Người dân miền Tây lao đao khi lũ cạn

06:09, 25/09/2016

Hiện nay, tại những địa điểm được cho là tâm lũ của vùng ĐBSCL, như các huyện, thị xã: An Phú, Phú Tân, Tân Châu (An Giang); Tân Hồng, Hồng Ngự (Đồng Tháp)… mực nước vẫn chỉ ngấp nghé chân bờ ruộng.

Hiện nay, tại những địa điểm được cho là tâm lũ của vùng ĐBSCL, như các huyện, thị xã: An Phú, Phú Tân, Tân Châu (An Giang); Tân Hồng, Hồng Ngự (Đồng Tháp)… mực nước vẫn chỉ ngấp nghé chân bờ ruộng.

Trước tình hình trên, nhiều chuyên gia cũng như cơ quan chức năng nhận định rất có thể năm nay vùng ĐBSCL sẽ chỉ đón lũ cạn.

Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (Bộ NN&PTNT, tình hình lũ ở ĐBSCL năm nay đang ở mức khá thấp. Bên cạnh đó, lượng mưa ở các tỉnh Nam Bộ và Tây Nguyên trong các tháng 7, 8, 9 và tháng 12-2016 thấp hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%. Ngoài ra, dự báo bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Đông sẽ ít hơn trung bình nhiều năm…

Từ những yếu tố trên nên nhận định khả năng năm 2016 lũ ở ĐBSCL sẽ nhỏ. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ khoảng cuối tháng 9 và nửa đầu tháng 10. Trừ trường hợp có bất thường về thời tiết thì lũ cũng ở mức dưới 4,5m tại Tân Châu.

 

Cuộc sống của người dân miền Tây đang khốn khó vì mùa lũ năm nay càng thêm cạn.
Cuộc sống của người dân miền Tây đang khốn khó vì mùa lũ năm nay càng thêm cạn.

Ông Huỳnh Văn Gừng (ngụ xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cho biết: “Chuẩn bị bước sang tháng 8 âm lịch, nhưng nước trên đồng chỉ đến mắt cá chân.

Theo kinh nghiệm của tôi, nếu mà muốn có “mùa lũ đẹp” thì  vào thời điểm này nước đã phải nhảy lên khỏi mặt ruộng vài tấc (vài chục centimet). Cứ đà này, năm nay bà con chúng tôi phải đón… lũ cạn”.

Tại Đồng Tháp, nhiều cánh đồng đang đợi “con nước” về để mang theo phù sa, cũng như cuốn trôi đi sâu bệnh. “Ba năm trở lại đây, mỗi năm lượng nước lũ về ngày một ít, thông thường đầu tháng 8 (âm lịch) là nước đã tràn đồng.

Vào năm 2015, đến giữa tháng 9 nước mới “phân đồng” rồi bắt đầu rút. Theo nhận định của tôi có thể năm nay nước lũ sẽ không tràn được vào đồng.

Đất bị “chai” sau 2 vụ canh tác và chỉ chờ phù sa về để cải thiện, nhưng khi lũ không về thì coi như bỏ không vụ 3” - anh Nguyễn Văn Bình (ngụ xã Phú Ninh, huyện Tam Nông, Đồng Tháp) cho biết.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết, điều đáng lo ngại là vùng ĐBSCL vừa trải qua cơn hạn, mặn dữ dội nhất trong lịch sử, gây thiệt hại nặng nề cho cây lúa, cây ăn trái, thủy sản…

Bây giờ lũ không về đồng nghĩa với việc người dân miền Tây sẽ chịu thiệt hại kép. Sản xuất nông nghiệp tới đây sẽ đối mặt với nhiều thách thức, trong đó thời vụ canh tác có thể bị xáo trộn, chi phí sản xuất tăng cao.

Ngoài ra, hệ sinh thái của vùng ĐBSCL cũng bị ảnh hưởng, tình trạng sạt lở, sụt lún… sẽ diễn ra nghiêm trọng hơn.

Cha con anh Sale (dân tộc Chăm) dùng chiếc ghe cào của mình để đưa rước khách tham quan.
Cha con anh Sale (dân tộc Chăm) dùng chiếc ghe cào của mình để đưa rước khách tham quan.

Th.s Kỷ Quang Vinh, Chánh văn phòng Biến đổi khí hậu TP Cần Thơ cho biết, qua số liệu đo đạc từ một số trạm tại Thái Lan đến Campuchia thì mực nước ở lưu vực sông Mêkông thấp hơn năm 2015 từ vài tấc đến 1m. Vì vậy, dự báo lũ về ĐBSCL thấp.

Ông Vinh, dự báo: “Lũ về thấp một phần do tác động từ các đập thuỷ điện ở thượng nguồn. Nhưng quan trọng hơn là từ năm rồi đến năm nay, những cơn mưa lớn hay cơn bão đều xuất hiện ở bờ biển chứ không phải trên lưu vực sông Mêkông nên không có lượng mưa bổ sung cho con sông này.

Hiện nay chưa hết mùa mưa nên chưa thể kết luận điều gì. Tuy nhiên, các tỉnh ĐBSCL nên có tâm lý chuẩn bị đối phó với hạn, mặn vào năm 2017 nếu như lũ năm nay về thấp”.

Theo Th.s Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL cho biết, qua quan sát mực nước tại một số trạm trên sông Mêkông những ngày gần đây có tăng nhưng vẫn thấp hơn các năm trước.

Do năm 2015 là năm khô hạn lịch sử nên khi nước thượng nguồn về sẽ chảy về những vùng đó. Vì vậy, dự báo năm sau hạn, mặn có thể sẽ lặp lại như năm nay, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Ông Thiện khuyến cáo: “Đối với sản xuất, trong tình huống cực đoan, ngành Nông nghiệp nên có dự báo để nông dân tránh thiệt hại và thay đổi phương thức canh tác, hoặc tránh xuống giống hẳn năm đó.

Đối với nước sinh hoạt, nếu biết trước có hạn, mặn thì các việc trữ nước trong kênh, mương, ao hồ địa phương nên tiến hành làm sớm”.

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, lũ ở ĐBSCL có xu thế thấp dần do yếu tố tự nhiên và đặc biệt là sự điều tiết của các hồ chứa ở thượng lưu. Sau các trận lũ lớn năm 1994, 1996, 2000, 2001, 2002, hơn 10 năm liền ĐBSCL chỉ có lũ vừa đến nhỏ, thậm chí rất nhỏ (trừ năm 2011).

Tổng lượng lũ vào ĐBSCL từ 380-420 tỉ m3 và kéo dài đến tháng 11, 12 như trước đây đến nay chỉ còn khoảng 300-320 tỉ m3 và hầu như kết thúc vào tháng 11.

Thêm vào đó, gần 50% vùng ngập trung bình và 30% vùng ngập sâu đã được các tỉnh tiến hành kiểm soát lũ để sản xuất vụ thu đông, khiến khả năng trữ lũ của ĐBSCL giảm chỉ còn hơn ½ so với trước đây (từ 5-7 tỉ m3 xuống 3-4 tỉ m3).

Theo CAND

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh