Con cá kình miền Tây

01:02, 08/02/2016

Những người lớn tuổi ở Tam Bình quê tôi, kể cả trong giới bơi lội khắp các tỉnh miền Tây, hầu như ai cũng biết tên Năm Sách, một người được mệnh danh là "con cá kình miền Tây".

Những người lớn tuổi ở Tam Bình quê tôi, kể cả trong giới bơi lội khắp các tỉnh miền Tây, hầu như ai cũng biết tên Năm Sách, một người được mệnh danh là “con cá kình miền Tây”.

Đó là chàng trai quê ở Tam Bình (Vĩnh Long), tuổi đời mới đôi mươi, vai u, thịt bắp, màu da sạm nắng, tính tình hiền hậu, cương trực. Năm Sách có khả năng thiên phú về bơi lội, anh mà xuống nước chẳng khác nào con rái cá tung tăng, vẫy vùng dưới nước cả ngày cũng không biết mệt.

Thuở ấy, đường sá đi lại còn gian nan cách trở, muốn đi đâu, Năm Sách nhảy ùm xuống sông bơi một mạch cả chục cây số khỏe re. Hôm nào có đám tiệc, nhậu xỉn về, chỉ cần 2 giề lục bình dùng kê đầu với gác chân là nổi phều trên mặt nước và ngủ ngon lành, thả trôi về tới nhà. Với tài bơi hay, lặn giỏi như vậy, nên nơi nào có tổ chức thi bơi lội, Năm Sách dự thi là chắc mẽm đoạt giải nhất.

Rồi không hiểu từ lúc nào, mọi người gọi Năm Sách là “Con cá kình miền Tây”. Thuở ấy, ai bị chìm đò, chết trôi, mất tài sản là có Năm sách đến lặn mò tìm giúp, chẳng lấy tiền công, nên ai cũng quý mến. Trong cuộc đời vẫy vùng sông nước của Năm Sách, mọi người nhớ đến anh nhiều nhất trong một dịp dự thi bơi lội tại Tam Bình. Anh dũng cảm không khuất phục trước uy lực của kẻ ỷ quyền cậy thế.

Trong thành phần dự thi dạo nọ, có người là con trai của viên tỉnh trưởng vừa học ở nước ngoài về, nên quan quận muốn lấy lòng quan tỉnh, cho người gặp Năm Sách, yêu cầu không tranh chấp với con quan tỉnh trưởng và phải chấp nhận thua cuộc. Nhưng Năm Sách cương quyết không chịu, người của quan quận nhẹ nhàng nhắc nhở: “Lệnh trên đã phán, một là chấp nhận, hai là chết”.

Trong ngày hội thi, mới xuất phát là Năm Sách đã lội vượt lên những người phía sau cả chục mét. 5 tên cận vệ của viên quận trưởng trong vai vận động viên tham dự thi bơi lội, bèn nháy mắt thực hiện cuộc gian lận. Chúng chạy lên bờ, bất chấp vi phạm cuộc thi, nhưng ban giám khảo đều là của quan quận, nên chẳng có ý kiến. Chúng chạy bộ trên bờ vượt lên rồi ào xuống sông chận đầu Năm Sách.

Tất cả không nói mà cùng hẹn, 5 tên cùng nhào vô vật lộn với Năm Sách. Biết dã tâm của bọn chúng, Năm Sách khôn khéo lội vượt qua, nhưng bị một tên cố tình đeo bám, tuột cả quần ngắn của Năm Sách. Theo thể lệ cuộc thi, sau khi về nhất với đường bơi 2.000m, các vận động viên sẽ đi lên cầu dài 20m, rồi leo trên cây tre nhỏ trơn trợt giật cây cờ. Tùy theo thứ hạng nhất- nhì- ba, các vận động viên mang cờ chạy lên cắm trên bàn danh dự của viên tỉnh trưởng ngồi chứng kiến cuộc thi.

Riêng Năm Sách, bị tuột hết quần, trong lòng vô cùng uất ức, tìm cách dằn mặt tên tỉnh trưởng. Khi giật cờ hạng nhất chạy lên cắm trên bàn danh dự, Năm Sách đã dùng lá cờ như chiếc xà rông quấn quanh nửa phần thân dưới. Khi tới nơi, Năm Sách tháo cờ cắm lên. Bà tỉnh trưởng đang ngồi trên ghế danh dự mục kích… ráo trọi, đã hốt hoảng đưa hai tay bịt mắt, chạy thụt ra phía sau la oai oái.

Quan tỉnh trưởng giận dữ vì Năm Sách đã không chấp hành cho con ông ta đoạt giải nhất, nên thừa cơ hội này, hét toáng lên: “Bắt thằng này đã vi phạm cuộc thi, xúc phạm bà lớn”. Những tên cận vệ rầm rập xông vào, Năm Sách lẹ làng nhảy xuống sông lội trốn mất. Hơn một giờ sau, Năm Sách đã lội tới chợ nổi Trà Ôn, lúc ấy, mấy chiếc tắc ráng của lính quận Tam Bình cũng vừa đến.

Năm Sách leo lên một chiếc ghe bán khoai lang trong tư thế không một mảnh vải che thân, nhằm khi cô con gái của ông chủ ghe đang dọn bữa cơm trưa. Đứng bên ngoài theo dõi mấy tên lính quận Tam Bình lục soát các ghe bắt người chống quan tỉnh, nghe tiếng con gái la hoảng, ông Hai Biên- chủ ghe- vội bước vào.

Vừa thấy Năm Sách, ông biết ngay cớ sự, liền tháo chiếc khăn choàng cổ đưa cho Năm Sách: “Quấn lại cho tử tế rồi chui xuống lườn ghe trốn liền đi”. Ngay sau đó, mấy tên lính đã leo lên ghe khoai quát tháo: “Thằng cá kình miền Tây có đây không?” “Tôi có biết ai đâu?”- ông già bán khoai bình tĩnh trả lời.

Một tên lính lần vào trong khoang dò xét, chỉ thấy ông bán khoai đang ăn cơm với cô con gái quá xinh đẹp. Tên lính bèn trổ mòi: “Không có con cá kình miền Tây, thôi tía cho con rước vợ con dìa”. Ông già bán khoai cười hóm hỉnh: “Lo cậy người mai mối, cưới hỏi đàng hoàng, tía cho con rước vợ con dìa”.

Tên lính mắt sáng rỡ, chạy ra trước mũi ghe hò hét: “Đây là ghe của tía vợ tao, thằng nào đụng đến là coi chừng ăn… báng súng”. Chờ cho chúng đi khỏi, ông già bán khoai hối con gái nhổ sào lui ghe, ông lẩm bẩm: “Cứu một mạng người còn hơn xây mười kiểng chùa. Số khoai này bán không được, mang về miệt U Minh cho bà con nghèo ăn, có mất đi đâu”.

Từ đấy mọi người không còn gặp Năm Sách nữa, các cuộc thi bơi lội cũng không có Năm Sách tham dự, nhưng tên tuổi “con cá kình miền Tây” thì luôn được nhắc nhở.

Bẵng đi một thời gian, ngót cả chục năm, mọi người lại xôn xao nhắc đến tên Năm Sách. Mấy người vào rừng đước đốn củi hầm than xầm xì rằng có gặp Năm Sách là cán bộ cách mạng cũng là con rể ông già bán khoai. Ai nấy cũng mừng, cách mạng có người con như Năm Sách thì tốt quá. Rồi mọi người thầm mong ngày Năm Sách trở về trong đoàn quân chiến thắng.

Trong một dịp tiết Thanh minh, tôi theo ba tôi đi tảo mộ ông bà. Ba tôi thắp nén nhang trước một ngôi mả lạng cạnh mộ ông bà nội tôi, nước mắt lã chã. Thấy tôi ngạc nhiên, ba tôi nhỏ nhẹ, như sợ có người nghe: “Mộ của một người mới chết, chẳng có ai đắp mồ. Ba thấy tội nghiệp, khóc thương họ thôi”. Rít mấy hơi thuốc rê, ba tôi nói tiếp: “Nghe nói người này lúc sống khí phách anh hùng lắm, khi chết cũng oanh liệt lắm”.

Ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, có người đến mời ba tôi đi lãnh bằng “Tổ quốc ghi công”, bởi chú Năm tôi là liệt sĩ. Ông không có con, vợ ông cũng đã hy sinh thời kháng chiến, chỉ còn mình ba tôi là người thân. Bấy giờ ba tôi mới nói thiệt với anh em chúng tôi, ngôi mộ lạng đó là mộ chú Năm.

Lúc chú hy sinh, ba tôi bí mật mang về chôn cất, vì trước kia, bọn công an chìm cứ ngày đêm theo dõi nên ba tôi không dám đắp ngôi mộ cao, sợ chúng phát hiện. Lúc chú Năm tôi theo cách mạng, anh em chúng tôi còn quá nhỏ, không ai biết mặt, nên cũng không ai biết Năm Sách “con cá kình miền Tây” chính là chú ruột của mình. 

NGUYỄN TƯỜNG LỘC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh