Đã là Tết thì không thể thiếu sự góp mặt của các loại bánh, như: Bánh tét, bánh tráng, bánh phồng của người Kinh; bánh tổ, bánh hồng đào của người Hoa; bánh hột mít, bánh ngôi sao của người Chăm; bánh cà tum, bánh bò thốt nốt của người Khmer… Tất cả đã làm nên cái hồn Tết riêng của vùng đất phương Nam.
Đã là Tết thì không thể thiếu sự góp mặt của các loại bánh, như: Bánh tét, bánh tráng, bánh phồng của người Kinh; bánh tổ, bánh hồng đào của người Hoa; bánh hột mít, bánh ngôi sao của người Chăm; bánh cà tum, bánh bò thốt nốt của người Khmer… Tất cả đã làm nên cái hồn Tết riêng của vùng đất phương Nam.
Hương vị ngày Tết
Tiết trời bắt đầu se lạnh, những nụ mai vàng chớm nở thì chắc hẳn… Tết về. Đầu trên, xóm dưới đã bắt đầu nhộn nhịp, nhà nhà đắp lò tráng bánh tráng, xóm giềng hùn nhau quết bánh phồng.
Riêng bánh tét, dù đã chuẩn bị trước nguyên liệu từ dây, lá, nếp… hồi đầu hôm, nhưng phải đến chiều cuối năm thì các chị, các mẹ mới bắt đầu gói. Bánh gói xong, nấu chín cũng là thời khắc cả nhà đón giao thừa.
Tết ở Nam Bộ, bánh tét trở thành phong tục và là món ăn truyền thống trong mỗi gia đình. Bánh tét có nhưn mặn và nhưn ngọt. Loại mặn thì nhưn đậu xanh với mỡ, thịt ba rọi; còn bánh tét ngọt thì gói bằng nước tro tàu hoặc nhưn chuối, nhưn đậu xanh,…
Nổi tiếng hơn 20 năm với thương hiệu bánh Út Bế, chị Huỳnh Thị Hồng Yến (Châu Phú) chia sẻ: “Để có đòn bánh tét ngon thì khâu chọn nguyên liệu quan trọng nhất.
Chọn nếp Phú Tân thơm dẻo, đậu xanh cũng là loại ngon nhất, đặc biệt phải canh bánh vừa chín tới là vớt ra ngay. Có như vậy khi bánh chín, phần nếp không dính lá, đủ độ dẻo, mịn và trong, nhân bốc lên thơm phức”.
Không khí gói bánh tét ngày Tết lúc nào cũng vui vẻ, nhộn nhịp và tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết |
Trong đêm giao thừa, bên cạnh dĩa bánh tét nóng hổi vừa nấu chín, trên bàn thờ của các gia đình có thêm dĩa bánh phồng cúng rước ông bà.
Chiếc bánh phồng Phú Mỹ (Phú Tân) nổi tiếng khắp xứ cũng chính nhờ loại nếp đặc sản của nơi đây. Để làm ra chiếc bánh phồng phải trải qua rất nhiều công đoạn, ủ nếp, rửa sạch, để ráo, nấu thành xôi và đưa vào cối giã. Khi giã xong phải ngắt bột, cán bánh…
Bánh phồng khi gặp lửa than đỏ thì nở phồng to, thơm lừng và giòn tan khi cho vào miệng. Từ những nguyên liệu quen thuộc của quê nhà, qua bàn tay khéo léo của những người phụ nữ trong gia đình đã tạo ra những loại bánh độc đáo. Ngon từ hương vị hòa quyện cho đến sự thành kính dâng lên tổ tiên trong ngày Tết.
Sắc màu dân tộc qua nhiều loại bánh
Đối với đồng bào Khmer theo Phật giáo Nam Tông, những ngày Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, phần lớn người dân đều tập trung vào chùa lễ Phật.
Bà con chuẩn bị đầy đủ các loại hoa quả, bánh trái đặc trưng cho ngày Tết rồi thành kính mang vào chùa, cầu kinh chúc phúc, cúng dường chư tăng và vui chơi trong 3 ngày. Trong đó, không thể thiếu bánh tét, bánh bò thốt nốt, bánh cà tum.
Nguyên liệu, cách gói bánh tét của người Khmer và người Kinh gần giống nhau. Còn bánh cà tum được gói khéo léo bằng lá thốt nốt, với 8 góc vuông đều đặn.
Chiếc bánh ngon phải có sự hòa quyện mùi thơm của nếp, vị bùi đậu xanh, đậu trắng, nếu có thêm nhưn chuối thì càng đậm đà hơn…
Còn người Hoa ăn Tết dân tộc gần giống với người Việt. Ở An Giang, lễ vật đặc trưng trên bàn thờ tổ tiên của họ là bánh tổ. Theo ông Hà Nhi, Chủ tịch Hội Tương tế người Hoa TP. Châu Đốc, bánh tổ của người Hoa đơn giản, chỉ làm từ bột nếp và đường, không thêm mè hoặc gừng.
Theo tiếng Hoa, bánh tổ được gọi là “Nian Gao” (Niên cao), mang ý nghĩa phát triển lâu bền, cuộc sống trường thọ “cao niên”. Bánh tổ có hai màu vàng và trắng, được làm từ đường thẻ hoặc đường cát, tượng trưng cho vàng bạc.
Trên mặt bánh có đóng chữ màu đỏ truyền thống như “Phước” hay “Chiêu tài tấn bửu”, ngụ ý cầu mong cho năm mới được phước đức, tiền bạc vào nhà.
Với đồng bào dân tộc Chăm, vừa kết thúc tháng Ramadan là bắt đầu đến ngày lễ Roya Aidilfitri (hay còn gọi là ngày xả chay).
Đây là lễ thăm hỏi bà con, anh em, bố thí cho người nghèo, cầu chúc mọi sự tốt lành. Vào ngày này, người phụ nữ Chăm lại có cơ hội trổ tài khéo tay, đảm đang của mình bằng cách làm nhiều loại bánh truyền thống: Bánh hột mít, bánh tổ chim, bánh ngôi sao… để đãi khách.
Ông Ap Do Rot Mal (xã Châu Phong, TX.Tân Châu) giới thiệu: “Nguyên liệu làm bánh rất thông dụng, dễ làm. Tuy nhiên, để có mùi vị riêng thì khâu pha trộn nguyên liệu, cách làm đòi hỏi kỳ công mới có thể tạo ra được loại bánh ngon, đẹp mắt”…
Đêm cuối năm, ông bà ngồi uống trà, nói chuyện mần ăn cả năm của gia đình, còn những đứa trẻ cùng mẹ ngồi bên bếp lò canh bánh, hay nướng bánh phồng. Giao thừa điểm, trên bàn thờ chắc hẳn đã có dĩa bánh tét, bánh phồng cúng ông bà, tổ tiên, cầu mong cho năm mới mưa thuận, gió hòa, gia đình khỏe mạnh,… Sau đó, cả nhà sẽ quây quần bên nhau, cùng thưởng thức vị ngon của bánh, chúc nhau may mắn ngày đầu năm. |
Theo TTMT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin