Đầu tháng Chạp, những cơn mưa thưa dần báo hiệu mùa hành hương nữa lại về với vùng Bảy Núi. Thời điểm này, đất và người Bảy Núi cũng chuẩn bị bước vào thời điểm nhộn nhịp nhất năm.
Đầu tháng Chạp, những cơn mưa thưa dần báo hiệu mùa hành hương nữa lại về với vùng Bảy Núi. Thời điểm này, đất và người Bảy Núi cũng chuẩn bị bước vào thời điểm nhộn nhịp nhất năm.
Với thế mạnh của vùng đất linh thiêng cùng phong cảnh non nước hữu tình, Bảy Núi là điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa.
Được đến thăm những ngọn núi ẩn mình trong mây, lắng nghe huyền thoại về các loài vật đã “hóa thần” trong ký ức dân gian như cọp trắng, rắn hổ mây là sở thích của nhiều du khách.
“Tôi đã đến thăm Bảy Núi nhiều lần nhưng vẫn cảm thấy khá hứng thú mỗi khi trở lại đây. Những năm trước, tôi thường đi vía Bà Chúa Xứ tại Châu Đốc rồi thẳng hướng vào núi Cấm.
Khí hậu trên núi khá mát mẻ, gần giống như Đà Lạt nên tôi thấy khá dễ chịu” - chị Lâm Tú Linh, du khách tại Sóc Trăng, chia sẻ.
Cũng theo chị Linh, việc đi hành hương Bảy Núi đối với gia đình chị đã thành “lệ”. Dù ở tận Sóc Trăng nhưng cứ đến dịp này là gia đình chị lại tranh thủ đến Châu Đốc và vùng Bảy Núi để thắp nén hương cầu mong mọi điều tốt lành.
“Lên đến chùa Vạn Linh, ngắm tượng Phật Di Lặc mỉm cười phúc hậu luôn tạo cho tôi cảm giác nhẹ nhàng, buông bỏ đi những muộn phiền trong cuộc sống.
Tôi thực sự ấn tượng với món bánh xèo rau núi ở vùng này. Vì ở xa nên tôi tranh thủ đi hành hương sớm chứ không đợi đến sau Tết, bởi khi đó có quá đông du khách. Đến Bảy Núi thời điểm này khá lý tưởng vì đất trời còn mát mẻ, cây cối xanh tươi” - chị Linh thật tình.
Một “góc Đà Lạt” trên núi Cấm |
Không chỉ có du khách phương xa mà người dân trong tỉnh cũng tham gia hành hương vào thời điểm này trong năm. Với điều kiện thuận lợi, họ có thể thực hiện những chuyến đi dài ngày, đến nhiều địa điểm khác nhau ở vùng Bảy Núi.
Là người thường xuyên đi hành hương, bà Trần Thị May, người dân xã Bình Thủy (Châu Phú), cho biết: “Năm nào tôi cũng đi hành hương. Được đến các vồ, điện trên núi, thấp nén nhang cầu nguyện cho gia đình, tôi cảm thấy trong lòng thanh thản lắm.
Tuy việc leo núi có vất vả nhưng thực hiện được mong muốn của mình, ai cũng thấy vui”. Các đoàn hành hương thường len lỏi theo những tuyến đường mòn trên núi.
Ban ngày họ đi thăm các chùa, tối ghé quán trọ trên núi để nghỉ ngơi. Với tấm lòng thành kính, nhiều người không ngại vất vả vượt dốc, trèo đèo để bước chân mình trải đều khắp các điểm hành hương trên núi.
Ngoài việc thu hút đông đảo du khách, mùa hành hương Bảy Núi còn trở thành “mùa làm ăn” của người dân địa phương.
Với người dân sống trên núi, đây là dịp để họ tranh thủ nguồn thu nhằm trang trải cho các tháng còn lại trong năm. “Mấy tháng mùa mưa khách lên núi khá ít nên thu nhập từ quán ăn của gia đình tôi chỉ đủ sống.
Đến cuối tháng 11 âm lịch, lượng khách bắt đầu tăng nên ai cũng kiếm được nguồn thu kha khá. Bởi vậy, những hộ kinh doanh như chúng tôi chỉ trông chờ vào mùa hành hương để trang trải trong gia đình cả năm” - chị Yến Nhung, hộ kinh doanh trên núi Cấm, chia sẻ.
Không chỉ các hộ kinh doanh, đội ngũ xe ôm núi Cấm cũng bước vào mùa “bận rộn” nhất trong năm. Ông Trần Văn Bình, người dân xã An Hảo (Tịnh Biên) đã có hơn chục năm làm nghề “cưỡi ngựa sắt” đưa khách đi tham quan khắp các điểm hành hương trên núi.
Ông thật tình: “Tháng mưa tôi làm rẫy trên núi. Khi nào rảnh thì chạy xe “ôm”, thu nhập cũng khoảng 50.000 - 70.000 đồng/ngày.
Bước sang tháng hành hương thì đeo miết chiếc xe bởi lượng khách tăng khá nhiều. Có khi bội thu cũng được hơn 200.000 đồng/ngày. Mỗi năm chỉ có một mùa nên ai cũng tranh thủ “cày ải” để gia đình chi tiêu thoải mái hơn”.
Bảy Núi có nhiều điểm hành hương thu hút du khách |
Với việc hệ thống cáp treo núi Cấm đi vào phục vụ đã góp phần đa dạng hóa dịch vụ du lịch tại địa phương. “Tôi có lên núi bằng xe lữ hành, xe ôm nhưng được lên núi bằng cáp treo cũng là trải nghiệm thú vị.
Từ trong ca-bin đưa mắt bao quát khung cảnh của vùng này mới thấy Bảy Núi sở hữu nét đẹp rất riêng. Ấn tượng nhất là lúc cáp treo đi qua hồ nước trong veo có thể nhìn thấy đáy.
Có dịp, tôi và gia đình sẽ quay trở lại vùng đất sơn thủy hữu tình này” - ông Trần Văn Mỏng, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ.
Trong tương lai, khi 2 huyện miền núi Tri Tôn -Tịnh Biên đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh thì mùa hành hương Bảy Núi sẽ nhộn nhịp hơn hiện tại nhiều lần. Mong rằng, với sự quan tâm của các cấp, các ngành, mùa hành hương sẽ trở thành “đặc sản” du lịch của vùng đất đầy màu sắc huyền thoại này.
Năm 2016, Tịnh Biên thu hút gần 3,59 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và mua sắm. Trong đó, núi Cấm đã thu hút khoảng 1,37 triệu lượt khách/năm. Hiện nay, UBND Tịnh Biên đang kêu gọi đầu tư nhiều dự án du lịch vào núi Cấm, như: Khu trung tâm hành hương; Khu văn hóa dân gian - ẩm thực núi Cấm; Khu nghỉ dưỡng, vọng cảnh vồ Bồ Hong; Khu bảo tồn sinh thái vồ Bà, đỉnh Chư Thần… |
Theo TTMT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin