Tham quan cồn Phú Mỹ

09:03, 12/03/2017

Cồn Phú Mỹ với vẻ mộc mạc thôn quê, người dân chất phác, cần cù. Ở đó có con đường hoa tuy không lộng lẫy nhưng cũng làm nao lòng người, có tán cây xanh mát mẻ cặp hai bên đường, ven sông rau nhút nở hoa vàng rực vào mỗi buổi sáng.

Cồn Phú Mỹ với vẻ mộc mạc thôn quê, người dân chất phác, cần cù. Ở đó có con đường hoa tuy không lộng lẫy nhưng cũng làm nao lòng người, có tán cây xanh mát mẻ cặp hai bên đường, ven sông rau nhút nở hoa vàng rực vào mỗi buổi sáng.

Một vùng cù lao trù phú

Hai tháng trở lại đây có hàng trăm du khách tìm đến tham quan Cồn Phú Mỹ (khóm Phú Mỹ, thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình). Nơi đây chưa phải là điểm tham quan chính thức, vậy tại sao lại có nhiều du khách tìm đến?

Đến một vùng bãi bồi - nơi một nhánh sông Tiền chảy qua, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước không gian thoáng mát, những dạt rau nhút trải dài trổ hoa khoe sắc nổi bồng bềnh trên mặt nước.

Anh Nguyễn Thành Em đã trồng rau nhút chục năm nay với 2.000m2 mặt nước trên đất bãi bồi cho biết: “Ngày nào hoa cũng nở từ 8 giờ đến hơn 12 giờ, đến đầu giờ chiều là hoa lá đều khép lại ngủ.

tôi sống quanh năm ở đây nhìn rau nhút trổ hoa đẹp riết ghiền luôn, huống chi du khách”. Điều đặc biệt ở Phú Mỹ là dân rất thích trồng hoa ven đường, cặp tuyến lộ nông thôn hoặc các lối đi ra đất bãi bồi.

đây còn có nhiều vườn cây ăn trái trĩu quả phục vụ du khách tham quan và có thể mua trái cây làm quà hoặc dùng tại chỗ. Cồn Phú Mỹ được hình thành vào những năm 1950. Nơi đây có miễu Ông Cồn - Bà Cồn, miễu tuy không lớn nhưng được người dân thờ phụng trang trọng.

Từ ngày nghe thông tin cồn Phú Mỹ sẽ xây dựng điểm du lịch, tâm trạng bà con nơi đây vô cùng phấn khởi, hoa hai bên đường, các loại giây leo theo giàn cũng được trồng nhiều hơn, nhà cửa được trang trí sạch đẹp, gọn gàng hơn nhưng vẫn đậm chất thôn quê.

Có không ít du khách đến đây ví cồn Phú Mỹ như một làng quê Nam bộ thu nhỏ. Là một nông dân “rặc”, nhưng khi nghe chúng tôi nói về du lịch của địa phương, anh Nguyễn Thành Em mừng ra mặt.

Anh bảo: “Mấy hôm trước, tôi bơi xuồng đưa khách tham quan, thấy du khách thích thú mà mình quên cực luôn.

Khách đến đây du lịch chụp ảnh rồi về đưa lên mạng giới thiệu quảng bá cồn mình nên ai cũng mừng. Hy vọng sau này du lịch cồn phát triển, lúc đó dân mình sẽ có thêm thu nhập từ việc bơi xuồng phục vụ khách, bán trái cây, nước uống cho khách”.

Xây dựng “Làng Phú Mỹ Xanh”

Chúng tôi cùng anh Nguyễn Văn Đỡ - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khóm Phú Mỹ đi quanh cồn hết cả buổi sáng, gặp những người nông dân bên khu vực đất bãi bồi, ngồi nhâm nhi tách trà với bà con mà lòng cảm thấy thích thú vô cùng với việc dám nghĩ, dám làm du lịch của bà con nông dân và chính quyền nơi đây.

Anh Đỡ cho biết, vào những ngày đầu tháng 1, rồi gần đây một đoàn khảo sát của doanh nghiệp du lịch có đến cồn Phú Mỹ và cho biết sẽ cùng địa phương đầu tư làm du lịch tại cồn.

“Từ ngày biết cồn mình sẽ trở thành điểm du lịch, tôi chạy nhiều hơn đi. Thường chạy xe đến tìm hiểu, vận động bà con tiếp tục giữ nếp sống tốt đẹp như từ trước đến nay để phục vụ tốt du khách” - anh Đỡ chia sẻ.

Nhằm phát huy bản sắc văn hóa truyền thống và khai thác tiềm năng của làng quê Phú Mỹ giới thiệu đến du khách gần xa, UBND huyện Thanh Bình đã xây dựng Kế hoạch xây dựng “Làng Phú Mỹ Xanh” và thành lập Ban Chỉ đạo “Làng Phú Mỹ Xanh” do Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Thị Phiến làm Trưởng ban.

Theo kế hoạch, sẽ từng bước đưa Phú Mỹ là điểm đến lý tưởng để trải nghiệm cuộc sống thanh bình, thưởng thức sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch, mang những giá trị văn hóa truyền thống địa phương giới thiệu đến du khách.

Nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư trong việc tham gia xây dựng một khóm “Phú Mỹ Xanh”, đẹp về thiên nhiên lẫn con người, phát huy lòng mến khách, cải thiện những hạn chế mà thiên nhiên chưa ưu đãi tại vùng đất này, để phát triển du lịch cộng đồng trong tương lai.

Ông Trương Thanh Vũ, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Bình cho biết, địa phương từng bước xây dựng nền “nông nghiệp sạch, an toàn”; xây dựng nhà ở cộng đồng, nơi giao lưu văn hóa và làm cơ sở lưu trú cho 40 khách có nhu cầu nghỉ qua đêm tại khu vực đất công, khảo sát mở tuyến đi bộ giữa ruộng rau thủy sinh (rau nhút) và vườn cây ăn trái và rau màu, nâng cấp lát đan đoạn đuôi cồn, khảo sát chỉnh trang khu Miếu thờ Ông Cồn - Bà Cồn; vận động các hộ dân thực hiện mô hình Homesaty.

Ngoài ra, huyện sẽ kêu gọi đầu tư hoặc cổ phần hóa các phương tiện phục vụ: xuồng, tắc ráng, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí (các trò chơi dân gian); xây dựng hai bến đậu xuồng, ghe ở hai đầu đoạn đường, tổ chức tập huấn cho người dân về hò Đồng Tháp, hò đối đáp và cách bơi xuồng an toàn; hướng dẫn cách làm bè trên ruộng rau nhút để phục vụ khách tham quan; trồng một số loại hoa súng làm thí điểm.

Cồn Phú Mỹ hiện có trên 225 hộ dân, trong đó có 30 hộ trồng rau nhút, diện tích 89ha; có 20ha vườn cây ăn trái, 6ha đất bãi bồi trồng rau. Tình hình an ninh trật tự nơi đây rất ổn định, khóm Phú Mỹ đạt 16 năm liên tiếp là khóm văn hóa.

Theo Báo Đồng Tháp

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh