Những thầy thuốc rắn vùng Bảy Núi

10:03, 05/03/2017

Từng là vùng đất có rừng rậm âm u, Bảy Núi  (An Giang) nổi tiếng là nơi trú ẩn của nhiều thú dữ, trong đó rắn độc là nỗi khiếp sợ của người dân. Vì thế, những thầy thuốc rắn "cao tay" luôn là hy vọng của người dân địa phương khi họ bị loài bò sát nguy hiểm này tấn công.

Từng là vùng đất có rừng rậm âm u, Bảy Núi  (An Giang) nổi tiếng là nơi trú ẩn của nhiều thú dữ, trong đó rắn độc là nỗi khiếp sợ của người dân. Vì thế, những thầy thuốc rắn “cao tay” luôn là hy vọng của người dân địa phương khi họ bị loài bò sát nguy hiểm này tấn công.

Ông Đền bó thuốc cho Chau Rit
Ông Đền bó thuốc cho Chau Rit


Kỳ nhân Bảy Núi

Nói đến thầy thuốc rắn, người dân Bảy Núi thường nghĩ ngay đến cái tên Nguyễn Văn Đền (tư Đền) bởi ông đã cứu sống nhiều nạn nhân của các loài độc xà. Ngôi lều nhỏ dựng tạm trên phần đất gia đình ở xã Vĩnh Trung (Tịnh Biên, An Giang) là nơi náu thân của ông thầy thuốc rắn nổi tiếng này.

Tư Đền có vẻ ngoài khá phúc hậu, râu tóc bạc phơ. Ông kể: “Tôi xuất thân là thợ săn vùng Bảy Núi. Tuy nhiên, thấy công việc của mình ác quá nên tôi bỏ nghề và theo một thầy thuốc rắn ở Long Khánh (Đồng Nai) để học. Thầy tôi là người dân tộc nên các phương thuốc trị rắn cắn cũng phải “bí truyền”. Thấy tôi thành tâm muốn cứu người nên thầy mở lòng truyền dạy”.

Vì điều trị miễn phí và cứu được nhiều người nên hễ ai bị rắn cắn là tìm ông ngay. Thuốc trị độc rắn của tư Đền được bào chế khá lạ. Ông dùng sừng nai già kết hợp một số cây thuốc quý đem ủ đúng 12 giờ trưa ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Mẻ thuốc phải ủ ít nhất 4 năm mới sử dụng được. Khi ra lò, thuốc có màu đen tuyền giống than. “Cũng nhờ phương thuốc này mà tôi cứu được nhiều người. Hồi trước, rắn độc nhiều nên người ta thường hay kiếm tôi. Có người được cứu kịp thời nhưng cũng có người mất mạng trên đường đến đây” - tư Đền thật lòng.

 Hiện tại, nhiều nạn nhân bị rắn cắn đều tìm đến tư Đền. Em Chau Rit (ngụ xã An Hảo, Tịnh Biên) bị rắn cắn và đang đến nhà tư Đền mỗi ngày để bó thuốc. Chau Rit cho biết: “Em bị rắn chàm quạp cắn ở tay khi đi cắt cỏ. Gia đình đưa em đi điều trị nhiều nơi nhưng không bớt, vết thương hoại tử phải cắt đi ngón tay út, ngón áp út sắp phải bỏ đi. Thầy Tư kêu đến đây để thầy trị. Em bó thuốc của thầy gần tháng nay cũng bớt nhiều, ngón áp út có thể nhúc nhích được, độ tháng nữa sẽ lành”.

Theo tư Đền, rắn chàm quạp tượng tuy có nộc độc nhưng vẫn còn cứu được sau 2 - 3 ngày. Với một số loài cực độc như hổ đất, hổ hùm thì nạn nhân có thể chết ngay tại chỗ nên việc ứng cứu nhanh chóng sẽ giúp họ giữ được mạng sống. “Hồi còn ở núi Cấm, tôi đã nhiều lần cứu người bị rắn cắn. Nhiều người tự nguyện làm đệ tử để học nghề thuốc. Tôi luôn sẵn lòng truyền lại để họ có thể cứu người. Chỉ mong sẽ không ai phải bỏ mạng vì rắn độc nữa” - tư Đền bộc bạch.

“Thầy rắn lưỡi đen” 

Ngoài tư Đền, người dân huyện Tịnh Biên còn biết đến ông “thầy rắn lưỡi đen” Chau Phonl ở xã An Cư. Ông Phonl sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống chữa rắn cắn. “Đời ông cha tôi đã biết thuốc trị rắn cắn nên truyền lại cho tôi. Bây giờ, tôi cũng theo đó mà giúp bà con. Hồi trước, rắn độc nhiều nên bà con bị cắn hoài. Nếu không có thầy tại chỗ thì khó lòng cứu kịp” - ông Phonl cho hay.

Nói về chiếc lưỡi đen của mình, ông Phonl giải thích rằng đó là yếu tố di truyền từ thế hệ trước. Tuy nhiên, chiếc lưỡi của ông cũng có tác dụng trong việc cứu người. “Nếu nạn nhân bị các loại rắn cực độc cắn, tôi sẽ dùng lưỡi hút bớt nọc độc ra, rồi bó thuốc. Đã rất nhiều lần tôi hút nọc độc nhưng vẫn không sao, nên chẳng còn ngán ngại nữa, chỉ mong cứu được nhiều người. Trước khi hút nọc độc, tôi ngậm sẵn một loại thuốc trong miệng, cũng yên tâm phần nào” - ông Phonl thật tình.

Giống như tư Đền, ông Phonl cũng chữa rắn cắn miễn phí. Các loại thảo dược ông hay dùng là cây thok, cây kim vàng, cây lưỡi rắn, cây ngãi móc, cây mắt bồ câu. Nhờ những loại cây này mà ông Phonl cứu được nhiều trường hợp “thập tử nhất sinh”. “Năm rồi, tôi cứu được 4 người bị rắn độc cắn. Năm nay chưa có ai phải tới tìm tôi nên trong lòng cảm thấy mừng lắm. Tôi thường chỉ cho bà con biết những cây thuốc mình hay dùng để họ tự ứng cứu khi bị rắn cắn. Hiện giờ, tôi cũng truyền lại cho các con. Mong rằng chúng sẽ tiếp tục việc cứu người sau này” - ông Phonl trải lòng.

Dù chỉ sử dụng thảo dược dân gian nhưng các thầy thuốc rắn ở Bảy Núi đã góp phần ứng cứu nạn nhân trong trường hợp khẩn cấp. Những bài thuốc ấy có thể được lưu giữ hay thất truyền nhưng chuyện về những thầy thuốc rắn vùng Bảy Núi luôn là một phần của vùng đất độc đáo này.

Theo THANH TIẾN (TTMT)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh