Lưu giữ di sản làng nghề đóng xuồng, ghe Bà Đài

08:02, 12/02/2016

Đã tồn tại, phát triển hơn 100 năm, năm 2005, làng nghề đóng xuồng, ghe Bà Đài - Long Hậu (huyện Lai Vung) được công nhận là làng nghề truyền thống của tỉnh. Tháng 4/2015, làng nghề đóng xuồng, ghe Bà Đài được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Đã tồn tại, phát triển hơn 100 năm, năm 2005, làng nghề đóng xuồng, ghe Bà Đài - Long Hậu (huyện Lai Vung) được công nhận là làng nghề truyền thống của tỉnh. Tháng 4/2015, làng nghề đóng xuồng, ghe Bà Đài được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Làng nghề di sản

Người được xem là ông tổ nghề đóng xuồng, ghe Bà Đài là cụ Phạm Văn Thuông (sinh khoảng năm 1875, mất năm 1945) là người rất giỏi nghề mộc. Sản phẩm làm nên danh tiếng của ông là chiếc xuồng cui nên ông còn được gọi là ông Sáu Xuồng Cui. Khi ông khởi nghiệp đóng xuồng, ghe ở rạch Bà Đài, sản phẩm chủ yếu bán tại địa phương và các làng lận cận.

Trải qua thời gian, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, vừa nắm vững bí quyết nghề vừa kết hợp tính sáng tạo, học hỏi kinh nghiệm của các làng nghề khác, nghề đóng xuồng, ghe ở rạch Bà Đài đã phát triển thành làng nghề nổi tiếng với những sản phẩm xuồng, ghe đẹp và bền chắc.

Người dân trong vùng nghe tiếng tìm đến đặt đóng xuồng ghe ngày càng đông, sản phẩm làng nghề cũng ngày càng đa dạng, từ chiếc xuồng cui, ghe cui Bà Đài, xuồng Cần Thơ, xuồng ba lá, ghe bầu Phụng Hiệp - Cái Răng, ghe Cần Đước - Long An, đến chiếc tắc ráng Rạch Sỏi (Kiên Giang). Thời hưng thịnh của làng nghề, sản phẩm xuồng, ghe Bà Đài bán rộng rãi qua các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện nay, giao thông đường bộ ngày càng phát triển, việc vận chuyển hàng hóa đa số bằng các loại xe tải lớn, nhỏ. Còn nếu đi đường thủy, phần nhiều người dân đã chuyển sang mua các loại tàu vỏ sắt, do giá rẻ hơn so với ghe bằng gỗ. Vì vậy, nghề đóng xuồng, ghe Bà Đài hiện nay cũng đối mặt với không ít khó khăn, những chiếc ghe tải trọng lớn khó bán được hàng, cũng đang dần mai một.

Theo xu hướng của xã hội phát triển, nhu cầu quà tặng lưu niệm, trưng bày giải trí ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu này, những chiếc xuồng, ghe Bà Đài thu nhỏ đã có mặt trên thị trường.

Các chủng loại xuồng thu nhỏ
Các chủng loại xuồng thu nhỏ

Hướng đi mới cho nghề

Tác giả của những sản phẩm xuồng, ghe Bà Đài thu nhỏ là anh Nguyễn Văn Tốt ở ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu. Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi đi dọc theo con rạch Bà Đài, đến cuối con đường mòn quanh co, cặp bên vườn quýt là nhà của anh Nguyễn Văn Tốt, còn gọi là anh Bảy Tốt. Nói về cái duyên đưa đến công việc hiện nay, anh Bảy Tốt cho biết, sau lần làm cho đứa con chiếc xuồng cui thu nhỏ để tham gia cuộc thi trong trường học, thấy sản phẩm này được nhiều người yêu thích, có nhu cầu mua để trưng bày, anh đã tìm ra hướng đi mới cho nghề. Hiện nay, mới chỉ có anh cùng vài người thân trong gia đình làm những sản phẩm thu nhỏ này.

Anh Bảy Tốt cho biết, nguyên liệu anh sử dụng làm xuồng, ghe thu nhỏ là cây sao vườn. Để có sản phẩm thu nhỏ hoàn thiện, đẹp mắt, anh làm qua các công đoạn cưa ván, bỏ mực, rọc dọn, vô vỏ, ráp cong, dằn và chà nhám rồi sơn dầu để hoàn tất sản phẩm. Để làm ra chiếc xuồng, ghe Bà Đài thu nhỏ mất khá nhiều công phu và sản phẩm thu hút khách hàng bởi sự sắc sảo các chi tiết, nét dân dã thân thương của chiếc xuồng ghe quê hương.

Ngoài khách hàng ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long và hai thành phố Cần Thơ, Hồ Chí Minh, sản phẩm của anh còn bán cho Việt kiều và du khách nước ngoài yêu thích chiếc xuồng, ghe của miền sông nước Tây Nam bộ. Những điểm du lịch, nhà hàng... cũng đặt các loại xuồng vừa và lớn dùng để trưng bày trái cây, rộng cá để hấp dẫn khách.

Giá cả sản phẩm xuồng, ghe thu nhỏ cũng tùy vào chủng loại và kích cỡ, chiếc đơn giản thì khoảng vài trăm ngàn đồng, chiếc làm mui cầu kỳ thì giá cao hơn, khoảng vài triệu đồng. Anh Bảy Tốt phấn khởi cho biết, sản phẩm của anh ngày càng được nhiều người biết đến và ưa chuộng nên hiện nay đơn đặt hàng ngày càng nhiều, đặc biệt vào dịp Tết, bà con Việt kiều về quê ăn Tết thường mua đem theo ra nước ngoài khá nhiều.

Việc làm các sản phẩm xuồng, ghe Bà Đài thu nhỏ đã mở ra một hướng đi mới cho làng nghề, đáp ứng nhu cầu thị trường, đem lại nguồn thu nhập khá, ổn định cho người thợ làng nghề, cũng là góp phần lưu giữ, phát triển làng nghề truyền thống của quê hương.

Theo http://www.baodongthap.com.vn/newsdetails/1D3FE18A79E/Luu_giu_di_san_lang_nghe_dong_xuong_ghe_Ba_Dai.aspx

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh