Niềm tin từ lộc biển

09:01, 13/01/2016

Đối với người dân xứ biển Khánh Hội, niềm vui ngày Tết chỉ thực sự trọn vẹn khi lộc đầu năm là khoang thuyền đầy ắp cá, tôm. Năm nay, những chuyến biển cuối năm âm lịch liên tục trúng mùa càng làm cho không khí ra khơi của họ rộn rã hơn bao giờ hết.

Đối với người dân xứ biển Khánh Hội, niềm vui ngày Tết chỉ thực sự trọn vẹn khi lộc đầu năm là khoang thuyền đầy ắp cá, tôm. Năm nay, những chuyến biển cuối năm âm lịch liên tục trúng mùa càng làm cho không khí ra khơi của họ rộn rã hơn bao giờ hết.

Nếu như thời điểm này, những ngư dân ở một số địa phương khác đã trở về đất liền cho kịp đón Tết thì những ngư dân làm nghề câu mực và câu cá ngừ đại dương tại cửa biển Khánh Hội, huyện U Minh, vẫn đang tất bật chuẩn bị cho chuyến ra khơi, lênh đênh trên biển.

Ông Nguyễn Văn Bền, ngư dân tại ấp 4, xã Khánh Hội, bộc bạch: “Mình quanh năm sống nhờ có biển nên phải gắng bó mật thiết với biển thì mới mong biển ban tặng sản phẩm cho mình. Chính vì thế mà những năm qua, dù có, dù không, cha con tôi vẫn thực hiện cho bằng được chuyến biển này. Bởi khi đi biển chuyến này mình sẽ ăn Tết, đón giao thừa ngay trên biển với mong muốn sẽ gặt hái được thật nhiều lộc ngay từ đầu năm. Mà thông thường thì chuyến biển này trúng rất đậm nên mình phấn khởi lắm”.

Ngư dân tất bật chuẩn bị chuyến ra khơi cuối năm âm lịch.  Ảnh: VI HOÀ
Ngư dân tất bật chuẩn bị chuyến ra khơi cuối năm âm lịch. Ảnh: VI HOÀ

Nhiều ngư dân câu mực và cá ngừ đại dương ở đây cho biết, sở dĩ họ chấp nhận xa nhà vào ngày Tết cổ truyền của dân tộc vì chuyến khai thác này thường đạt hiệu quả cao hơn so với các chuyến còn lại trong năm. Đặc biệt là những chuyến biển cuối năm 2015 (âl), người dân lại trúng mùa nên càng làm cho không khí ra khơi đón lộc của người dân nơi đây khẩn trương hơn bao giờ hết.

Ông Trịnh Văn Đời ở ấp 3, xã Khánh Hội, có thâm niên hơn 20 năm làm nghề câu mực, cho biết: “Năm nào cũng vậy, vào thời điểm từ 17-19/12 âm lịch là những người làm nghề câu mực lại ra khơi, đây là chuyến biển thường trúng nhất trong năm. Bởi vì chuyến biển này phần lớn các phương tiện nhỏ, đánh bắt gần bờ đều không khai thác. Năm nay, những chuyến gần Tết lại trúng mùa nên càng làm cho tôi và các anh em phấn khởi, nên đến thời điểm này chúng tôi đã sẵn sàng để ra khơi đón lộc đầu năm”.

Ngoài hiệu quả về kinh tế và ước muốn có thật nhiều lộc xuân, thì việc ăn Tết trên biển của ngư dân nơi đây còn thể hiện tinh thần bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo của Tổ quốc. Bởi vào những ngày này, phần lớn các phương tiện đánh bắt như cào và một số tàu nhỏ đã trở về đất liền ăn Tết, chỉ còn lại tàu làm nghề câu mực và câu cá ngừ đại dương là chính, nên số lượng tàu trên biển vào những ngày này giảm đáng kể. Từ đó, nguy cơ bị tàu nước ngoài xâm phạm vùng khai thác là rất lớn.

Chính vì thế, trước khi đi chuyến biển Tết, toàn bộ cờ nước đã được người dân thay mới. Một mặt là để tô thắm thêm cho ngày Tết, mặt khác để các thuyền dễ nhận ra nhau, hợp sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ông Võ Minh Tân ở ấp 4, xã Khánh Hội, có hơn 20 năm ăn Tết trên biển, cho biết: “Trên biển, lá cờ nước quan trọng lắm, khẳng định chủ quyền của nước mình nên chúng tôi rất trân trọng. Khi đánh bắt, khai thác gần ranh giới của các nước bạn, thấy cờ của nhau là bên ai nấy khai thác chớ không xâm phạm nhau. Mỗi khi thấy tàu có cờ nước mình phất phới trên biển, anh em khai thác cảm thấy an tâm hơn”.

Tuy công việc chính của chuyến ra khơi lần này vẫn là khai thác, đánh bắt thật nhiều thuỷ hải sản, nhưng những ngư dân một lòng bám biển vẫn giữ trọn vẹn những nét đẹp truyền thống của dân tộc trong những ngày Tết. Thông lệ hằng năm, vào ngày 29 Tết, các ngư dân đều trang trí và lập bàn thời tổ tiên trên tàu, bày biện đầy đủ bánh mứt, trái cây để đón giao thừa.

Đúng vào thời khắc thiêng liêng nhất, các ngư dân sẽ liên hệ với các trạm kiểm soát trên đất liền hoặc mở radio để lắng nghe âm thanh của thời khắc giao thừa, rồi quây quần bên nhau để chia sẻ niềm vui và gởi cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất trong dịp đầu năm mới. Chính vì thế mà bên cạnh việc chuẩn bị các vật dụng cho chồng con ra khơi, các chị em quê biển cũng không quên mua bánh, mứt và một chậu mai với hy vọng khi ra khơi trở về mai sẽ nở hoa, báo hiệu sự may mắn đến quanh năm.

Ngư dân đang tất bật chuẩn bị cho chuyến ra khơi đón lộc đầu năm.
Ngư dân đang tất bật chuẩn bị cho chuyến ra khơi đón lộc đầu năm.

Ông Bùi Minh Phố ở ấp 3, xã Khánh Hội, tiết lộ: “Anh em trên biển cũng đón Tết rộn rã lắm. Khoảng 9 giờ tối đêm giao thừa là chúng tôi ngừng đánh bắt để mở radio nghe chương trình xuân trên đất liền, nhờ vậy chúng tôi cảm thấy ấm áp hơn. Vào đêm giao thừa, khi đã cúng ông bà xong là anh em gọi điện cho nhau, tập hợp lại một chỗ, cột ghe lại rồi cùng nhau ăn bánh, uống trà, cùng nhau tâm sự để chờ thời khắc giao thừa, rồi chúc nhau một năm làm ăn thắng lợi. Khi đón giao thừa xong anh em sẽ chia ra tiếp tục đánh bắt và trở về đất liền đúng vào ngày mùng 9 Tết”.

Với sự chuẩn bị chu đáo cho chuyến biển cuối năm, đón lộc đầu năm, hy vọng ngư dân trên địa bàn xã Khánh Hội sẽ khai thác đạt hiệu quả cao để đón thật nhiều lộc xuân từ biển cả. Ngày trở về ăn Tết muộn nhưng thật ấm áp, vui tươi bên bạn bè, gia đình và người thân, đó sẽ là sự bù đắp xứng đáng cho những tháng ngày vất vả, lênh đênh cùng sóng biển trong những ngày xuân./.

Theo http://baocamau.com.vn/newsdetails.aspx?newsid=39080

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh