ĐBSCL không còn muốn sống chung với lũ?

05:10, 22/10/2016

"Chạy" con nước triều cường lớn từ rằm tháng 9 âm lịch đe dọa một số đô thị ở hạ nguồn, chúng tôi đi vào "cái rốn" vùng Đồng Tháp Mười, ngược lên thượng nguồn Đồng Tháp, An Giang… để ghi nhận diễn biến của con nước được xem là "đỉnh lũ" hàng năm.

“Chạy” con nước triều cường lớn từ rằm tháng 9 âm lịch đe dọa một số đô thị ở hạ nguồn, chúng tôi đi vào “cái rốn” vùng Đồng Tháp Mười, ngược lên thượng nguồn Đồng Tháp, An Giang… để ghi nhận diễn biến của con nước được xem là “đỉnh lũ” hàng năm.

Và năm nay, sau vài năm lũ kiệt, con nước rằm ập tới bất ngờ đã “chụp” lên lúa Đông Xuân sớm khiến nhiều nơi có khả năng bị thiệt hại nặng. ĐBSCL dường như “không còn muốn sống chung với lũ”, khi hầu hết diện tích trong đê bao vẫn sản xuất như bình thường, nhiều cánh đồng quên hẳn mùa nước nổi và đời sống người dân đã thay đổi rất nhiều…

Kỳ 1: Lũ “chụp” Đông Xuân sớm

Mưa kéo dài kết hợp triều cường mấy ngày qua đã khiến mực nước trên sông rạch vùng ĐBSCL dâng cao và nhanh. Nhiều địa phương đã xuống giống lúa Đông Xuân sớm trở tay không kịp, người dân mất ăn mất ngủ, lo nước vỡ bờ tràn vào ruộng lúa.

Nhóm phụ nữ giặm lúa ở cánh đồng xã Hậu Thạnh Đông đang có nguy cơ mất trắng do phía ngoài đê bao lũ dâng, hiện công giặm lúa là 100.000 đ/6 tiếng.
Nhóm phụ nữ giặm lúa ở cánh đồng xã Hậu Thạnh Đông đang có nguy cơ mất trắng do phía ngoài đê bao lũ dâng, hiện công giặm lúa là 100.000 đ/6 tiếng.

Đông Xuân sớm- đứng ngồi không yên

Từ thị trấn Mỹ An (huyện Tháp Mười- Đồng Tháp) chúng tôi theo đường N2 ruộng lúa xanh rì 2 bên, thỉnh thoảng lại bắt gặp từng nhóm phụ nữ khom lưng giặm lúa trong nắng sớm.

Trên vùng ruộng có nước hiếm hoi chúng tôi gặp, chú Tư Chờ (ấp Cà Nhíp, xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh, Long An) vừa gỡ lưới dính đầy cá, vừa cho biết gia đình chú mới chuyển từ Mộc Hóa xuống đây mua 5 công đất làm lúa cho thuận tiện.

Năm nay nước thấp tè, mới ngập bờ ranh vài bữa nhưng đã nhiều nước hơn năm rồi. Tưởng không có nước, ai dè cũng ngập đồng.

Do từ ban đầu “đánh giá lũ thấp”, theo ông Nguyễn Hữu Hoàng- Phó Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Tân Thạnh, toàn huyện đã xuống giống đợt 1 từ đầu tháng 9 âm lịch hơn 18.500ha lúa Đông Xuân sớm vì dự báo mực nước năm nay nhỏ hơn năm 2015.

Thực tế từ tháng 8 đến đầu tháng 9 âm lịch, mực nước trên sông rạch của huyện rất thấp, nhưng do ảnh hưởng mưa bão số 6, số 7 khiến nước dâng lên rất nhanh và cao là “rất bất ngờ”, trong ngày 17/10 đã cao hơn cả đỉnh lũ năm 2015.

 “Ranh giới” giữa đồng nước và đồng lúa rất gần nhau trên cánh đồng ven đường N2, thuộc huyện Tân Thạnh.
“Ranh giới” giữa đồng nước và đồng lúa rất gần nhau trên cánh đồng ven đường N2, thuộc huyện Tân Thạnh.

Riêng chỉ trong 1 ngày- đêm 18/10, mực nước đo được tại trạm Kiến Bình cao hơn ngày trước đó đến 5cm. Diễn biến bất ngờ của mưa lũ đang đe dọa nhiều tuyến đê bao một số khu vực chưa hoàn chỉnh, khiến người dân đứng ngồi không yên.

Ngày 19/10, ghi nhận của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai- Tìm kiếm, cứu nạn huyện Tân Thạnh cho thấy đã có 15ha lúa ở xã Nhơn Hòa Lập và Hậu Thạnh Tây chìm trong nước lũ.

Hơn 42ha lúa phải sạ lại

Theo ông Võ Văn Hùng Cường- Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân (huyện Tháp Mười- Đồng Tháp), lịch gieo sạ của vụ Đông Xuân của xã từ 5-14/9 âm lịch, nhưng một số nơi bà con đã sạ sớm do không có nước, nay lúa đã 30 ngày.

Đến nay, toàn xã đã có hơn 4.000ha trong đê bao giao sạ đợt 1, chiếm 80% diện tích sản xuất.

Vừa qua, do mưa kéo dài và ốc bươu vàng đã gây thiệt hại một số lúa. Trong đó, 42,5ha phải mất trắng phải gieo sạ lại.

Trong khi đó, một số diện tích lúa trong đê bao ở các xã Hậu Thạnh Tây, Tân Thành, Nhơn Hòa Lập, Hậu Thạnh Đông đang bị đe dọa, có nguy cơ mất trắng.

Theo sự hướng dẫn của ông Nguyễn Hữu Hoàng, chúng tôi đi dọc đường kinh Dương Văn Dương và nhìn thấy nhiều cánh đồng lúa lên xanh bên cạnh cánh đồng nước trắng xóa.

Chẳng hạn, từ kinh Phụng Thớt bên xã Nhơn Hòa có đường giao thông lúa đã xanh, thì bên kia kinh thuộc xã Tân Lập nước ngập đồng. Thậm chí, có nơi giữa đồng lúa và đồng nước chỉ cách nhau một bờ ranh!

Dù là sản xuất trong vùng đê bao, nhiều nông dân nói với chúng tôi “làm Đông Xuân sớm ngay đỉnh lũ tháng 9 luôn đứng ngồi không yên, bởi không lo vỡ đê cũng khó yên với lũ chuột”.

Vì thế, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai- Tìm kiếm, cứu nạn của huyện đã chỉ đạo các xã- thị trấn bám sát địa bàn, kịp thời xử lý khi có tình huống xấu xảy ra; theo dõi tình hình mưa lũ, nhất là các khu vực xung yếu, bảo đảm lực lượng trực 24/24, chủ động gia cố đê bao, bảo vệ lúa Đông Xuân.

“Hàn” kinh cứu lúa

Buổi trưa 19/10, khi chúng tôi tới ấp Huỳnh Tịnh (xã Nhơn Hòa Lập) cũng là lúc chính quyền và người dân trong xã vừa “hàn” xong đoạn kinh ranh có dấu hiệu vỡ.

Phó Trưởng ấp Bùi Văn Hùm cùng nhiều người dân quần áo ướt sũng pha ấm trà nóng, vừa uống một ngụm vừa nói: “Cả tuần nay, tụi tui đi suốt nè.

Kể từ ngày 16/10, mưa lớn kéo dài làm nước lên nhanh. Sáng mưa phải đi kiểm tra đê bao, chỗ nào yếu thì kêu gọi người dân xắn đất vô bao đắp lại. Mấy trăm bao vô đất sẵn, chỗ nào yếu đắp liền”.

Cô Mười Nam trồng sen lấy ngó và bán ngay ven đường N2, với giá 25.000 đ/kg, tăng 5.000 đ/kg so tuần trước, do nước dâng cao hái ngó cực hơn.
Cô Mười Nam trồng sen lấy ngó và bán ngay ven đường N2, với giá 25.000 đ/kg, tăng 5.000 đ/kg so tuần trước, do nước dâng cao hái ngó cực hơn.

Theo ông Bùi Văn Hùm, khu vực có nguy cơ nước tràn, vỡ đê của ấp Huỳnh Tịnh giáp ranh xã Tân Thành đã sạ được khoảng 14 ngày, nhưng đê bao rất yếu, nên người dân có sáng kiến hàn kinh để bảo vệ toàn khu vực gần 200ha lúa.

“Nói dễ hiểu là 2 vùng sản xuất có chung con kinh ranh hình chữ L, tụi tui cho hàn 2 đầu kinh (rộng khoảng 15m) để ngăn nước, vì bờ bao dọc kinh ranh quá meo. Dân 2 xã bắt tay làm, bởi nếu không quyết tâm bể bờ thì lúa mất trắng hết”- chú Tư Tú giải thích.

Cách “hàn” kinh này được một nông dân trong ấp từng có kinh nghiệm ngăn mặn ở Bến Tre hiến kế. Khi có sự cố thì báo chính quyền, người dân địa phương 2 xã tăng cường nhân lực khắc phục.

“Như hồi sáng này, một đầu kinh bị “bộc” nước từ dưới lên, phải huy động cả trăm người cùng làm mới xuể”- ông Hùm nói.

Đây là năm đầu tiên người dân ấp Huỳnh Tịnh khu vực này sạ vụ Đông Xuân sớm, “ai dè nó làm tụi tui mất ăn mất ngủ”- chú Ba Đảo ở cùng ấp cho biết- “kinh nghiệm nông dân thường thường chỉ gieo sạ vụ Đông Xuân cuối tháng 10, 11 sau khi lũ rút dần, chứ ai nhè mới tháng 9 âm lịch đỉnh lũ mà sạ như giờ. Mình làm lúa ỷ y quá”.

Nhiều nông dân cũng cho biết, muốn sạ sớm để thu hoạch trước tết có giá cao, có tiền ăn tết. Nhưng mới đầu vụ đã tốn đủ thứ chi phí, nặng nhất là bơm tát, “tui phỏng phỏng 1 ngày 1 mẫu đất ngốn 60 lít dầu trở lên chứ không dưới, mà ruộng nào cũng đặt máy bơm suốt”.

Còn theo tính toán ước chừng của ông Nguyễn Hữu Hoàng, chi phí sản xuất từ đầu vụ rất cao, không dưới 10 triệu đồng/ha cho giống, phân bón chăm sóc, bơm tát, giặm lúa… “Với 5.000ha bị lũ đe dọa, nếu có sự cố xảy ra, khả năng nông dân mất trắng hơn 5 tỷ đồng”- ông Hoàng cho biết.

Xả lũ tại 2 đập Tha La và Trà Sư

Công ty TNHH 1TV Khai thác thủy lợi An Giang và UBND tỉnh An Giang thông báo lùi thời gian xả nước tại 2 đập Tha La và Trà Sư vào ngày 22/10, thay vì ngày 19/10 như kế hoạch. Theo kế hoạch ban đầu, ngày 19/10, sẽ tiến hành xả lũ 2 đập này, nhưng trước tình hình mực nước lên nhanh, nếu thực hiện xả đập theo kế hoạch sẽ gây ngập, tác động đến sản xuất và đời sống người dân.

Theo các nhà chuyên môn, việc xả lũ này giúp tẩy rửa đồng ruộng và mang lại nguồn phù sa cho khu vực nội đồng vùng tứ giác Long Xuyên.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC - HOÀNG MINH

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh