Mùa nấu đường thốt nốt

08:01, 09/01/2016

Khi lúa ruộng trên chín, mùa mưa kết thúc, thời tiết chuyển sang mùa khô là thời điểm lấy nước thốt nốt và vụ nấu đường cũng bắt đầu. Người sống với nghề sắm sửa nào là cây tre làm đài, keo đựng nước, lo dự trữ trấu và lá cây rừng làm chất đốt, lau chùi nồi, kiểm tra lại lò… để bước vào mùa làm ăn mới.

Khi lúa ruộng trên chín, mùa mưa kết thúc, thời tiết chuyển sang mùa khô là thời điểm lấy nước thốt nốt và vụ nấu đường cũng bắt đầu. Người sống với nghề sắm sửa nào là cây tre làm đài, keo đựng nước, lo dự trữ trấu và lá cây rừng làm chất đốt, lau chùi nồi, kiểm tra lại lò… để bước vào mùa làm ăn mới.

Thế mạnh của đặc sản

Tháng mười một, len lỏi vào các phum, sóc sẽ thấy khói phảng phất trên những mái nhà, ngửi được hương thơm ngào ngạt giữa trưa. Theo ông Chau Yêu (ấp Sóc Tức, xã Lê Trì, Tri Tôn), một lò đường nấu được từ 15 – 20kg/ ngày, bước sang tháng chạp sản lượng tăng lên, nhất là khi áp Tết sẽ gấp đôi.

Đó là kết quả khai thác nước từ 40– 50 cây thốt nốt, mỗi cây cho cỡ 1kg đường/ ngày. Còn anh Chau Tít (ấp Sóc Tức, xã Lê Trì) làm nghề lâu năm, nhưng vẫn ngạc nhiên với loài cây đặc sản này, vì lúc cao điểm mùa khô lại cho nước ngọt và nấu được nhiều đường hơn.

Vựa lá cây làm chất đốt nấu đường
Vựa lá cây làm chất đốt nấu đường

Cây thốt nốt tập trung ở Tri Tôn và Tịnh Biên, với tổng số toàn vùng ước trên 60.000 cây và mỗi năm thu hoạch 5.500 tấn – 6.000 tấn đường. Anh Chau Sóc (ấp Sóc Tức, xã Lê Trì) bảo, sản lượng hàng năm tăng lên từ 10- 15% do cây tuổi thọ càng cao, trữ lượng nước nhiều và tỉ lệ đường nấu được cũng nhiều hơn. “Người mần nghề đều là đồng bào Khmer, hương vị sản phẩm đậm đà, du khách rất ưa thích, bởi tính chất dân dã quê mùa” – anh Sóc cười tươi. Đường thốt nốt có 2 loại là đường đựng keo và đường tán tròn.

Gọi đường thốt nốt là sản phẩm lợi thế đặc sản, điều đó không sai. “Nước thốt nốt có thể khai thác quanh năm. Nhưng, hương vị ngon ngọt phải vào mùa nắng, rồi lấy nước nấu cũng nhiều đường” – bà Neáng Kunh (ấp Tô An, xã Cô Tô, Tri Tôn) giải thích.

Thời vụ khai thác lấy nước và nấu đường 6 tháng trong năm, nếu mùa khô kéo dài thì người làm nghề sẽ… được mùa, bởi lẽ niên vụ khai thác có thể lơi thêm cỡ 2 tháng nữa. Một hộ mướn 15 cây đến 20 cây thốt nốt, giá dao động từ 3- 5kg/cây/năm, sau khi trừ hết chi phí đầu tư sản xuất còn lời từ 30– 40% so tổng thu.

Nỗ lực lấy thương hiệu

Ngày nay, việc khai thác lấy nước và nấu đường thốt nốt được xác định là tạo đặc sản và sản phẩm thế mạnh Bảy Núi. Bắt được “dòng chảy” làng nghề, những năm trước đây, Hội Nông dân tỉnh An Giang triển khai dự án "Huấn luyện, chuyển giao phương pháp khai thác nước và chế biến đường thốt nốt theo kỹ thuật mới" tại các xã: Núi Tô, Lê Trì (Tri Tôn) và An Cư, An Hảo, Văn Giáo (Tịnh Biên).

Hơn 100 hộ đồng bào Khmer (chủ yếu là hộ nghèo trong các phum, sóc) được hỗ trợ vốn sắm dụng cụ và xây lò nấu đường, với trên 300 triệu đồng. Đây là bước đột phá, giúp nghề hoạt động ổn định, sản phẩm đặc sản vươn xa, giải quyết việc làm người lao động và tăng thu nhập cho đồng bào Khmer.

Chương trình Khuyến nông, Khuyến công,  Chương trình dân tộc tỉnh An Giang… cũng triển khai nhiều dự án tương tự. Ông Vương Long Hùng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng Tịnh Biên cho biết, toàn huyện có 2 làng nghề An Phú và Văn Giáo, với 23 cơ sở sản xuất và chế biến đường thốt nốt, hơn 150 hộ hành nghề truyền thống này.

Huyện phối hợp các xã, thị trấn đã tổ chức tập huấn “Quy trình thu nhận nước và sản xuất đường thốt nốt”. Theo ông Chau Pha Ry (ấp Vĩnh Tâm, xã Vĩnh Trung, Tịnh Biên), nội dung tập huấn rất bổ ích, giúp người làm nghề hiểu biết kỹ thuật, đảm bảo an toàn và chất lượng sản phẩm.

“Nghe hướng dẫn, mình mới biết thêm cách thức sản xuất mới. Trước giờ, gia đình lấy nước thốt nốt đem về nấu đường, mần ăn theo tập quán quen rồi” – ông Ry vui mừng.  Sau lớp tập huấn ứng dụng ngay, mùa nấu đường niên vụ mới bắt đầu, chắc chắn sẽ có sự đổi mới. Còn anh Chau Som Bách (ấp Mằng Rò, xã Văn Giáo, Tịnh Biên) với vốn vay (không lãi) được 5 triệu đồng, gia đình sẽ chủ động công việc, chắc chắn làm ăn sẽ khấm khá nhiều hơn.

Chuẩn bị mùa đường 2016, Sở Khoa học – Công nghệ tổ chức lớp tập huấn “Hướng dẫn quy trình thu nhận nước và sản xuất đường thốt nốt”, Hội Nông dân tỉnh triển khai mô hình giảm nghèo “Phát triển làng nghề đường thốt nốt” cho 40 hộ tại xã Văn Giáo.

Theo http://baoangiang.com.vn/Chuyen-muc-khac/Trong-tinh/Mua-nau-uong-thot-not.html

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh