Nền nếp, chiều sâu văn hóa của một đô thị được thể hiện qua những con đường, công viên và phố chợ. Cần Thơ đang dần định hình bộ mặt đô thị văn minh với những con đường sáng- xanh- sạch- đẹp, những phố chợ sầm uất hòa trộn nếp sinh hoạt xưa và văn minh mua bán thời hiện đại, những công viên tuy nhỏ nhưng duyên dáng…
Nền nếp, chiều sâu văn hóa của một đô thị được thể hiện qua những con đường, công viên và phố chợ. Cần Thơ đang dần định hình bộ mặt đô thị văn minh với những con đường sáng- xanh- sạch- đẹp, những phố chợ sầm uất hòa trộn nếp sinh hoạt xưa và văn minh mua bán thời hiện đại, những công viên tuy nhỏ nhưng duyên dáng…
Văn minh chợ
Chợ Việt truyền thống mang đậm nét văn hóa làng xã. Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng chợ không chỉ nằm trong phạm trù kinh tế đơn thuần, mà còn có sự giao lưu tình cảm gắn liền với các giá trị ứng xử trong văn hóa người Việt. Nhờ vậy, chợ có sự tự thích ứng trong mọi thời điểm. Sự linh hoạt của chợ truyền thống thể hiện rõ trong cuộc cạnh tranh với các siêu thị thời giao thương quốc tế. Ở Cần Thơ, văn minh chợ đang là một khái niệm thôi thúc đổi thay ở các chợ truyền thống.
"Người ta đến chợ, ngoài nhu cầu mua bán còn để đánh giá cốt cách và khí khái của con người ở một vùng đất. Từ phương thức mua bán- sinh hoạt ở chợ, có thể cảm nhận nền nếp văn minh của địa phương đó"- ông La Minh Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị- Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ (C.T.C), cho biết một trong những lý do mà C.T.C quyết định đầu tư, khai thác Nhà lồng Chợ cổ Cần Thơ. Năm 2005, ngay khi Nhà lồng Chợ cổ được trùng tu theo nguyên dạng kiến trúc ban đầu, định hướng phát triển chợ văn minh đã được xác định. Ngoài những tiêu chí cơ bản, vấn đề được quan tâm nhất là văn hóa kinh doanh của tiểu thương. Điều đó không đơn giản bởi chợ là một thực thể phức tạp với những cá nhân có hoàn cảnh, nhận thức và trình độ khác nhau.
"Rất nhiều cách làm được triển khai, bổ sung liên tục"- ông Lâm Văn Hai, Trưởng Ban điều hành Chợ cổ Cần Thơ chia sẻ. CLB Tiểu thương được thành lập nhằm phổ biến đến tiểu thương cách trưng bày hàng hóa, giao tiếp, mua bán đúng giá, hàng hóa đúng chất lượng... Mô hình "Shop thân thiện" được xây dựng, tiểu thương tự do đăng ký bằng những cam kết về giá cả, thái độ phục vụ. Các gian hàng thuộc mô hình được gắn biểu tượng mặt cười, được giới thiệu đến các công ty lữ hành… Hiện nay, Ban Điều hành Chợ cổ Cần Thơ xây dựng "Gian hàng Việt", vận động tiểu thương bán các sản phẩm thuần Việt, có xuất xứ, chất lượng đảm bảo. Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó Chủ nhiệm CLB Tiểu thương, tham gia mô hình "Shop thân thiện" ở các lô A13, B13, B9, cho biết: "Chúng tôi phải có ý thức hành xử sao cho xứng với giá trị lịch sử, văn hóa của chợ cổ. Tôi tin rằng với những mô hình mà Ban Điều hành chợ đã và đang triển khai, dần dần những tiểu thương chưa ý thức sẽ thay đổi"…
Theo Sở Công thương, TP Cần Thơ có 107 chợ, 12 siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm bán buôn. Nhiều năm qua Sở đã xây dựng các tiêu chuẩn chợ văn minh và triển khai đến hệ thống chợ truyền thống. Trong đó, tập trung ở các chợ trung tâm đô thị. Năm 2009-2010 là cột mốc đầu tiên với 8 chợ được đầu tư xây dựng theo hướng này. Đồng thời, bắt đầu triển khai kêu gọi đầu tư, giao quyền cho doanh nghiệp kinh doanh và quản lý chợ.
Sinh hoạt mua bán ở Chợ An Thới. Ảnh: T.V |
Chợ An Thới, quận Bình Thủy, do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng chợ Cửu Long đầu tư và khai thác, là 1 trong 6 chợ trong cả nước được Bộ Công thương chọn triển khai mô hình Chợ Vệ sinh an toàn thực phẩm. Để giúp tiểu thương vượt qua những rào cản tâm lý, Ban quản lý chợ mời những tiểu thương lâu năm đi tham quan mô hình này ở An Giang, Bến Tre. Đồng thời, đầu tư xây dựng hệ thống lô sạp cao ráo, khang trang, nền chợ được nâng cao, thoáng, sạch… Chị Hứa Ngọc Yến, tiểu thương ở chợ An Thới, cho biết: "Điều kiện vệ sinh môi trường tốt, hàng hóa đảm bảo các tiêu chí an toàn, giá cả được cam kết nên khách hàng càng ngày càng tin tưởng. Việc mua bán vì thế rất ổn định". Chợ An Thới đang tiến thêm một bước: vận động tiểu thương bán các mặt hàng tươi sống từ các cơ sở được Sở Nông nghiệp và Sở Công thương chứng nhận an toàn và sạch. Với bước tiến này, chợ truyền thống đang tiếp cận rất gần với phương thức minh bạch nguồn gốc hàng hóa của siêu thị.
"Chợ sẽ thúc đẩy sự phát triển của khu phố xung quanh, tạo thành trung tâm thương mại quan trọng có tầm ảnh hưởng đến nhiều vùng lân cận thông qua hệ thống bán buôn. Bởi vậy văn hóa chợ sẽ gắn liền với văn minh phố chợ và tác động sâu rộng đến nhiều mặt đời sống"- ông La Minh Hồng nhận định. Trên quan điểm đó, ông mơ ước tuyến Chợ cổ Cần Thơ- chợ Tân An sẽ hợp cùng phố chợ dọc tuyến đường Hai Bà Trưng thành một tổng thể có không gian kiến trúc của những năm đầu xây dựng đô thị Cần Thơ. Và phố thị ấy sẽ là ấn tượng đẹp về văn hóa mua- bán đậm phong vị Cần Thơ.
Duyên dáng phố
Công viên Lưu Hữu Phước. Ảnh: TƯỜNG VI |
Đi một vòng xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh dưới ánh nắng hanh khô ngày cuối năm, điều làm chúng tôi ấn tượng nhất là xã ngoại thành cách trung tâm thành phố hơn 2 giờ chạy xe máy này, lại có cảnh quan thoáng, xanh, sạch, đẹp và nền nếp sinh hoạt văn minh hiếm thấy. Anh Vũ Văn Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, khoe rằng, con đường đẹp kiểu mẫu đang được nhân rộng của xã nằm dọc kinh E2, dài hơn 6km, bắt đầu từ điểm tiếp giáp xã Thạnh Thắng và Thạnh An, đến vị trí cuối là thị trấn Núi Sập (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Dọc bên bờ kinh, nhiều loại cây cổ thụ và hoa sứ được trồng xen kẽ với các cột đèn chiếu sáng. Con đường tráng bê tông phẳng phiu, tuyệt nhiên không có rác, nước đọng hay sình đất trên mặt đường. Cổng rào nhà dân hầu hết bằng cây xanh- hoa kiểng. Điểm nhấn của con đường đẹp là Thánh đường Giáo xứ An Sơn với công trình núi nhân tạo giữa khuôn viên cây xanh và những sân chơi cho thanh thiếu niên. Ông Nguyễn Văn Bích, người dân sống ở kinh E2, bộc bạch: "Bà con tự giác xây dựng và giữ gìn đường đẹp. Nhà nào thích hoa gì thì trồng hoa nấy, thường xuyên quét dọn xung quanh".
Phong trào xây dựng tuyến đường sáng- xanh- sạch- đẹp ở nơi cách thành phố khoảng 80km như Thạnh Lợi phát triển đến mức đó, cho thấy công tác này lan tỏa sâu rộng và dần trở thành nét đẹp trong nếp sinh hoạt của thị dân. Bắt nguồn từ quận Ninh Kiều, khi tuyến Đại lộ Hòa Bình- 30 tháng 4 (đoạn đến đường Trần Ngọc Quế) được Bộ Giao thông vận tải công nhận danh hiệu "Con đường đẹp Việt Nam", trải qua 12 năm, đến nay, 100% ấp- khu vực, xã- phường, quận- huyện trên địa bàn thành phố đều tổ chức liên hoan mô hình đường đẹp hằng năm với những nét đặc thù của từng địa phương. Ninh Kiều có mô hình "Phường sạch rác"; ở Phong Điền, trên các tuyến đường đẹp phải có "Cổng an ninh trật tự", "Đèn trước ngõ mõ trong nhà" ở Bình Thủy, đường đẹp gắn liền với di tích lịch sử văn hóa, tuyến điểm du lịch...
Nhà lồng chợ cổ Cần Thơ nhìn từ sông Cần Thơ. Ảnh: T.V |
"Hàng trăm tuyến đường sáng- xanh- sạch- đẹp được xây dựng và duy trì nhờ hành vi văn hóa, ý thức văn minh của cộng đồng dân cư"- ông Đặng Thái Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, nhận định. Việc xây dựng đường đẹp không chỉ dựa trên các tiêu chuẩn thiên về hành chánh, mà còn mang đặc trưng tính cách của người Cần Thơ, thể hiện qua việc người dân tự nguyện tìm giống cây, giống hoa mới đem về trồng, hay hình thành thói quen thường xuyên chăm sóc cây xanh, quét dọn, phát quang các tuyến đường. Nhờ vậy, Cần Thơ có những con đường mang vẻ đẹp rất đặc trưng. Tuyến đường khu vực Phú Lễ và Phú Lợi, phường Tân Phú, quận Cái Răng, xanh mát với cây xà cừ, hoàng hậu, phía dưới là hoa chiều tím, chiều hồng, vỏ đậu. Đường từ Ô Môn đến thị trấn Cờ Đỏ rực rỡ sắc vàng hoa sao nhái. Những con đường nội ô cũng mang dáng vẻ riêng với hàng liễu rủ ở đường Hai Bà Trưng, tán hoa bằng lăng hai bên đường Nguyễn Việt Hồng và Huỳnh Cương…
Những công viên cũng đang góp phần định hình bộ mặt đô thị Cần Thơ. Gần 20 năm trước, trung tâm thành phố Cần Thơ có khoảng 7 công viên. Theo thời gian, do yêu cầu phát triển giao thông đô thị, một số công viên bị giải tỏa. Tuy nhiên, bù lại, công viên ngày càng tỏa rộng khắp các quận huyện. Hiện thành phố có 15 công viên, cùng nhiều tiểu đảo, tháp hoa… với tổng diện tích cây xanh hơn 144.000m2. Đặc biệt, Cần Thơ đã cơ bản xóa được ấn tượng công viên là nơi tụ tập của các thành phần bất hảo, mua bán hàng rong bát nháo, vệ sinh môi trường kém... Đó là nhờ thành phố phân cấp và triển khai đồng bộ các biện pháp xây dựng nếp văn minh tại công viên. Đơn cử, ở công viên Ninh Kiều, người mua bán hàng rong được bố trí vào "Phố hàng rong"; hay công viên Lưu Hữu Phước giải quyết tình trạng người dân chạy xe vào công viên bằng việc bố trí những bãi giữ xe hợp lý…
Sắp tới, TP Cần Thơ sẽ có thêm công viên Hùng Vương tại Bến xe cũ, trục đường Hùng Vương- Nguyễn Trãi. Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, trong quy hoạch, nhiều công viên mới với những chủ đề chuyên biệt sẽ được xây dựng gắn liền với các dự án đặc thù, như: Công viên văn hóa Tây Đô; công viên thể thao; khu vườn cây ăn trái… Đặc biệt, trong điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, sẽ có hành lang công viên cây xanh dọc sông Hậu và các khu đô thị ven sông, tạo nên nét đặc trưng của đô thị xanh vùng sông nước.
* * *
Với một thành phố trẻ như Cần Thơ, sẽ còn rất nhiều việc phải làm trong tiến trình xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Và đường xa sẽ gần lại nhờ vào nền tảng sẵn có từ hàng trăm năm nay- nền nếp ứng xử văn minh của người dân, cùng những mô hình và quy hoạch khuyến khích sự phát triển bền vững của chính quyền địa phương.n
Theo http://baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=78&p=&id=174935
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin