Khu du lịch hòn Ðá Bạc thuộc xóm Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, cách trung tâm TP Cà Mau 50 km đường thuỷ, 42 km đường bộ. Ðây chính là kiệt tác mà tạo hoá ban tặng cho tỉnh Cà Mau.
Khu du lịch hòn Ðá Bạc thuộc xóm Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, cách trung tâm TP Cà Mau 50 km đường thuỷ, 42 km đường bộ. Ðây chính là kiệt tác mà tạo hoá ban tặng cho tỉnh Cà Mau.
Để đến hòn Ðá Bạc, du khách có thể đi bằng đường thuỷ hoặc đường bộ. Nếu đi bằng đường thuỷ, từ TP Cà Mau, du khách xuôi theo dòng kinh Tắc Thủ, sang kinh Hội Ðồng Thành về phía Tây, vượt thêm khoảng 40 km nữa là đến hòn Ðá Bạc.
Nếu đi theo đường bộ, TP Cà Mau, du khách theo hướng Tắc Thủ - Vườn Quốc gia U Minh Hạ; tiếp tục theo hướng về Nông trường Minh Hà rồi qua Cơi Năm, du khách sẽ đến ấp Ðá Bạc B, xã Khánh Bình Tây. Từ đây, du khách sẽ ra Hòn Ðá Bạc bằng cây cầu xi-măng nối giữa đất liền với hòn.
Du khách tham quan hòn Ðá Bạc.Ảnh: VŨ TRÂN |
Ðây là một cụm đá nằm nhô cao khoảng 50 m so với mặt nước biển, gồm các hòn liền nhau: Hòn Trọi, hòn Ông Ngộ và hòn Ðá Bạc với tổng diện tích 6,5 ha. Ngoại trừ Hòn Trọi nhỏ bé nằm giữa Hòn Ông Ngộ và Hòn Ðá Bạc, xung quanh chỉ toàn là đá với đá, còn hai hòn kia đều được phủ bóng mát cây rừng xanh mướt.
Với bóng cây bàng, bồ đề che rợp, Hòn Ðá Bạc lúc nào cũng rì rào tiếng gió biển. Ðiều đầu tiên đập vào mắt du khách khi dạo quanh hòn là vô số những viên đá granite chồng chất lên nhau.
Tất cả như một bàn tay huyền bí nào đó được nặn thành những hình thù kỳ lạ, đẹp mắt, sắp xếp thành từng dãy, từng bãi, trải dài bao quanh bờ biển.
Ðến với cụm đảo thứ nhất, phải vượt qua cây cầu nối từ đất liền ra đảo dài khoảng 400 m. Ở đây, ngoài vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, các vách đá cao sừng sững, các con sóng của biển liên tiếp vỗ quanh bờ tung lên những bọt sóng tung toé.
Ðể thuận tiện tham quan, nơi đây có dịch vụ xe đưa du khách đi vòng quanh hòn. Du khách sẽ dễ dàng chiêm ngưỡng phong cảnh thật đẹp, chắc chắn du khách sẽ cảm giác thoải mái và thật sự hài lòng với dịch vụ này.
Du khách thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên và chụp ảnh lưu niệm tại Hòn Ðá Bạc. Ảnh: V.TRÂN |
Sang cụm đảo thứ hai, du khách sẽ được khám phá nét đẹp thần tiên với những kiệt tác của tạo hoá như “sân Tiên”, “giếng Tiên”, “bàn chân Tiên”, “bàn tay năm ngón bằng đá”.
Ngoài chiêm ngưỡng những cảnh đẹp, du khách có thể tắm biển, câu cá, đụt hàu, đi ghe… và đặc biệt du khách có thể tìm hiểu khám phá cuộc sống của người dân xứ biển Cà Mau nơi đây.
Anh Văn Toán chia sẻ: “Câu cá giúp tôi thư giãn. Nhà tôi ở gần đây, cần câu và mồi thì tôi mang theo từ nhà. Cá ở đây rất phong phú và đa dạng, cứ khoảng chục phút tôi lại câu dính vài con, nào là cá nâu, cá ngát… còn có cả mực nữa”.
Du khách Trần Nam, quê ở Ðầm Dơi, thích thú chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Cà Mau nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến Hòn Ðá Bạc. Tôi nhận thấy phong cảnh Hòn Ðá Bạc thật đẹp, đẹp hơn trên ti-vi, với quang cảnh mát mẻ, hải sản tươi ngon. Tôi nghe danh đã lâu rồi, giờ mới có dịp đến, tôi nhất định sẽ giới thiệu cho bạn bè và sẽ cùng họ đến đây”.
Nếu du khách có nhu cầu đánh bắt và thưởng thức các loại hải sản, những bếp than đỏ rực của ngư dân sẵn sàng phục vụ.
Du khách có thể nếm thử những con mực, cá đối tươi ngon cùng nhâm nhi những chai rượu đặc sản, ngắm nhìn bầu trời, mây, gió, biển và thả hồn theo những con sóng… một cảm giác khó có thể quên. Hơn thế nữa, ở đây còn có khách sạn và nhà hàng sẵn sàng phục vụ những du khách muốn dừng chân qua đêm.
Theo con đường xuyên đỉnh, du khách sẽ đến Ðền thờ cá Ông. Tương truyền rằng, cá Ông hay cứu ngư dân đi biển thoát nạn khi gặp sự cố nên người dân nơi đây rất mang ơn, tin tưởng và lập Ðền thờ cá Ông (ông Nam Hải). Ông Nguyễn Văn Hùng, 37 tuổi, đã viết lại tờ tường thuật và được treo tại đền thờ về sự việc gặp sự cố trên biển được cá Ông (cá voi xanh) cứu giúp vào ngày 29/4/1996 âm lịch.
Bộ xương cá Ông có mặt tại đây hơn 30 năm, có chiều dài hơn 22 m. Phía bên trong bộ xương cá Ông dài hàng chục mét, khúc xương sống kéo dài nhuộm đẫm thời gian.
Hằng ngày, rất nhiều du khách đến đây thắp hương cầu nguyện sức khoẻ cũng như được nhiều may mắn trong cuộc sống.
Trên đỉnh Hòn Ðá Bạc, Tượng đài Bảo vệ Tổ quốc đứng uy nghi, đây là nơi ghi dấu chuyên án thắng lợi CM12. Tượng đài An ninh Tổ quốc được đặt trong lòng hai con tàu mang biển số B1, B3.
Trưng bày hiện vật trong Chuyên án CM12. Ảnh: V.TRÂN |
Ngoài ra, đến với hòn Ðá Bạc, du khách khám phá và hiểu thêm về quá trình làm khô mực, khô cá, ruốc…, tuỳ từng mùa mà người dân sẽ làm các loại khô khác nhau.
Tất cả hải sản đều được bắt trực tiếp từ dưới biển rồi đem lên phơi khô, du khách có thể mua về thưởng thức hay làm quà cho bạn bè, gia đình.
Chị Ðỗ Phan Yến My, quản lý du lịch ở hòn Ðá Bạc, vui vẻ cho biết: “Du khách đến đây đông nhất vào dịp lễ, Tết, số lượng tăng theo hằng năm. Tương lai hòn Ðá Bạc sẽ xây thêm nhiều bãi tắm, những công trình phụ trợ, khu nghỉ dưỡng xung quanh hòn Ðá Bạc, dự án này sẽ hoàn thành trong 5 năm”.
Với cảnh quan thơ mộng, hùng vĩ, hòn Ðá Bạc ngày càng thu hút khách du lịch tham quan. Tháng 6/2009, hòn Ðá Bạc đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia./.
Tượng đài Bảo vệ Tổ quốc đứng uy nghi, đây là nơi ghi dấu Chuyên án CM12 thắng lợi, lực lượng Công an Nhân dân làm thất bại âm mưu của bọn phản động lưu vong ở nước ngoài hòng gây mất ổn định nước ta. Chúng ta đã đón bắt được 18 chuyến xâm nhập, 189 tên biệt kích, 300 tấn vũ khí, 14 tấn tiền giả, 2 tàu vận tải, triệt phá thành công cuộc nhập biên phá hoại của bọn phản động mà cầm đầu là Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh. |
Theo Báo Cà Mau Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin