Từ nay đến năm 2020, huyện Châu Thành (Hậu Giang) sẽ triển khai quy hoạch xây dựng vùng chuyên canh chanh không hạt ở xã Phú An, với quy mô 250ha. Bởi chanh không hạt đang được xem là loại nông sản thế mạnh, góp phần tăng thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác.
Từ nay đến năm 2020, huyện Châu Thành (Hậu Giang) sẽ triển khai quy hoạch xây dựng vùng chuyên canh chanh không hạt ở xã Phú An, với quy mô 250ha. Bởi chanh không hạt đang được xem là loại nông sản thế mạnh, góp phần tăng thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác.
Ông Nguyễn Trung Bình, Giám đốc HTX nông nghiệp Khánh Hội sẽ trợ giá cây giống chanh không hạt cho nông dân trong vùng quy hoạch. |
Sở dĩ xã Phú An là địa phương được ngành chuyên môn Châu Thành chọn để quy hoạch thành vùng nguyên liệu chanh không hạt của huyện là do điều kiện khí hậu, đất đai nơi đây thuận lợi cho loại cây trồng thế mạnh này.
Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Tống Hoàng Khôi thông tin: “Năm nay, xã Phú An được chọn để xây dựng 19 tiêu chí xã nông thôn mới.
Vì vậy, ngành chuyên môn huyện đã tích cực triển khai quy hoạch nông nghiệp trên địa bàn xã, góp phần giúp nông dân gia tăng hiệu quả sản xuất, hoàn thành tiêu chí thu nhập của xã nông thôn mới”.
Hiện xã Phú An có hơn 71ha chanh không hạt. Tuy nhiên, địa phương còn gần 90ha đất vườn kém hiệu quả cần được chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Mặt khác, xã có vị trí thuận tiện là giáp với thành phố Cần Thơ nên dễ dàng tập kết, vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ.
Vì vậy, theo kế hoạch, trong năm nay, Phú An sẽ giảm diện tích vườn tạp, vườn kém hiệu quả để mở rộng diện tích trồng chanh lên 100ha, từng bước phát triển thành vùng chuyên canh chanh không hạt 250ha vào năm 2020, tiếp tục tạo đà phát triển bền vững đến năm 2030.
Đặc biệt là xây dựng cánh đồng lớn chanh không hạt với quy mô 50ha tập trung tại ấp Khánh Hội B, xã Phú An.
Chưa kể, trên địa bàn xã Phú An hiện có 2 hợp tác xã chuyên sản xuất, kinh doanh cây giống chanh không hạt, đồng thời tham gia thực hiện công tác trợ giá cây giống và hỗ trợ phân bón cho nhà vườn.
Ông Nguyễn Trung Bình, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Hội, cho biết: “Hưởng ứng cùng với địa phương xây dựng cánh đồng lớn và vùng chuyên canh chanh không hạt, hợp tác xã sẽ trợ giá 2.000 đồng/cây giống để bà con giảm chi phí sản xuất.
Bên cạnh đó, hợp tác xã sẽ tiến hành thu mua sản phẩm và hỗ trợ cho bà con phân bón vi sinh để canh tác có hiệu quả, an toàn mà tiết giảm được chi phí đầu vào”.
Quan trọng là công tác quy hoạch vùng chuyên canh chanh không hạt đang nhận được sự ủng hộ tích cực của ngành nông nghiệp tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang Ngô Minh Long cho hay: “Thông qua các dự án, chương trình, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ hỗ trợ bà con 5.000 cây giống chanh không hạt mỗi năm.
Ngoài ra, ngành còn hỗ trợ bà con lắp đặt hệ thống tưới phun tự động trong vườn chanh, cũng như xây dựng tiêu chuẩn GlobalGAP, với quy mô 10ha để nông dân nắm vững kiến thức, đáp ứng được nhu cầu thị trường ngoài nước”.
Riêng về phía huyện sẽ hỗ trợ người dân thực hiện bằng cách tu bổ, nâng cấp các tuyến đê bao, cống đập, các tuyến giao thông phục vụ cho cánh đồng lớn trên chanh không hạt.
Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Tống Hoàng Khôi nhấn mạnh: “Vấn đề tiêu thụ nông sản là mối quan tâm hàng đầu của người dân, cũng như ngành chức năng huyện, tỉnh. Vì vậy, quy hoạch còn hướng tới thu hút doanh nghiệp đến ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm.
Trên cơ sở đề án của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đầu tư kinh phí 15,7 tỉ đồng cho phát triển chuỗi giá trị trên chanh không hạt, huyện sẽ đẩy mạnh kêu gọi các công ty, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế, chợ đầu mối tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân yên tâm canh tác”.
Phấn khởi với những định hướng thiết thực của ngành chuyên môn huyện, nhiều nông dân trong xã Phú An rất ủng hộ, đồng thời sẵn sàng chuyển đổi diện tích vườn tạp, kém hiệu quả để chuyển sang canh tác chanh không hạt theo quy hoạch.
Ông Phạm Thành Sấm, ở ấp Khánh Hòa, xã Phú An, kỳ vọng: “Tôi sẽ cải tạo lại 1,5 công chanh không hạt để trồng mới. Hy vọng, sau khi triển khai thực hiện theo quy hoạch, chúng tôi có thể làm giàu với loại cây trồng thế mạnh mà địa phương đã chọn”.
Theo Hậu Giang Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin