Đến với không gian lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần 6/2017 với chủ đề "Ngọt ngào hương vị phương Nam", du khách không chỉ được thưởng thức rất nhiều loại bánh mang cái hồn cốt của con người Nam Bộ, mà còn có cơ hội được tận mắt xem các công đoạn mà các nghệ nhân dày công để làm ra những chiếc bánh nhỏ nhắn và bắt mắt ấy.
Đến với không gian lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần 6/2017 với chủ đề “Ngọt ngào hương vị phương Nam”, du khách không chỉ được thưởng thức rất nhiều loại bánh mang cái hồn cốt của con người Nam Bộ, mà còn có cơ hội được tận mắt xem các công đoạn mà các nghệ nhân dày công để làm ra những chiếc bánh nhỏ nhắn và bắt mắt ấy.
Du khách tập trung tại các quầy bánh dân gian để được tận mắt xem các nghệ nhân làm bánh. |
Lễ hội thu hút trên 250 gian hàng trưng bày giới thiệu các loại bánh, ẩm thực dân gian, đặc sản vùng miền và nguyên liệu phụ trợ làm bánh.
Riêng bánh dân gian có hơn 100 loại, được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đến từ 15 tỉnh, thành trong cả nước.
Đặc biệt, trong lễ hội lần này còn có sự góp mặt của đại diện 8 quốc gia trên thế giới. Đây là dịp quảng bá hình ảnh về vùng đất, con người, văn hóa Nam Bộ với du khách gần xa thông qua việc giới thiệu các loại bánh mang đậm giá trị văn hóa ẩm thực, cốt cách của người dân Nam Bộ nói riêng và của Việt Nam nói chung.
“Đến đây thì ở lại đây”
Từ ngày đầu khai mạc, lễ hội đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan và thưởng thức. Những món bánh tỏa hương thơm, đủ sắc màu luôn có một sức hút lạ với nhiều người.
Chị Minh Thu là một thực khách đến từ TP.HCM tâm sự, chị vốn là dân gốc miền Tây “ở Bạc Liêu chứ đâu”, lấy chồng về TP.HCM. Từ nhỏ chị được mẹ mình làm cho ăn rất nhiều món bánh quê, “có thể nói bánh quê đã gắn liền với tuổi thơ tôi”.
“Chỉ có những dịp như vậy, tôi mới thấy nhiều loại bánh quê đến thế. Nào là bánh bò, bánh bèo, bánh dứa, bánh chuối,… những loại bánh gợi cho tôi nhiều kỷ niệm về người mẹ tần tảo của mình. Công việc bận rộn nhưng cứ hễ rảnh là bà lại làm bánh cho anh, em tôi ăn”- chị Thu vui vẻ nói.
“Đến đây thì ở lại đây, bao giờ bén rễ xanh cây thì về”, câu ca dao mà anh bạn tên Trí Hiền, ở tỉnh Khánh Hòa vẫn hay nói vui nơi cửa miệng khi lần đầu tiên anh được hòa cùng một lễ hội có hàng trăm loại bánh như thế này. “Tôi muốn ở luôn nơi này quá”- anh Hiền tươi cười nói thế!
Đến với lễ hội, du khách không chỉ được thưởng thức nhiều loại bánh được làm từ những nguyên liệu hết sức gần gũi có sẵn “trong vườn ngoài ngõ”, như: bột gạo, rau mơ, dừa,… mà còn được tận mắt chứng kiến các nghệ nhân khéo léo làm ra từng chiếc bánh trông rất ngon mắt.
Không chỉ vậy, nhiều loại bánh những tưởng đã “thất truyền” như: bánh canh gõ gáo dừa, bánh lá hẹ,… cũng được các nghệ nhân phục hồi và khéo léo “nhào nặn” để góp mặt trong lễ hội.
Cô Nguyễn Phượng Loan (TP Cần Thơ) - nghệ nhân làm bánh canh gáo dừa, tâm đắc bảo: “Tôi phải học cả năm trời mới làm được món bánh này từ mẹ tôi đó”. Nhìn ánh mắt cô Loan cũng đủ hiểu, niềm vui lớn lao của người nghệ nhân khi đã giữ gìn được các công đoạn để chế biến loại bánh, mà nay đã rất ít người biết.
Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ vừa giúp du khách hiểu thêm về quá trình vất vả để làm ra được những chiếc bánh thơm ngon, vừa giúp bánh dân gian Nam Bộ một lần nữa được quảng bá rộng rãi.
“Mong muốn kết nối được bánh dân gian vào các khu du lịch, các nhà hàng, khách sạn; được đặt trên những bàn tiệc, được liên kết với nhiều công ty du lịch để sản phẩm được sử dụng nhiều, các nghệ nhân có thu nhập ổn định và truyền nghề lại cho các thế hệ trẻ hơn”- đó là mong mỏi của ông Nguyễn Khánh Tùng- Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, Phó Ban tổ chức lễ hội. Và cũng là mong muốn của rất nhiều nghệ nhân làm bánh dân gian ở lễ hội này.
Thông điệp gửi ngày hôm nay
Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhiều loại bánh dân gian có nguồn gốc từ hàng trăm năm trước, khi những cư dân Việt đầu tiên đặt chân trên vùng đất này trong tiến trình khai hoang mở cõi.
Để trả ơn công đức của các bậc tiền nhân, những tiền hiền hậu hiền, những cư dân ngày xưa đã suy nghĩ, chế biến ra những loại bánh mà nguyên liệu là những thứ có được trong quá trình lao động vất vả.
Cô Bảy Muôn- nghệ nhân bánh dân gian thuộc phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) cho biết, theo lời ông bà kể lại thì ngày xưa, “sau khi dâng cúng tổ tiên, bà con họ hàng lối xóm cùng xúm xít lại để thưởng thức những loại bánh do người trong làng làm ra, rồi dần dà bổ sung, thêm thắt cho ra hương vị mà hôm nay chúng ta còn may mắn được thưởng thức”.
Những món bánh gắn liền với đời sống chân quê, rất đỗi bình dị của miền Tây Nam Bộ sẽ được du khách biết đến thông qua lễ hội này. |
Hàng trăm loại bánh dân gian, cũng là ngần ấy công sức, những suy tư, những thông điệp mang tính giáo dục, nhân văn được gửi vào từng chiếc bánh.
Cụ thể như bánh phu thê nhắc nhở người ta sống phải chung thủy; bánh bò, bánh gai nhắc người ta về công lao động vất vả để có hạt gạo, củ khoai; bánh gáng khuyên ai đó là việc phải chăm chỉ,“gắng” lao động để được nhiều thành quả...
Cứ thế, các loại bánh dân gian mang thông điệp của người xưa để truyền lại cho con cháu hôm nay, nhắc nhở nhau rằng sống phải có trước có sau, có thủy có chung, thuận đạo trời vui đạo nhà...
Những triết lý ấy không phải ai một lần thưởng thức đều có thể hiểu được. Nhưng như mạch ngầm trầm tích văn hóa, khi đã yêu thiết tha những loại bánh dân gian qua các mùa lễ hội, các thế hệ hôm nay sẽ nhận thức được giá trị văn hóa sâu thẳm mang các thông điệp từ người xưa, mà cố gắng giữ gìn và sống tử tế hơn, có ích hơn cho mình và cho mọi người!
Bài, ảnh: NGỌC LIỄU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin