Tới cồn Sơn coi... cá lóc "bay"

06:02, 12/02/2017

Từ phà Cô Bắc đi đò dọc chừng 10 phút sẽ tới cồn Sơn- nơi mà chừng một năm trở lại đây phong trào làm du lịch miệt vườn nở rộ.

Từ phà Cô Bắc đi đò dọc chừng 10 phút sẽ tới cồn Sơn- nơi mà chừng một năm trở lại đây phong trào làm du lịch miệt vườn nở rộ.

Trong hàng chục điểm du lịch “quen quen ở đồng bằng” kiểu vào vườn hái trái cây hay tát mương bắt cá, thì mô hình được cho có một không hai- “tuyệt chiêu cá lóc bay” khiến ai một lần chứng kiến cũng ồ... ồ... thích thú. 

Đàn cá của anh Tín có thể bay bất cứ thời gian nào trong ngày nhưng bay cao và nhiều nhất là  buổi chiều mát.
Đàn cá của anh Tín có thể bay bất cứ thời gian nào trong ngày nhưng bay cao và nhiều nhất là buổi chiều mát.

Chủ nhân của “đàn cá biết bay” là anh Lê Trung Tín- Chi hội trưởng Hội Nông dân khu vực 1 (khu vực cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy- TP Cần Thơ). 

Con đường đến nhà vườn Tín- Hòa do anh Tín làm chủ men theo đường đê quanh co. Đang hì hục sửa sang lại mấy vèo cá, thấy khách tới anh vội ra tiếp đón. Từ ngày tập đàn cá biết “làm xiếc” trên mặt nước, du khách khắp nơi đã tìm đến tham quan nhiều hơn, anh phải mở rộng nhà cửa và làm du lịch từ đó.

Anh Tín cho biết đã nuôi cá lóc mấy chục năm nay nhưng chủ yếu là nuôi thương phẩm. Chừng hơn năm nay, dân cồn Sơn nổi lên làm du lịch cộng đồng, nhưng anh điểm lại mô hình cũng chỉ là những vườn xoài, vườn nhãn… cho du khách vào tham quan hái trái cây theo mùa.

Và khi vườn hết trái, thì chẳng thấy ai tìm đến và người dân cũng chẳng có cách nào níu chân họ đến đây được quanh năm.

Anh Tín suy nghĩ: “Hay là tận dụng mấy vèo nuôi cá lóc để thu hút du khách, bởi mỗi khi cho ăn chúng có tập tính đồng loạt bay lên khỏi mặt nước để đớp mồi”.

Nghĩ là làm, anh đề xuất ý tưởng với gia đình và thật nhanh chóng, chỉ sau hơn 4 tháng “huấn luyện” hiện anh đã có trong tay hơn chục vèo nuôi, với 20.000 con cá lóc có thể đồng loạt bay khỏi mặt nước khi anh yêu cầu, khiến ai chứng kiến cũng thích thú.

“Trước đây tui nuôi khoảng 5.000- 10.000 con là nhiều, vì muốn kết hợp làm du lịch nên đợt này đầu tư mạnh, lặn lội sang tận Châu Đốc (An Giang) để chọn mua hơn 20.000 con giống tốt, sạch bệnh mua đem về để bắt đầu “sự nghiệp” nuôi, dạy cá lóc… bay”.

Anh Tín lý giải, cá lóc mua từ đầu nguồn nước sẽ khỏe, xương cứng nên bay mạnh hơn những nơi khác. Nhưng đó cũng chưa phải là yếu tố chính để cá bay được mà phải qua tập luyện. “Khi cá còn nhỏ thì tôi nhử cho chúng ăn từ mồi tươi sống, sau đó chuyển qua thức ăn viên.

Và để kích thích cá bay, thay vì thường người nuôi đổ thức ăn xuống ao thì tui sẽ quăng lên cao, cá sẽ bay lên đớp mồi. Lúc đầu ít, dần dần rất nhiều con cùng bay theo”- anh Tín chia sẻ. 

Để minh chứng, hôm chúng tôi đến anh vội lấy mớ thức ăn rồi cho đàn cá biểu diễn. Sau vài tiếng gõ cốc cốc vào thùng, thức ăn được rải tung lên cao ngay lập tức hàng trăm cá lóc thi nhau múa tung tóe, tạo nên cảnh tượng đẹp mắt trên mặt nước.

Việc có đàn cá lóc bay đã làm cho vườn du lịch của anh Tín trở nên nổi tiếng. Nhà vườn Tín- Hòa của anh là một trong gần 20 hộ nông dân ở cồn Sơn tham gia làm du lịch cộng đồng, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm cuộc sống dân dã cùng ẩm thực đậm chất miền Tây.

Anh Tín cho hay, hiện mỗi ngày trung bình gia đình đón khoảng 3- 4 đoàn khách đến tham quan vườn, đặc biệt là thứ bảy, chủ nhật thì cả chục đoàn, chủ yếu xem… cá lóc bay. Ngoài hơn 10 vèo cá lóc bay, xung quanh anh còn trồng sen, trồng ổi và tới đây tiếp tục mở rộng vườn để trồng thêm xoài.

Người dân địa phương cũng như du khách đến coi cá bay rồi kết hợp đi thăm vườn trái cây, tự tay chọn quả tươi ngon, thu nhập gia đình từ đó cũng tăng lên. Đặc biệt, các món ăn từ “cá lóc bay” cũng làm cho du khách thêm phần hứng khởi, chấp nhận dù giá bán tuy cao hơn giá thị trường từ 2.000- 3.000 đ/kg.

Đàn cá lóc bay của anh nay đã được hơn 4 tháng, mỗi con cân nặng khoảng nửa ký, hiện tại mỗi ngày tốn khoảng 1 triệu tiền thức ăn.

Vì vậy mà trước Tết Đinh Dậu vừa qua anh dự định bán hết lứa này, ra tết nuôi lứa khác và tiếp tục tập cho cá bay nhưng đành gác lại. “Nghĩ đến lúc đem cá đi bán lại thấy thương, vì mình đã quen cái nết của nói rồi. Nhiều lúc mệt mỏi ra cho cá ăn, thấy hàng trăm con bay lên đớp mồi lại thấy khỏe ra!”- anh Tín chia sẻ.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh