Cán bộ, nhân dân trong và ngoài tỉnh gần đây rất quan tâm, hoan nghênh việc lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã chủ động xin Trung ương loại bỏ quy hoạch dự án Nhà máy nhiệt điện Cái Cùng, thuộc địa bàn hai huyện Đông Hải và Hòa Bình.
Cán bộ, nhân dân trong và ngoài tỉnh gần đây rất quan tâm, hoan nghênh việc lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã chủ động xin Trung ương loại bỏ quy hoạch dự án Nhà máy nhiệt điện Cái Cùng, thuộc địa bàn hai huyện Đông Hải và Hòa Bình.
Đồng thời, tỉnh kiến nghị Trung ương đầu tư xây dựng Khu trung tâm nuôi tôm công nghệ cao tại địa phương, xây dựng Bạc Liêu thành “thủ phủ” tôm của cả nước…
Quyết định hợp lòng dân
Vì sao Bạc Liêu xin loại bỏ dự án nhiệt điện? Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thành Trung khẳng định: “Để đi đến quyết định xin Trung ương loại dự án nhiệt điện khỏi quy hoạch xây dựng Ban Thường vụ, BCH Tỉnh ủy đã nhiều lần họp bàn, cân nhắc rất kỹ, bởi trước đó, cũng chính tỉnh xin quy hoạch, xin đầu tư và đã làm việc với các đối tác của Nhật Bản.
Đây là cuộc đấu tranh với ngay chính bản thân mình. Phải có bản lĩnh, đổi mới tư duy, dám nhìn nhận những mặt hạn chế, để đem lại lợi ích lâu dài cho địa phương, cho nhân dân…”.
Chúng tôi được biết, cuối năm 2016, làm việc với cán bộ chủ chốt của Bạc Liêu tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hoan nghênh đề xuất xin rút dự án nhiệt điện Cái Cùng ra khỏi quy hoạch tổng sơ đồ điện VII.
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cho rằng, dự án nhiệt điện Cái Cùng là nhà máy nhiệt điện than, có thể gây ô nhiễm môi trường không nhỏ, ảnh hưởng định hướng, mục tiêu phát triển nuôi trồng thủy sản.
Đồng thời, những năm qua, Bạc Liêu lại đang chú trọng đầu tư, phát triển mở rộng nguồn năng lượng điện gió. Thủ tướng cũng đánh giá cao hướng đi “lấy mũi nhọn” là tôm của tỉnh Bạc Liêu…
thể nói, đây là tin vui làm nức lòng nhân dân, nhất là đối với hàng chục nghìn hộ nuôi tôm, làm muối ở Bạc Liêu.
Kỹ sư Lê Anh Xuân, Giám đốc Công ty Trúc Anh ở TP Bạc Liêu được nhiều người mệnh danh là “bác sĩ tôm”, phấn khởi nói với chúng tôi: “Từ nhiều năm nay, thế mạnh lớn nhất của Bạc Liêu là phát triển nuôi tôm, với diện tích nuôi trồng thủy sản chiếm gần 50% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh.
Việc Bạc Liêu xin rút dự án Nhà máy nhiệt điện Cái Cùng, đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và hoan nghênh, theo tôi, đây là một quyết định đúng đắn, phù hợp thực tế, nhân dân đồng tình, phấn khởi…”.
Không vì kinh tế mà đánh đổi môi trường
Trao đổi với chúng tôi về việc xin rút dự án Nhà máy nhiệt điện Cái Cùng của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, đại diện lãnh đạo một doanh nghiệp chia sẻ: “Không chỉ người dân Bạc Liêu mà người dân cả nước đánh giá cao khi lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã chọn tôm và nguồn năng lượng sạch từ thiên nhiên (phát triển điện gió), chứ không chọn nhiệt điện.
Mặc dù, nếu xây dựng nhà máy nhiệt điện tại vùng ven biển này, trước mắt mỗi năm tỉnh có thể thu ngân sách hàng trăm tỷ đồng, nhưng về lâu dài, cái giá phải trả cho ô nhiễm môi trường, cho thiệt hại về kinh tế thì khó có thể tính hết!
Chúng tôi rất mừng là lãnh đạo tỉnh đã “dũng cảm” từ chối lợi ích trước mắt, có cái nhìn chiến lược, vì môi trường, tương lai của thế hệ con cháu”.
Bày tỏ sự ủng hộ đề xuất của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và quyết định của Thủ tướng Chính phủ, mới đây, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) có ý kiến cho rằng, bỏ nhiệt điện than thay bằng điện gió là quyết định mang tính đột phá, hợp thời đại, thể hiện sự chủ động trong việc lựa chọn mô hình phát triển sạch, bền vững theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và phát huy lợi thế của địa phương.
Bạc Liêu cũng nhận thấy, mặc dù năng lượng mặt trời là thế mạnh hơn của tỉnh, song chi phí để sản xuất cao hơn nhiều so với năng lượng gió. Tỉnh đã quyết định đầu tư năng lượng gió và kêu gọi tư nhân đầu tư.
Hiện nay, Nhà máy điện gió tại Bạc Liêu có công suất 99MW đang được vận hành rất tốt. Đây là dự án do một doanh nghiệp tại địa phương làm chủ đầu tư với công nghệ của Hoa Kỳ.
Bên cạnh thế mạnh lớn là điện gió, Bạc Liêu hiện có diện tích nuôi tôm gần 130 nghìn ha, đứng thứ hai cả nước (sau Cà Mau).
Sản lượng tôm hằng năm đạt hơn 105 nghìn tấn, mang lại giá trị gần 11,5 nghìn tỷ đồng, với nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao hàng đầu quốc gia và có thứ hạng cao trong khu vực Đông-Nam Á.
Bạc Liêu cũng là một trong những trung tâm sản xuất tôm giống của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, với sản lượng sản xuất 25 tỷ con giống/năm, chiếm 50% của vùng và chiếm gần 25% cả nước.
Với mục tiêu trở thành vùng nuôi tôm lớn nhất cả nước và xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam, tỉnh đã định hướng phát triển nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật và dự kiến quy hoạch “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu”, với diện tích giai đoạn I là 200 ha.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ chính thức có thông báo: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh Bạc Liêu thành lập “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu”.
Hiện nay, UBND tỉnh đã và đang nỗ lực, chủ động phối hợp các bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện dự án quan trọng này, mở ra một triển vọng mới, hướng đi mới.
Theo TRỌNG DUY (Nhân Dân)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin