Cần Đước níu bước lãng du

12:04, 27/04/2017

Cần Đước với những con người cần cù lao động làm ăn và cần mẫn sáng tạo tạo nên những làng nghề truyền thống và những nét văn minh sông nước - miệt vườn. 

Tôi là du khách say sông nước.

Cần Đước em mời bước lãng du...

Con đò xưa nối đất liền Cần Đước với cù lao Long Hựu qua kênh Nước Mặn (nay có cầu, ai còn nhớ “cây đa cũ, bến đò xưa?”)

Cần Đước với những con người cần cù lao động làm ăn và cần mẫn sáng tạo tạo nên những làng nghề truyền thống và những nét văn minh sông nước - miệt vườn.

Cần Đước còn là huyện có nhiều di tích lịch sử - văn hóa và sinh thái vùng sông nước đáng để du lịch, xứng đáng được chọn xây dựng và công nhận huyện điểm điển hình về văn hóa của tỉnh Long An.

Xa cách chưa lâu, bây giờ về lại, thấy Cần Đước như mang một khuôn mặt mới, tươi trẻ hơn. Tôi đến xem mô hình nuôi tôm công nghệ cao của kỹ sư công nghệ thông tin Nguyễn Thanh Tuấn ở xã Tân Ân với hơn 3ha mặt nước, sáng lên một màu triển vọng như mong ước.

Tôi cũng đến xem vườn ổi gần 1ha của nông dân Nguyễn Hoài Nguyên trên đất nhiễm phèn mặn xã Phước Tuy, mới trồng thử mùa đầu mà phát triển tươi tốt và đang cho trái đẹp như trên đất phì nhiêu mỡ màu.

Thăm trại nuôi gà công nghiệp của anh Nguyễn Thanh Tuyền ở xã Tân Lân, hơn 20 năm qua, đều đặn có trên một vạn con gà - hiện thời là 16.000 con - trong trại mà chưa từng nếm mùi thất bại đắng cay.

Và còn bao nhiêu mô hình sản xuất mới mà ở xã nào của huyện này cũng có. Và, hầu như xã nào cũng có bảng khẩu hiệu "Giữ vững xã văn hóa - xã nông thôn mới".

 

Nhà 100 cột
Nhà 100 cột

Đây thôn Long Hựu

Xin ăn theo câu thơ của Hàn Mặc Tử "Sao anh không về chơi thôn Vĩ", chứ Long Hựu thôn xưa là cù lao Long Hựu - sau này, tách thành 2 xã là Long Hựu Đông và Long Hựu Tây, nhưng dân Cần Đước vẫn quen gọi chung là Long Hựu.

Đây là điểm gần nhất của tỉnh Long An đi ra biển Đông qua cửa Soài Rạp, một cù lao nằm giữa "vòng tay ôm" của các sông Vàm Cỏ - Rạch Cát - kênh Nước Mặn.

Khi chưa có cầu Kênh Nước Mặn, hễ có tin báo bão là người dân cù lao ai nấy hoang mang, lo thu xếp đồ đạc đặng gánh gồng chạy bão từ biển ập vào. Bão năm Thìn, rồi bão số 5,... ám ảnh do những tổn thất về người và của.

Cửa thoát hiểm duy nhất cho cả cù lao là đò Kinh Nước Mặn sang đất liền Cần Đước.Từ khi cầu Kênh Nước Mặn ra đời “phá thế cù lao” cho Long Hựu.

Đứng trên cầu này nhìn xuống dòng kênh mênh mông, thấy tàu bè nườm nượp xuôi miền Tây hay ngược về TP.HCM và các tỉnh miền Đông.

Bây giờ, từ Quốc lộ 50 đến thị trấn Cần Đước, rẽ vào đường 23, chạy qua cầu Kênh Nước Mặn, chạy về Di tích quốc gia đồn Rạch Cát đều được nhựa hóa.

Trên tuyến đường này, đến ấp Trung, ta hãy thả bộ vào chiêm ngưỡng một công trình nghệ thuật kiến trúc độc đáo vào bậc nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Nhà 100 cột.

Gian thờ Nhà 100 cột
Gian thờ Nhà 100 cột

Đây nhà 100 cột

Cách nay chưa lâu, có lần, tôi ghé đây đột xuất, thấy bà Trần Thị Ngỏ - chủ nhà, đang dùng cơm và trò chuyện rôm rả với quý bà khách Tây mà không có phiên dịch.

Nghe nói chồng bà - ông Trần Văn Ngộ - khi còn sống cũng tiếp khách Tây và "nói tiếng Tây như gió". Cả hai ông bà đều học trường Tây và là nhà giáo lâu năm.

Theo tư liệu, nhà 100 cột do cụ Trần Văn Hoa (1879-1952) - hương sư làng Long Hựu, thành viên Hội đồng Quản hạt Chợ Lớn - dùng tài sản của ông nội, ông cha để lại tạo lập ngôi nhà này vào năm 1901.

Hơn một thế kỷ trôi qua với bao vật đổi sao dời, ngôi nhà vẫn đứng chân lẫm liệt trên khu vườn hơn 4.400m2 và cái nền gần 900m2.

Cụ Hoa cất công đi miệt rừng miền Đông mua các loại danh mộc để làm cột, làm kèo,...; đi Huế chọn, thuê 15 thợ giỏi chuyên xây dựng cung điện, dinh phủ cho các vua chúa vào thi công ròng rã trên 3 năm; ăn hết gần 3 thiên lúa của chủ nhà mới hoàn thành.

Không chỉ là thợ mộc giỏi nghề mà họ còn là nghệ nhân "siêu đẳng" về chạm khắc gỗ. Họ phải treo võng lên gần sườn nhà để khắc chạm mỹ thuật trên gỗ - rất tinh xảo và công phu theo phong cách nhà rường Huế. Đây là lối kiến trúc kiểu xuyên trính mà các phú hộ đất phương Nam ở thế kỷ XIX rất sính làm.

Nhà 100 cột đều bằng gỗ, ngang 21m, dọc 42m, mái lợp ngói đại tiểu; có 3 gian, 6 chái, gồm 2 phần trước và sau, giữa có sân (10mx10m). Phần trước có 3 gian và 2 chái làm phòng khách, phía trong có 3 gian, gian giữa làm nơi thờ tự.

Các chái còn lại là buồng ở và sinh hoạt. Nối theo đó là lẫm lúa có 60 cột trong số 172 cột, nhưng sau đó, con trai thừa kế cụ dỡ bán phần lẫm lúa, nên chỉ còn 112 cột (100 cột là số tròn).

Có 5 lối vào nhà và 32 lớp cửa. Kết cấu nhà kiểu xuyên trính (tức nhà rường). Nhà có 8 vì kèo được chạm nổi đầu rồng cách điệu dạng "vân hóa long"; phần lá dung ở mỗi đuôi kèo chạm lộng đồ án "lưỡng long hồi thủ" dạng cây lá cách điệu.

Ở 18 đầu kèo hai bên chái có 18 bao hộc đều được chạm trổ đề tài "vân hóa long" cách điệu và chim phượng tả thực.

Mặt dưới của 4 cây kèo ở giữa khung nhà là những khung chữ nhật chạy chỉ, chính giữa khung chạm nổi đề tài "tứ thời" dạng dây lá hóa - đặc trưng Huế: Sen hóa quy, Phật thủ hóa long, Mai hóa lân, Cúc hóa phượng; 2 đầu khung chạm mô-típ hoa cúc và dây lá thắt và nhiều tiểu tiết khác khắc chạm với kỹ thuật chạm lộng hết sức công phu, điêu luyện.

Các bàn ghế trong nhà cũng đều chạm trổ với nghệ thuật cách điệu rất tinh tế, mang biểu tượng của cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nhà 100 cột nhìn từ phía trước. Ảnh: Lê Đức
Nhà 100 cột nhìn từ phía trước. Ảnh: Lê Đức

Nhà 100 cột có các bức liễn, đối, hoành, phi,... sơn son thếp vàng, khắc chạm, cẩn xà cừ các “lời vàng ý ngọc” của ông bà ta răn dạy con cháu.

Ở đây còn có liễn - chữ Hán - cẩn xà cừ: "Thiên địa náo trường xuân, mậu trúc mai thanh khai hảo cảnh/ Hướng sơn y thắng cuộc, vận phi điểu cách tráng kỳ quan"

(Trong sự vận động của trời đất, vào mùa xuân tre tốt mai xinh mở ra cảnh đẹp/ Nương theo cuộc đất tốt vận đang lên chim hót mạnh mẽ chốn kỳ quan) và bức hoành sơn son thếp vàng 4 chữ "Sơn trang cổ họa" (Núi đẹp như tranh cổ).

Một cặp lồng đèn kéo quân cũng theo mô-típ cổ, khi xoay lấp lánh xà cừ có họa tiết, hoa văn chạm trổ. Giới chuyên môn cho đây là một công trình kiến trúc cổ đậm tính dân tộc duy nhất ở Long An tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay với những giá trị lớn về kỹ thuật và nghệ thuật điêu khắc, chạm gỗ; với kiểu thức nhà xuyên trính có từ thời Nguyễn rất được giới thượng lưu, phú hộ Nam bộ ở thế kỷ XIX trở đi ưa chuộng.

Chủ nhân ngôi nhà 100 cột - Trần Thị Ngỏ tha thiết mong được Nhà nước đầu tư đoạn đường bờ cong queo lót đal từ đường lớn vào nhà bị nứt bể nhiều chỗ, để khách tham quan đi dễ dàng.

Thiết nghĩ, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch nên xem đây là sản phẩm du lịch, cần được đầu tư cho xứng tầm, nhất là lối đi vào di tích quốc gia (được Nhà nước cấp bằng công nhận từ năm 1997) và cả cảnh quan sân vườn di tích cần được chỉnh trang, tôn tạo. Nên chăng, tạo điều kiện cho chủ nhà mở cửa hàng ăn uống với các món đặc sản Cần Đước và Long Hựu thôn để thu hút du khách.

Theo QUANG HẢO (Báo Long An)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh