"Săn" nấm mối ở miền Tây

07:06, 27/06/2016

Khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống là mùa nấm mối bắt đầu. Nhận điện thoại đứa cháu rủ rê, tôi dong xe về Bến Tre "săn" sản vật trời cho này. "Săn" nấm mối cũng hết sức ly kỳ, người "nặng vía" dù có giẫm lên cũng chẳng thể nào phát hiện...

Khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống là mùa nấm mối bắt đầu. Nhận điện thoại đứa cháu rủ rê, tôi dong xe về Bến Tre “săn” sản vật trời cho này. “Săn” nấm mối cũng hết sức ly kỳ, người "nặng vía" dù có giẫm lên cũng chẳng thể nào phát hiện...

Ly kỳ “săn” nấm mối

 

Mới 4h sáng, hai anh em Thanh Hòa, Trung Tính (xã Thanh Tân, Mỏ Cày, Bến Tre) đã dựng tôi dậy: “Dậy đi săn nấm mối với tụi con nè cậu!”. Tò mò tỉnh cả ngủ, tôi gật đầu cái rụp...

 

Có kinh nghiệm săn nấm mối cả chục năm, Hòa giảng giải: Mỗi năm nấm mối rộ nhất vào giữa tháng sáu và đầu tháng bảy, nhưng năm nay miền Tây mưa ít nên nấm mọc trễ hơn. Khi trời mưa dầm kéo dài nhiều ngày, loài mối này tiết ra một chất men xung quanh tổ. Đến khi trời nắng thì nấm sẽ mọc lên thành từng đám, có khi kéo dài vài mét. Đêm qua có một trận mưa to nên sáng nay có thể cả nhóm sẽ trúng đậm...

 

Cùng săn nấm mối với anh từ nhỏ, Tính cho biết: Nấm mối thường nứt đất chui lên từ 1, 2h sáng và khi trời sáng là bắt đầu tàn. Nên phải đi sớm, vừa "xí phần" vừa nhổ được nấm ngon. Loại nấm này cũng lạ, rất “ăn” đèn, phát sáng rất dễ thấy... Tôi được phát một cây đèn pin lẽo đẽo theo chân hai "cao thủ tuổi teen săn nấm mối" của vùng đất cù lao, tiến sâu vào các khu vườn rậm rạp.

Chúng tôi tiến về khu vực gò Cây Quao. Nhưng soi mãi, cả nhóm vẫn không phát hiện được gì. Hòa tặc lưỡi: “Lẽ ra giờ nó đã mọc rồi sao vẫn chưa thấy nhỉ? Chắc mưa ít nên nó mọc trễ, hoặc là ổ mối đã di chuyển nơi khác”. Với các cao thủ săn nấm mối, ai cũng có cả một quyển sổ ghi rất rõ ngày nấm mọc. Bởi loại nấm này có tập tính là mọc rất đúng ngày. Mãi vẫn không phát hiện được gì, tôi tỏ vẻ thất vọng. Hòa bảo: “Săn nấm mối cũng kỳ lắm nha cậu. Người "nặng vía" dù có giẫm lên cũng chẳng tìm được. Ngược lại, người “nhẹ vía” hễ đi tìm là thường trúng đậm...”.

 

Điểm đến mới mà cả hai tràn trề hy vọng là khu vực bụi nứa. Đúng như dự đoán, dưới ánh đèn pin, trên một gò đất nhô cao phủ đầy lá mục, những tai nấm đen trũi nhú lên khắp nơi như những chiếc ô xinh. Thấy tôi ồ lên định lao đến nhổ, hai đứa cháu vội ngăn lại, giải thích một điểm nữa rất kỳ lạ của loài nấm này là không được dùng các dụng cụ bằng kim loại nhổ, sẽ làm nấm chai và sau này “dọn” đi nơi khác. Chúng bảo kinh nghiệm này do các thế hệ trước truyền lại.

 

Nhổ nấm đúng cách là phải dùng tay nhẹ nhàng, nhưng tốt nhất là sử dụng que cây hoặc tre bứng nó lên. Cả ba chúng tôi vừa nhẹ nhàng bứng các tai nấm xinh xinh, vừa cười nói vang động cả vườn nứa tĩnh mịch. Tiếng chân nấm gãy nghe “cắc cắc” vô cùng vui tai, mà không phải ai cũng có “cái duyên” được trải qua.

 

Hai thằng cháu dặn tôi đừng khoét quá sâu chân nấm, bởi nấm là thức ăn của mối nên cũng phải chừa lại chút chút cho cả tổ. Nếu khai thác quá mức sẽ cạn kiệt nguồn sống và sinh sản, chắc chắn chúng sẽ “dọn nhà” đi mất. Vẫn còn một số tai nấm búp vừa nứt đất chui lên, cả hai "sư phụ nhí" dùng lá chuối úp lên chờ thu hoạch sau. Cả hai “bật mí” những tàu lá chuối xanh úp lên cũng là một cách như báo cho những người đến sau biết gò nấm này đã có chủ.

 

Bạc triệu một ký

 

Tờ mờ sáng, cả ba chúng tôi quay về nhà, trút ra cả rổ hơn nửa ký lô. Hai "sư phụ nhí" cho biết: Những năm gần đây thời tiết bất thường, vườn tược bị đào xới nhiều nên không còn nhiều tổ mối. Những năm trước giữa tháng sáu, không cần đi đâu xa chỉ những “chỗ quen” bên nhà, bờ ao, nhiều khi thu hoạch được vài ký là bình thường.

 

Nhìn chiến lợi phẩm ba đứa mang về, dì Sáu mẹ của Hòa cười giòn tan xoa đầu tôi khen: “Thằng này vậy mà có duyên với nấm mối. Chút dì sẽ đãi tụi mày các món bằng nấm mối nhé!”. Dì cho biết: Nấm mối không thể trồng được và cũng chỉ mọc trong hai tháng đầu hè, nên được xem là đặc sản quý hiếm của bà con quê. Nhiều người giàu có tiền, nhiều khi muốn mua cũng chẳng có. Năm nay, theo nhiều nông dân, giá tại nhà vườn ngay đầu mùa đã rất cao, lên tới trên 500.000 đồng/kg, còn đưa lên TP.HCM giá từ 600.000 đến gần 1 triệu đồng/kg. Tăng gần gấp rưỡi so với năm ngoái. Nhưng số lượng không đủ cung cấp cho những khách sành ăn. Lý do nấm năm nay mọc ít bởi nắng nóng và mưa ít, không thuận lợi cho nấm phát triển. Tuy nhiên, chỉ mới là đầu mùa mưa, có thể vào cuối tháng sáu rất có thể nấm sẽ rộ lên....

 

Nấm mối dai, ngon ngọt hơn cả thịt gà lại rất bổ dưỡng có thể làm được vô số món như xào mỡ, kho, làm bánh xèo, nấu canh rau mà ngon nhất là với lá cách - một loại cây mọc ven bờ ao. Trong khi chờ dì Sáu đổ món bánh xèo, hai đứa cháu lấy lá cách gói các tai nấm búp tròn rồi nướng trên lửa đãi tôi. Vị ngọt dịu tự nhiên của nấm nướng và mùi lá cách chan chát thơm thơm hòa quyện vào nhau thấm sâu trên đầu lưỡi ngon không thể tả. Thật yêu làm sao vùng đất cù lao này. Nhất định tháng này năm sau tôi sẽ ghé lại cùng “săn” nấm mối với hai “sư phụ nhí” vùng cù lao Bến Tre này...

 

Tên gọi nấm mối vì nấm chỉ xuất hiện ở nơi có nhiều mối sinh sống, là loại mối đất chứ không phải mối sống trên cây. Nấm mối xuất hiện vào đầu mùa mưa, khoảng từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm. Thường nấm mối xuất hiện ở nơi đất cao vì mối không thể làm ổ ở nơi đất quá ẩm ướt. Nấm mối màu trắng, gốc hơi ngả vàng. Muốn biết chắc chắn đó có phải nấm mối hay không thì chỉ cần đào khoảng đất nhỏ xung quanh, nếu thấy có mối đất sinh sống thì chắc chắn đó là nấm mối.

 

Hiện chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào khẳng định nấm mối là do ổ mối tạo ra. Nhưng theo dân gian thì nấm mối xuất hiện hằng năm là do các ổ mối nằm sâu dưới đất tiết ra một chất meo (khoa học gọi là men vi sinh), khi gặp thời tiết thích hợp, meo sẽ phát triển và cấu tạo thành nấm. Do đó mới gọi là nấm mối, nấm trời cho, có giá trị dinh dưỡng rất cao.

 

Theo Người tiêu dùng

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh