Trước kia, đến ngày Lễ hội Ok- Om-Bok - Đua ghe ngo của đồng bào Khmer Sóc Trăng, người dân thường nhắc đến chiếc ghe Kê-hâu (ghe hậu cần hay còn gọi thêm là ghe chỉ huy đội ghe ngo). Đây được xem là chiếc ghe có vị trí rất quan trọng và phương tiện không thể thiếu trong cuộc đua ghe ngo.
Trước kia, đến ngày Lễ hội Ok- Om-Bok - Đua ghe ngo của đồng bào Khmer Sóc Trăng, người dân thường nhắc đến chiếc ghe Kê-hâu (ghe hậu cần hay còn gọi thêm là ghe chỉ huy đội ghe ngo). Đây được xem là chiếc ghe có vị trí rất quan trọng và phương tiện không thể thiếu trong cuộc đua ghe ngo.
Ở Sóc Trăng chiếc ghe Kê- hâu đã vắng bóng hàng chục năm nay và hầu như cũng chẳng còn nhiều chùa lưu giữ.
Theo lời kể của những người lớn tuổi trong đồng bào Khmer, trước đây mỗi chiếc ghe ngo đi thi đấu phải có một chiếc Kê- hâu đi kèm.
Đây là chiếc ghe dành cho hòa thượng, thượng tọa, đại đức, người uy tín ngồi và chỉ đạo các đội ghe sau một vòng bơi.
Ngoài ra, ghe Kê- hâu còn dùng để chuyên chở lương thực, nước uống, dàn nhạc… phục vụ cho đội ghe ngo.
Ghe Kê - hâu được trang trí rất tinh xảo và đẹp. |
Thượng tọa Dương Nê – Trụ trì chùa Prêktrokuône, xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên, cho biết: "Kê- hâu là ghe độc mộc được trang trí rất đẹp, nên trước đây chỉ dành cho người uy tín ngồi và chở lương thực phục vụ đội ghe ngo. Kê - hâu cũng được xem là ghe truyền thống độc đáo của đồng bào Khmer.
Năm nay, tỉnh quan tâm phục dựng và tổ chức thi ghe Kê- hâu ngay lễ hội Ok-Om-Bok đua ghe ngo của đồng bào Khmer, sư rất vui. Vì nếu bỏ quên vài năm nữa thì việc phục hồi ghe Kê- hâu rất khó".
Theo thượng tọa Dương Nê, trong chùa hiện còn chiếc ghe Kê- hâu được bảo quản hằng trăm năm nay, vẫn còn nguyên vẹn. Ghe Kê- hâu là ghe độc mộc có chiều dài gần 25m, chiều rộng 1,9m, có dầm để chèo, có sức chứa trên 20 người.
Thượng tọa Danh Nê nói: "Ghe được trang trí những hoa văn được khắc rất tinh xảo. Việc khôi phục ghe Kê- hâu giúp thế hệ trẻ biết đến và cùng nhau giữ gìn loại ghe truyền thống này".
Hiện nay, chùa Prêktrokuône thường có người ra vào để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ghe Kê- hâu. Thân ghe được nghệ nhân vẽ những con rồng dài, phần tay lái được khắc hình con dao rất đẹp.
Còn phần trang trí bên trên ghe là những hoa văn được điêu khắc từng khuôn nhỏ với những loại hoa khác nhau.
Anh Thạch Vi Chách (40 tuổi) sau khi xem ghe Kê- hâu, nói: "Lần đầu tiên mới thấy ghe Kê- hâu. Trước đây, nghe người lớn tuổi kể, tôi cứ tưởng Kê- hâu là ghe bình thường để chở lương thực, đâu ngờ ghe lớn và trang trí công phu, đẹp tinh xảo đến thế".
Nếu như bà con Khmer quý ghe ngo như là một vị thần bảo vệ sự bình yên và bảo vệ phum sóc nên lưu giữ rất kỹ thì ghe Kê- hâu cũng vậy.
Đại đức Lâm Hiệp, trụ trì chùa Tum Núp, xã An Ninh, huyện Châu Thành, nói: "Ghe Kê- hâu và ghe ngo được nhà chùa cất giữ chung một chỗ và bảo quản rất kỹ.
Đây đều là hai loại ghe chiếm vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh đồng bào Khmer.
Ghe Kê- hâu của chùa có từ năm 1802 và vẫn còn nguyên vẹn". Hơn 200 năm tuổi nhưng ghe Kê- hâu của chùa Tum Núp vẫn nguyên nét đẹp cổ xưa. Ông Châu Dương (67 tuổi), Trưởng Ban quản trị chùa Tum Núp, cho biết: "Ghe Kê- hâu được quý như là một báu vật.
Khi nghe tỉnh khôi phục, tổ chức thi ghe Kê- hâu, tôi bắt tay vào trang trí ngay. Từ nhỏ, tôi chỉ thấy ghe Kê- hâu một lần duy nhất và bây giờ, tôi có dịp chính tay trang trí lại ghe để thế hệ trẻ thấy được vẻ đẹp của loại ghe độc mộc này.
Ghe Kê- hâu của chùa có chiều dài 15,4m, ngang 2,4m và mất hơn 2 tháng mới trang trí xong".
Hiện nay, những ngôi chùa Khmer trong tỉnh Sóc Trăng còn lưu giữ các chiếc ghe có giá trị văn hóa như ghe Kê – hâu không còn nhiều. Ông Lâm Vĩnh Phương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, cho biết: "Trong đợt thi lần này, toàn tỉnh có 4 ghe Kê- hâu tham gia.
Ghe Kê- hâu được trang trí đẹp, màu sắc lung linh, kiến trúc mang đậm nét văn hóa của dân tộc. Đặc biệt, ghe chỉ dành cho người uy tín ngồi.
Trước đây, việc trang trí ghe Kê- hâu rất tốn kém nên các chùa đã không làm, thay vào đó thuê chiếc vỏ lãi để vận chuyển lương thực. Việc phục dựng ghe Kê- hâu góp phần rất lớn trong việc giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc".
Theo Cần Thơ Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin