Bến Tre không chỉ có dừa. Bến Tre còn quyến rũ bởi nhiều điều giản dị mà kỳ lạ, trong đó có dòng sông cùng mang tên Bến Tre, nơi in bóng mọi thăng trầm của vùng đất đặc biệt được hình thành bởi các cù lao của đất Chín Rồng.
Bến Tre không chỉ có dừa. Bến Tre còn quyến rũ bởi nhiều điều giản dị mà kỳ lạ, trong đó có dòng sông cùng mang tên Bến Tre, nơi in bóng mọi thăng trầm của vùng đất đặc biệt được hình thành bởi các cù lao của đất Chín Rồng.
Tỉnh Bến Tre nằm ở Tây Nam bộ, cách TPHCM gần 90km. Địa danh Bến Tre vốn xuất hiện từ thời nhà Nguyễn.
Vào ngày 1-1-1900, chính quyền thuộc địa Pháp thành lập tỉnh Bến Tre, đến ngày 22-10-1956 chế độ cũ đổi thành tỉnh Kiến Hòa.
Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, tỉnh Bến Tre được tái lập, có địa giới nằm trên 3 cù lao lớn: cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hóa.
Điều thú vị là Bến Tre chẳng những là tên của một tỉnh mà còn là tên của một TP tỉnh lỵ nằm trên phần đất cù lao Bảo. TP Bến Tre vốn được nâng cấp từ thị xã, trước năm 1975 là quận Trúc Giang - tỉnh lỵ của tỉnh Kiến Hòa.
Ngoài ra, Bến Tre còn là tên của một dòng sông nhỏ chảy ngang TP Bến Tre và là tên của một cây cầu mới bắc ngang sông nằm trên đường Hùng Vương, cùng một ngôi chợ trung tâm. Nghĩa là đến Bến Tre du khách sẽ thấy có nhiều… Bến Tre.
Sông Bến Tre có chiều dài khoảng 30km, bắt nguồn từ một nhánh sông Tiền ở xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm. Sau khi chảy quanh co theo hướng Tây Bắc đến TP Bến Tre, dòng sông lại chia làm 2 nhánh. Một nhánh chảy theo hướng Bắc đổ ra sông Ba Lai.
Còn một nhánh chảy theo hướng Tây Nam đổ ra sông Hàm Luông. Sông Bến Tre là tuyến đường thủy nội tỉnh quan trọng, hợp cùng với các dòng sông Hàm Luông, Ba Lai, Cổ Chiên thành hệ thống đường thủy nối liền Bến Tre với các tỉnh khác ở Nam bộ.
Mọi nét cổ kính và hiện đại của Bến Tre ngày nay đều gắn liền và in bóng xuống dòng sông Bến Tre.
Con đường Hùng Vương chạy dọc phía Nam bờ sông thơ mộng, là nơi tọa lạc của những công trình kiến trúc cổ, tiêu biểu nhất là Bảo tàng tỉnh Bến Tre được xây dựng theo kiểu Pháp gồm 1 trệt và lầu, diện tích 474m2, nằm trong khuôn viên rộng hơn 13.000m2.
Đây là di tích lịch sử văn hóa đặc biệt gắn liền với mọi thăng trầm của tỉnh Bến Tre cũng như Tây Nam bộ hơn 1 thế kỷ qua.
Cùng nằm trên đường Hùng Vương hoặc những con đường lân cận, soi bóng xuống dòng sông Bến Tre, còn có nhiều tòa cao ốc mới xây dựng phản ánh sự phát triển không ngừng của TP Bến Tre.
Ngoài ra, ở đây còn có ngôi chợ Bến Tre, trung tâm thương mại lớn và lâu đời, đầu mối của nhiều loại hàng hóa nông, thủy sản tỏa đi khắp tỉnh thành lân cận.
Ngoài vị thế xung yếu về giao thông và thương mại, sông Bến Tre còn là nơi giàu tiềm năng phát triển du lịch. Lòng sông sâu và rộng, 2 bên bờ có phong cảnh tuyệt đẹp tiêu biểu của xứ dừa.
Về đêm, du khách có thể lên nhà hàng nổi thưởng thức ẩm thực xứ dừa, thả hồn trong tiếng gió, trở về với âm vang hào khí lịch sử văn hóa Bến Tre một thời chưa xa gắn liền với bước chân khẩn hoang, giữ nước của tổ tiên, đặc biệt là tinh thần nghĩa khí Lục Vân Tiên của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu.
Bến Tre và sông Bến Tre giản dị mà kỳ lạ, quyến rũ, chứa đựng nhiều bí ẩn.
Cầu mới Bến Tre bắc qua sông Bến Tre. |
Một bến thuyền trên sông Bến Tre trong sương sớm. |
Cổ thụ soi bóng dòng sông Bến Tre. |
Theo HOÀNG THỦY (Sài Gòn Đầu Tư)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin