Đảo Hải Tặc, nghe qua ít người hình dung ra được vị trí đảo này ở đâu. Bạn hãy thử làm một chuyến "giong buồm" ra chơi đảo, để cảm nhận được nét hoang sơ và dịu dàng, hoàn toàn không "rùng rợn" như cái tên của nó.
Đảo Hải Tặc, nghe qua ít người hình dung ra được vị trí đảo này ở đâu. Bạn hãy thử làm một chuyến “giong buồm” ra chơi đảo, để cảm nhận được nét hoang sơ và dịu dàng, hoàn toàn không “rùng rợn” như cái tên của nó.
Đảo chỉ cách thị xã Hà Tiên, Kiên Giang chừng 14 cây số, giáp biên giới biển với nước bạn Campuchia.
ĐảoHải Tặc gồm 15 hòn là Hòn Keo Ngựa, Hòn Kiến Vàng, Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Vinh, Hòn Gùi, Hòn Ụ, Hòn Giong, Hòn Chơ Rơ, Hòn Đước, Hòn Bò Dập, Hòn Đồi Mồi… hợp thành. Diện tích tự nhiên của quần đảo khoảng 283km2, nơi cao nhất chỉ 81m so với mực nước biển.
Trên đảo hiện có trên một ngàn người sinh sống. Trong số 15 hòn của quần đảo Hải Tặc chỉ có 7 hòn có người dân sinh sống, còn lại là đảo hoang. Đặc biệt có hòn chỉ có một người định cư với nghề đánh bắt, gọi là đảo Robinson.
Điểm hấp dẫn nhất đối với du khách chính là nét hoang sơ của phong cảnh và vẻ huyền bí về tên gọi của nó. Không ít đoàn thám hiểm đã ra quần đảo này chỉ để tìm kho báu mà như lời đồn là của cướp biển chôn giấu.
Quần đảo Hải Tặc ngày xưa là “căn cứ địa” của băng cướp Cánh buồm đen. Xuất phát từ đây, bọn cướp biển khống chế các tàu buôn từ vịnh Rạch Giá – Hà Tiên ra đến vịnh Thái Lan. Sau khi cướp xong, bọn chúng vào lẫn tránh trên đảo.
Chính vẻ đẹp nên thơ và người dân hiếu khách, thân thiện đã làm nên nét hấp dẫn của quần đảo nhỏ giữa lòng biển Tây Nam này.
Hoang sơ đến nỗi, trên đảo không có lấy một khách sạn. Khách có thể ngủ lại bất cứ nhà nào, được người dân hướng dẫn các điểm tham quan, câu cá, rồi tự chế biến ngay tại nhà dân hay trên bãi biển. Dân ở đây còn chân chất, nên tính hiếu khách cũng đậm đặc mùi biển khơi.
Có người đã từng đến đây thì họ mang theo lều, rồi dựng ngay trên bãi biển trong những đêm trăng sáng, vừa được thưởng thức các món đặc sản biển, vừa được nghe tiếng sóng nhẹ nhàng và ngắm ánh trăng vàng như mật ong thổi những con sóng già lăn tăn trên mặt biển.
Chỉ có một ngày, chúng tôi không có cái may mắn ngắm trăng trên biển, nhưng bù lại là cảm nhận thiêng liêng về chủ quyền dân tộc khi chúng tôi được mục sở thị cột mốc quốc gia. Một trụ bê tông cao khoảng 4 mét, những thông tin ghi lại trên trụ bê tông này thì cột mốc được xây dựng vào năm 1958, với những chữ nhỏ màu đen ở phần trên: “Quần đảo Hải Tặc.
Hải đồ số: 3686 S.H; vĩ tuyến 10 độ 10’ 8; kinh tuyến 104 độ 20’ 0”. Phần đế của trụ là những dòng chữ to có màu đỏ và vàng: “Quần đảo Hải Tặc gồm có các đảo sau: hòn Kèo Ngựa, hòn Kiến Vàng, hòn Tre Lớn, hòn Tre Vinh, hòn Gùi, hòn Ụ, hòn Giang, hòn Chơ Rơ, hòn Đước, hòn Bô Dập, hòn Đồi Mồi…”.
Cuối các dòng chữ có chú thích: “Phái bộ quân sự thị sát và nghiên cứu, đến viếng (thăm) quần đảo ngày 28-7-1958, dưới sự hướng dẫn của Hải quân Việt Nam”.
Không đi đâu xa, tôi chạm tay vào cột mốc để được một lần giữa trùng khơi cảm nhận sự thiêng liêng về chủ quyền dân tộc. Hơn nửa thế kỷ, cột mốc đã trở thành chứng nhân xác định chủ quyền mà không ai có thể thay đổi.
Tôi bồi hồi nghĩ, trong một đời người, mấy ai có cơ hội chạm tay vào cột mốc thiêng liêng này. Thế mới biết, biển đảo quê hương còn quá nhiều điều mà chúng ta cần khám phá, để hun đúc thêm tình yêu đất nước mình.
Từ thị xã Hà Tiên, mỗi ngày có một chuyến tàu đi ra đảo Hải Tặc. Hoặc nếu đi theo nhóm, bạn có thể thuê tàu cá chở ra đảo, giá cả vừa phải. Để tránh xa cái không khí ồn ào của phố thị, có lẽ không có nơi nào lý tưởng hơn là “giong buồm” ra đảo khơi, để vừa được thưởng thức những món ăn ngon, vừa được ngắm nhìn phong cảnh hoang sơ mà nên thơ.
Và cũng là dịp để nghe người bản xứ kể những câu chuyện về băng cướp Cánh buồm đen ngày xưa, một thời là nỗi kinh hoàng của người đi biển.
Theo PHAN TRƯỜNG SƠN (nld.com.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin