Ở xã nông thôn vùng sâu, vùng xa Ninh Thạnh Lợi A (huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) có tới 2 ấp với tên gọi mà chỉ mới nghe qua thôi nhiều người đã mơ ước được về đây sinh sống, đó là ấp: Nhà Lầu I và Nhà Lầu II. Ở đây có đến hơn 80% là nhà ở kiên cố, với rất nhiều nhà lầu, biệt thự tiền tỷ...
Ở xã nông thôn vùng sâu, vùng xa Ninh Thạnh Lợi A (huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) có tới 2 ấp với tên gọi mà chỉ mới nghe qua thôi nhiều người đã mơ ước được về đây sinh sống, đó là ấp: Nhà Lầu I và Nhà Lầu II. Ở đây có đến hơn 80% là nhà ở kiên cố, với rất nhiều nhà lầu, biệt thự tiền tỷ...
Cổng chào ấp Nhà Lầu II khá khiêm tốn bên cạnh những ngôi nhà bề thế |
Và quả thực, đúng như tên gọi, ở đây có đến hơn 80% là nhà ở kiên cố, với rất nhiều nhà lầu, biệt thự tiền tỷ.
Từ nhà lầu cây…
Lần đầu đến xã Ninh Thạnh Lợi A, gặp cổng chào ấp Nhà Lầu khiến tôi không khỏi tò mò, tự hỏi: “Tên gọi nhà lầu có từ trước hay đến khi khấm khá, nhiều người xây được nhà lầu mới thành danh?”.
Đem câu hỏi này ghé nhà Bí thư Chi bộ ấp Nhà Lầu II Nguyễn Thanh Thế, vừa pha trà mời khách, ông vừa giải thích: “Vùng đất này xưa kia nghèo lắm, dân có nhà tạm bợ bằng cây lá để ở đã là mừng lắm rồi, lấy đâu ra nhà lầu.
Duy nhất ngôi nhà của vị địa chủ (có từ thời Pháp) là dạng nhà sàn bằng cây, trên có gác, người dân thấy vậy gọi là nhà lầu. Gọi riết rồi thành quen, sau này thành tên ấp, tên làng”.
Để minh chứng cho cái nghèo, cái khó một thời của vùng đất này, ông Thế hỏi tôi: “Chú có nghe nói đến “cánh đồng chó ngáp” bao giờ chưa? Tôi gật đầu. Rồi ông kể: Ninh Thạnh Lợi ngày xưa lọt thỏm giữa cánh đồng chó ngáp, nằm tiếp giáp và có điều kiện tương tự như xứ Cạnh Đền của Vĩnh Thuận, Kiên Giang.
Vùng đất mà chỉ cần nghe miêu tả thôi đã đủ thấy sợ rồi. “Em theo anh về xứ Cạnh Đền. Muỗi kêu mà như sáo thổi. Đỉa lềnh tựa bánh canh…” (Em về Miệt Thứ - Hà Phương).
Nhà lầu, biệt thự mọc lên ngày càng nhiều ở ấp Nhà Lầu I và II |
Cánh đồng chó ngáp ngày trước là một vùng đất hoang vu, nhiễm phèn nặng nằm ở bán đảo Cà Mau, giáp ranh giữa 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang. Phần lớn đất ấy ngày nay nằm ở 2 huyện Phước Long và Hồng Dân (Bạc Liêu).
Theo những lão nông đã gắn bó cả đời với vùng đất này, thì đất hoang ngày ấy rộng mênh mông, nước nhiễm phèn đỏ quạch nên chỉ có một số cây hoang dại, cỏ năn, dừa nước là tồn tại được. Đất rộng, người thưa, thích bao nhiêu thì cứ việc khai phá nhưng chẳng mấy ai thèm ngó tới.
Không ít gia đình từ phương xa tìm đến “khai phá” vùng đất này nhưng cũng chỉ bám trụ được một thời gian ngắn là bỏ phải “bỏ của chạy lấy người”. Vì có làm mà chẳng có ăn. Lúa gieo sạ chưa kịp lên xanh đã chết rụi. Tôm, cá tới mùa dậy phèn là chết sạch. Đến cả chăn nuôi cũng không có nước cho gia súc uống vì nhiễm phèn quá nặng.
Đến nhà lầu xây
Thời gian trôi đi, cánh đồng chó ngáp ngày nào đã nhanh chóng thay da đổi thịt, trở thành rẫy mía, vườn khóm, đồng tôm, ruộng lúa… với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi ha/năm.
Dấu mốc quan trọng của sự chuyển mình ngoạn mục ấy bắt nguồn từ cách đây hơn 20 năm, khi chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo thực hiện.
Tuyến kênh kết hợp với giao thông đường bộ Quản lộ Phụng Hiệp được đào mới, mở rộng, dẫn nước ngọt từ dòng sông Hậu đổ về đây để thau chua, rửa phèn, làm ngọt hóa vùng đất này.
Người dân ở xã Ninh Thạnh Lợi A nói chung và ấp Nhà Lầu I, II nói riêng làm kinh tế rất giỏi, họ nhạy bén trong kinh doanh, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo nhu cầu thị trường.
Chủ tịch UBND xã Ninh Thạnh Lợi A, ông Lê Văn Đang giải thích: “Người dân ở đây không thích lên báo, đài bởi sợ mang tiếng là khoe khoang. Đã có nhiều đoàn đến liên hệ, tôi phải gọi điện năn nỉ họ mới cho vào tham quan, quay phim, chụp hình”.
Sau cuộc điện thoại của Chủ tịch xã, tôi theo chân Chủ tịch Hội Nông dân xã và Bí thư Chi bộ ấp Nhà Lầu II ghé thăm nhà anh Nguyễn Văn Thức khi anh đang hoàn thiện căn biệt thự mini trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Biệt thự trị giá hơn 1 tỷ đồng của anh nông dân trẻ Nguyễn Văn Thức đang chuẩn bị hoàn thành, góp phần làm dài thêm danh sách những căn nhà lầu ở ấp Nhà Lầu II |
“Mới hơn 30 tuổi, với 3ha làm mô hình tôm - lúa vậy mà chỉ khoảng chục năm lập gia đình ra riêng anh đã làm được nhà tiền tỷ, hẳn anh có bí quyết làm giàu?”, tôi hỏi. Anh Thức cười hiền: “Mình chịu khó làm ăn thì đất chẳng phụ công người. Nhưng quan trọng nhất vẫn là biết tích góp, tiết kiệm trong chi tiêu thì mới có.
Ở đây ai cũng vậy, chịu khó tích góp 5 - 7 năm là làm được nhà kiên cố chứ không riêng gì tôi”. Nói rồi, anh Thức lặng lẽ đi vào nhà coi thợ làm, hỏi gì cũng không trả lời thêm.
Ông Nguyễn Văn Dân, cha anh Thức tiếp lời: “Lớp trẻ bây giờ làm kinh tế giỏi hơn tụi tôi. Hồi đó phải đến hơn 40 tuổi tui mới xây được nhà lầu. Còn bây giờ ở đây nhiều em chỉ ngoài 30 thôi là đã làm được nhà cao cửa rộng rồi.
Nhưng cũng phải, thời đó đất đai mới khai hoang, làm rẫy (trồng mía, khóm) ăn chắc nhưng thu nhập không cao. Nếu so với nuôi trồng thủy sản, nhất là quảng canh tôm - lúa thì thua xa”.
Chia tay cha, con chú Dân, chúng tôi ghé thăm nhà chú Năm Phê (Đặng Ngọc Phê), một nông dân sản xuất giỏi với mô hình đa canh. Gia đình chú Năm Phê có 6ha đất, phần lớn diện tích được múc mương, đắp vuông sản xuất luôn canh 1 vụ tôm, 1 vụ lúa. Sau nhà là trang trại nuôi cá sấu và hầm nuôi cá nước ngọt…
Chú Năm Phê (áo xanh) bên trang trại nuôi cá sấu của gia đình |
Cũng như nhiều người khác khi xưa về đây lập nghiệp, đất đai không phải mua, gia đình chú Năm Phê ra sức khai hoang, lên liếp trồng khóm. Chú Năm nhớ lại: “Cây khóm chịu đất phèn nên trồng khá tốt, cho thu ổn định.
Tuy nhiên, do phải trồng trên liếp, chỗ trũng thấp phải bỏ nên diện tích sử dụng được không nhiều. Hơn nữa, trồng thời gian dài giống sẽ bị thoái hóa, năng suất cứ giảm dần.
Nhiều người chuyển qua trồng trúc, bán cho các cơ sở đan mê bồ (tấm cót). Đan lát cũng từng là nghề ăn nên làm ra của nhiều hộ dân ở đây”.
Vùng đất Ninh Thạnh Lợi A thật sự đổi đời từ khi theo phong trào chuyển dịch sang mô hình luân canh lúa, tôm, cua biển. Nếu như làm rẫy chỉ tận dụng được những chỗ cao thì lúa - tôm làm được hết, diện tích canh tác được mở rộng tối đa. Con tôm, con cua lại có giá trị kinh tế cao nên mỗi hộ thu nhập từ vài trăm triệu, thậm chí tiền tỷ không phải là hiếm.
Có thu nhập cao, ngoài tái đầu tư cho sản xuất, lo cho con cái ăn học, người dân dành dụm để xây dựng nhà cửa, mua sắm vật dụng trong gia đình.
Nếu như trước đây, nhà lầu chỉ là cách quen gọi của người dân thì hiện nay đã thành đơn vị hành chính của xã. Và người dân nơi đây cũng tự hào khi đang sống trong “ấp Nhà Lầu” theo đúng nghĩa của nó.
Theo ĐÀO TRUNG CHÁNH (Nông Nghiệp Việt Nam)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin