Ngon nào bằng khô, mắm miền Tây…

06:01, 29/01/2017

Từ lâu, khô- mắm đã trở thành những món ăn không thể thiếu của người dân miền Tây Nam Bộ. Về Châu Đốc (An Giang), nơi được xem là "vương quốc" của mắm, đã nghe mùi thơm sực nức của đủ loại mắm: cá lóc, cá linh, cá sặt, ba khía, tép,... Rồi đến khô nhái, khô rắn, khô sặt,... Chỉ cần thấy thôi là đã thèm.

Từ lâu, khô- mắm đã trở thành những món ăn không thể thiếu của người dân miền Tây Nam Bộ. Về Châu Đốc (An Giang), nơi được xem là “vương quốc” của mắm, đã nghe mùi thơm sực nức của đủ loại mắm: cá lóc, cá linh, cá sặt, ba khía, tép,... Rồi đến khô nhái, khô rắn, khô sặt,... Chỉ cần thấy thôi là đã thèm.

“Vương quốc” mắm

 

Khô miệt Châu Đốc được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn.
Khô miệt Châu Đốc được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn.

Được thiên nhiên ưu đãi, An Giang có nhiều đặc sản nổi tiếng, trong đó, mắm và khô ngon nức tiếng mà du khách nào đến đây cũng bị níu chân.

Với nguồn cá từ ngàn đời nay rất dồi dào, người dân nơi đây đã làm ra món mắm- món ăn đã đi vào lòng người miền Tây và biến Châu Đốc thành “vương quốc” của mắm. Mắm Châu Đốc được người ta nhắc đến bởi chất lượng và hương vị rất riêng, không lẫn vào đâu được.

Với vị trí địa lý ở vùng đầu nguồn của hai con sông Tiền và sông Hậu, nên nơi đây may mắn có nguồn nguyên liệu cá nước ngọt dồi dào, phong phú và đa dạng, nhất là vào mùa lũ hàng năm.

Đến Châu Đốc mà chưa vào chợ mắm thì quả là một thiếu sót lớn của khách phương xa. Vì sao? Vì Châu Đốc không chỉ nổi tiếng với mắm ngon mà còn nổi tiếng vì phong phú các loại mắm. Nào là mắm chốt, mắm sặt, mắm trèn, rồi mắm thái, mắm rô....

Hoa mắt với đủ thứ loại mắm được bày bán khắp các chợ ở Châu Đốc.
Hoa mắt với đủ thứ loại mắm được bày bán khắp các chợ ở Châu Đốc.

Khu chợ mắm được bày trí không chỉ bắt mắt mà còn “bắt mũi”. Các thùng mắm tỏa mùi thơm sực nồng, nếu mà ai là “tín đồ” của mắm chắc phải… thòm thèm muốn ăn ngay. Còn với du khách nước ngoài, chắc cũng không khỏi tò mò, thú vị với món đặc sản miền Tây.

Có một điều khá ngộ nghĩnh là các hiệu mắm nổi tiếng bao đời nay ở chợ Châu Đốc đều thường mang tên các “bà giáo” như bà giáo Khỏe, bà giáo Mãn,… rồi mới đến mắm Hai Xuyến, Phước Lộc,…

Anh Nguyễn Hoàng Phong- chủ hiệu mắm “Bà giáo Mãn”- cho biết, mỗi công đoạn làm mắm đòi hỏi sự kỳ công và khéo léo rất cao. Làm mắm ngon hay không phải là người “có tay” chứ không phải ai cũng có thể làm được.

Nếu sai sót một công đoạn thôi dù nhỏ cũng làm cho chất lượng, mùi vị, màu sắc của mắm giảm bớt. Chính những bí quyết đó đã tạo ra những thương hiệu nổi tiếng, với chất lượng và hương vị riêng: mắm thái để ăn sống; mắm cá linh, cá sặt để kho, nấu lẩu; cá chốt thì ăn sống hoặc chưng với hột vịt đều ngon,…

“Người cầu kỳ, thích đậm đà hương vị thì cho mắm chưng với thịt ba rọi, hột vịt, rắc chút hành tiêu, vài lát ớt, gừng xắt mỏng”- anh Phong nói. Nghe thôi mà đã thấy thèm!

Đến với Châu Đốc, du khách thường mua dăm ba hộp mắm để làm quà cho bạn bè, người thân. Nhờ vậy, các thương hiệu đặc sản mắm Châu Đốc tỏa đi khắp trong và ngoài nước.

Anh Nguyễn Phú Thuận (Đồng Tháp) cho biết, mỗi lần có dịp cùng gia đình về Châu Đốc, anh đều ghé chợ mua bằng được vài loại mắm về thưởng thức và làm quà.

Tuy ở Đồng Tháp cũng không thiếu mắm, nhưng mỗi nơi có hương vị đặc trưng riêng, ăn một lần là nhớ mãi.

Khô giòn, thơm ngon

Bên cạnh mặt hàng mắm, khô miệt Châu Đốc cũng là mặt hàng rất hút khách, nhất là trong dịp tết. Còn gì bằng khi gia đình sum vầy vui xuân nhưng tiệc tùng ngán “thịt mỡ” liền được cùng nhau thưởng thức, nhâm nhi món khô nướng, gỏi khô, khô chiên,...

Anh Nguyễn Văn Nhanh- chuyên bán khô mắm An Giang- từ nhiều năm nay đã mang đặc sản quê mình bỏ mối cho nhiều cửa hàng tại khắp các tỉnh ĐBSCL.

Người miền Tây hóm hỉnh đã đặt cho khô nhái cái tên rất tượng hình là “vũ nữ chân dài”- đây cũng là loại khô được khách hàng rất ưa chuộng. Kế đó là khô cá sặt, khô cá lóc, “tung lò mò” (lạp xưởng bò của người Chăm), khô rắn, khô trăn...

Đến chợ Châu Đốc, không khó bắt gặp những hình ảnh ken đầy khô- mắm thế này.
Đến chợ Châu Đốc, không khó bắt gặp những hình ảnh ken đầy khô- mắm thế này.

Anh Nhanh cho hay: “Tôi bán đặc sản An Giang được 4- 5 năm rồi. Khách hàng chuộng các mặt hàng này lắm, nhất là khô nhái. Tôi cũng bỏ mối nhiều nhà hàng, quán ăn ở Vĩnh Long, Sóc Trăng, Đồng Nai, Cà Mau, Bạc Liêu, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ và cả miền Bắc...”

Anh Nhanh nói thêm, dịp tết này làm “tối mặt mũi” vẫn không kịp hàng giao cho khách. Từ đầu tháng Chạp, lượng khách đặt hàng đã tăng đột biến. Trong khi đó, các khách mối đã đặt hàng từ tháng 11âl để trữ hàng.

Riêng các mặt hàng mắm như: mắm lóc, mắm sặt, mắm linh, mắm thái..., tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Năm nay lượng đặt hàng cũng tăng mạnh so với năm rồi. “Các mặt hàng khô như khô lóc, sặt cùng với một số loại có vào mùa nước nổi như khô chạch, khô rắn là do nhà tôi tự làm, chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm nên được khách hàng tin tưởng và ưa chuộng.

Trong đó, năm nay đặc sản “vũ nữ chân dài” tăng rất nhiều so với năm ngoái. Chúng tôi phải qua tận Campuchia mua nhái tươi về làm khô.

Bên cạnh đó, “tung lò mò”- món lạp xưởng bò độc đáo của người Chăm An Giang- cũng được khách hàng ưa chuộng, mặt hàng này cũng khá hút khách dịp tết”- anh Nhanh chia sẻ.

Nếu mắm Châu Đốc có vị ngọt, mùi thơm đặc trưng, dễ ăn, phù hợp với khẩu vị thì khô nơi đây lại giòn giòn, cay cay, được làm từ những bí quyết riêng và phơi dưới ánh nắng mặt trời miền Tây Nam Bộ nên có thể giữ lâu ngày mà khó phai mùi vị.

Có về đây hay có dịp đi ngang qua, du khách nhớ tìm một ít khô, mắm làm quà tặng cho người thân, bạn bè trong dịp tết sum vầy này nhé, như một cách trao truyền hồn quê, nét đặc trưng của ẩm thực vùng sông nước! l

Bài, ảnh: NGUYÊN HƯNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh