Dù cho xu thế tiêu dùng ngày càng đa dạng khiến cho nghề truyền thống thủ công có nguy cơ mai một, song đồng bào Khmer ở Sóc Trăng vẫn tâm huyết gìn giữ nghề truyền thống, trong đó có nghề dệt chiếu.
Dù cho xu thế tiêu dùng ngày càng đa dạng khiến cho nghề truyền thống thủ công có nguy cơ mai một, song đồng bào Khmer ở Sóc Trăng vẫn tâm huyết gìn giữ nghề truyền thống, trong đó có nghề dệt chiếu.
Với lợi thế là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, Sóc Trăng không những đa dạng về lễ hội, văn hóa, ẩm thực mà còn có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời của người Khmer như: Làng cốm dẹp – đan đát ấp Phước Qưới (xã Phú Tân, huyện Châu Thành), làng làm nhang Mỹ Hương (huyện Mỹ Tú), làng nghề dệt chiếu ở xã Lạc Hòa (thị xã Vĩnh Châu)…
Nghề truyền thống lâu đời
Những ngày này, khi đặt chân đến 4 ấp Ca Lạc, Lờn Búi, Hòa Thành và Hòa Nam của xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu sẽ thấy lác (nguyên liệu dệt chiếu) được phơi đầy đường.
Tờ mờ sáng, những ngôi nhà nơi đây đã sáng đèn kèm theo đó là tiếng va đập của khung cửi vang lên đều đều, báo hiệu một ngày mới bận rộn ở miền quê.
Đặc biệt, từ trước Tết Nguyên đán đến nay, bà con lại thức khuya dậy sớm hơn để dệt, kịp giao cho khách đặt hàng cho Tết Nguyên đán và Lễ hội Chol Chnam Thmay.
Bà Thạch Thị Sung (78 tuổi) cùng con dâu Danh Thị Hiền bên khung dệt chiếu của gia đình. |
Không biết được hình thành từ khi nào, chỉ biết nghề này đã được cha truyền con nối từ đời này sang đời khác và tồn tại đến ngày nay. Bà Sương Thị Hương ở ấp Hòa Thành đã có hơn 50 năm dệt chiếu lác thủ công.
Ban đầu bà học theo bà ngoại và mẹ rồi cứ thế gắn bó với nghề đến nay. Dù chỉ là quy mô hộ gia đình nhưng chiếu nhà bà được nhiều người biết đến và đặt mua.
“Những ngày này, gia đình không dám nhận nữa vì sợ dệt không kịp. Tết mới qua, Lễ hội gần đến, khách đặt nhiều lắm. Vợ chồng tôi già rồi, dệt hai ngày mới được chiếc chiếu để bán nhưng vẫn cố gắng, kịp giao cho khách”, bà Hương chia sẻ.
Nghề dệt chiếu vất vả, lâu đời ấy đã giúp nhiều gia đình ở đây sinh sống và nuôi dạy con cái trưởng thành.
Mỗi chiếc chiếu dệt liên tay sẽ hoàn thành trong một ngày, được bán với giá 200 ngàn đồng đối với chiếu có chiều ngang 1,1m và 250 – 300 ngàn đồng đối với chiếu có chiều ngang 1,6m. Chiếu trắng hay chiếu dệt màu đều có giá như nhau và có thể dệt theo yêu cầu của khách hàng.
Để dệt chiếu thường có hai người phối hợp, một người đưa lác vào và một người đập khung cửi. Phần lớn những người gắn bó và duy trì nghề dệt chiếu lác ở xã Lạc Hòa hiện nay là người lớn tuổi tâm huyết với nghề, bên cạnh đó là phụ nữ tranh thủ ngoài thời gian đồng áng, việc gia đình để làm thêm.
Vừa dệt bên khung cửi cạnh mẹ chồng 78 tuổi, chị Danh Thị Hiền, ngụ tại ấp Hòa Thành cho biết: “Dệt chiếu phải tỉ mỉ, dễ mỏi lưng nhưng được lợi là ngồi trong mát, mình tranh thủ thời gian được. Một tháng, hai mẹ con làm được khoảng 15 chiếc. Sau này, mình sẽ theo nghề này của mẹ chồng”.
Giữ lửa làng nghề
Nguyên liệu chính để làm chiếu ở xã Lạc Hòa là lác. Để sản phẩm đạt chất lượng, người dân nơi đây chủ yếu sử dụng lác tròn và chỉ lấy phần vỏ, bỏ phần ruột.
Chiếu dệt dày, sợi dây đay căng và nhuộm mày lác đẹp cùng với sự kỹ lưỡng trong việc phơi lác, khéo tay trong nhuộm màu là một số bí kíp để có được chiếu bền, đẹp, vừa lòng người mua.
Bên cạnh đó, khâu chọn lác, phơi lác cùng với việc đếm từng cọng để các hoa văn đều, bằng nhau và kỹ thuật kéo khung cửi ở hai tư thế sấp, ngửa cũng rất quan trọng để dệt nên chiếc chiếu đẹp.
Vợ chồng bà Sương Thị Hương bên khung dệt chiếu của gia đình. |
Vừa dẫn hàng xóm đến nhà bà Sương Thị Hương đặt chiếu, bà Khu Thị Lép, ở phường 2, thị xã Vĩnh Châu vừa ngồi tấm tắc khen chiếu của người dân xã Lạc Hòa.
Theo bà Lép, chiếu ở đây bền, có thể dùng trong 5 – 6 năm. “Mình mua một cặp về dùng 2 – 3 năm rồi. Tết năm nay đặt hai cặp nữa. Năm nào cũng xuống đây mua, đặt quen đến nỗi đặt thiếu cũng được. Chiếu tốt nên mắc mấy mình cũng mua”, bà Lép cho biết.
Hơn 10 năm trước, làng chiếu dệt xã Lạc Hòa có trên 50 hộ theo nghề này. Tuy nhiên, theo thời gian, nguyên liệu dần khan hiếm cộng với đó, giá cả nguyên liệu tăng nên thu nhập từ nghề này chẳng đáng bao nhiêu, người mặn mà với nghề càng ít dần.
Hiện nay, xã chỉ còn khoảng 20 hộ là làm thường xuyên, những hộ khác đã chuyển sang nuôi tôm, trồng màu. Năm 2008, Ủy ban nhân dân xã đã hỗ trợ 30 khung cửi để bà con đỡ vất vả, duy trì nghề song không hiệu quả, khung đập không sát, bà con tiếp tục quay về với khung truyền thống cũ.
Lác là nguyên liệu chính để làm chiếu ở làng nghề. |
Trở ngại lớn nhất của làng nghề hiện nay là đầu ra cho sản phẩm. Nguyên nhân là khâu quảng bá không có, xưa nay người dân chỉ bán nhỏ lẻ tại nhà, đi rao hoặc bán cho tạp hóa, không có đầu mối lớn.
Ông Trương Văn Vũ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lạc Hòa cho biết: “ Xã đang tiến tới thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã dệt chiếu trong năm 2017 này, như vậy sẽ quy tụ bà con giữ nghề truyền thống và đề nghị hỗ trợ sản xuất cho bà con.
Đặc biệt sẽ quy hoạch vùng trồng lác trên địa bàn và đẩy mạnh khâu quảng bá sản phẩm. Một mai khi Hồ Bể được mở rộng, địa phương sẽ nghiên cứu để làng nghề liên kết trở thành điểm tham quan cho du khách”.
Trung bình hiện nay, chi phí nguyên liệu sản xuất một chiếc chiếu là trên 100 ngàn đồng. Như vậy, tiền thu được không đáng là bao.
Bà con ở đây vẫn tâm sự, chỉ sợ không có sức làm, còn sức còn mãi gắn bó với nghề dệt chiếu. Đó cũng là động lực để địa phương giải bài toán nỗi lo về nguyên liệu và thu nhập, cùng với bà con giữ lửa cho làng nghề dệt chiếu truyền thống.
Theo HOÀI THU (TTXVN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin