết lộ.
Ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch UBND xã Sơn Định, cho biết năm 2013 có chủ trương làm đường nông thôn, xã đã định bán cây lộc vừng này để lấy kinh phí.
Nhưng lúc họp dân để xin ý kiến về việc bán cây thì đa số người dân đều xót, không muốn cây lộc vừng bị di chuyển hoặc bán đi. Người dân muốn giữ lại cây vì xem cây vừa như một di sản của làng quê, vừa để làm kỷ niệm. Do vậy từ đó đến nay cây vẫn còn đứng giữa ngã ba đường.
“Dù là cây quý và thuộc đồng sở hữu của ba hộ dân nhưng từ trước tới nay cây lộc vừng này không bị tranh chấp. Người dân xem như tài sản chung và muốn giữ lại cây chứ không muốn bán cho dù có trả giá cao đến cỡ nào” - ông Giang nói.
Cũng theo chính quyền xã Sơn Định, từ khi làm lộ thì phần đất cây mọc là đất của Nhà nước nên hiện giờ cây lộc vừng trên được Nhà nước quản lý chứ không còn của hộ dân.
Không chỉ vậy, tại lộ ấp Sơn Phụng, xã Sơn Định - cách cây lộc vừng chưa đầy 1 km, cũng ngay giữa ngã ba đường còn một cây gáo có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi.
Thân cây cao hơn 10 m, đường kính hơn nửa mét. Chính giữa gốc cây xuất hiện một cái bọng rỗng to, người dân lập bàn thờ trong ruột cây để thờ cúng. Theo chính quyền xã Sơn Định, đây được xem là các loài cây cổ thụ quý hiếm ở địa phương.
Theo ĐÔNG HÀ (PLO)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin